Vào nội dung chính
CAM BỐT

Du lịch quá tải tại đền Angkor

Báo Le Figaro hôm nay đưa đọc giả đến thăm quần thể đền Angkor. Theo tờ báo, đền Angkor như đang ở trong tình trạng trên đe dưới búa, chịu cùng lúc hai áp lực. Một bên là làn sóng du khách quốc tế ồ ạt đến thăm đền Angkor, một bên là nhu cầu trùng tu, công việc này vẫn đang diễn ra nhưng không phải lúc nào cũng theo một quy trình thống nhất.

Một góc khu vực đền Angkor - Cam Bốt
Một góc khu vực đền Angkor - Cam Bốt Duc Tam/RFI
Quảng cáo

Quần thể Angkor từng bị liệt kê vào danh sách các di sản văn hóa thế giới có nguy cơ biến mất vào năm 1992 nhưng sau đó vào năm 2004, nhờ nỗ lực bảo tồn và trùng tu, Angkor đã trở thành khu khảo cổ học phức hợp nhất thế giới.

Ngày nay, khu di tích này thu hút một lượng khách du lịch rất lớn. Trong vòng hai thập niên số lượng du khách đã lên gấp 75 lần, từ 40 000 du khách vào năm 1994, lên tới ba triệu du khách vào năm 2012. Ước tính đến năm 2015, con số này lại nhân lên hơn gấp đôi, sẽ lên đến khoảng 7 triệu du khách, mỗi năm. Trong số du khách này,  lượng người thăm viếng tăng nhanh nhất là du khách đến từ Trung Quốc. 

Trong bối cảnh đó, diện tích 40 cây số vuông của đền thờ Angkor trở nên không đủ để tiếp đón một làn sóng du khách lớn như vậy. Bên cạnh đó, các nỗ lực trùng tu cũng không đồng đều, nếu như Angkor Vat nhận được nhiều sự chiếu cố, thì khu đền Prasat Thom cách đó không xa lại bị bỏ rơi cho dù đã được xếp vào hàng di sản thế giới.    

Tại Angkor Vat, việc bảo tồn di tích đã được thực hiện đúng đắn : người ta thi hành nghiêm ngặt các biện pháp chống trộm cắp như có cảnh sát, bảo vệ cả ngày lẫn đêm. Về mặt trùng tu, thì có rất nhiều quốc gia tài trợ, can thiệp vào khu di tích nhưng mỗi nước làm theo một cách riêng của mình mà lại thiếu hợp tác với nhau.

Nhật Bản đã gửi đến 700 chuyên gia và cho đến bây giờ đã hoàn thành 3 công trình xây dựng kiến trúc, mở ra một bảo tàng vào năm 2005 và hai công trình khác đang thi công. Người Nga, Trung Quốc, Indonesia, một nhà tỷ phú người Hungari cũng tham gia vào hoạt động này. Tờ báo còn cho biết các chuyên gia Ấn Độ đã phạm phải một số sai sót lớn khi tham gia trùng tu tại đây và hiện tại người Đức đang cố gắng sửa lại sai sót này.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.