Vào nội dung chính
MALAYSIA

Malaysia : Chia rẽ sắc tộc vẫn còn nhức nhối

Trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 05/05 vừa qua tại Malaysia, Liên minh Mặt trận Dân tộc (BN) đã giành chiến thắng với 59,91% số phiếu ủng hộ. Chiều ngày hôm sau, tại Cung điện Hoàng gia ở Kuala Lumpur, ông Najib Tun Razak đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng trước Quốc vương Malaysia. Thế nhưng, phe đối lập đã rầm rộ biểu tình phản đối. Báo Le Monde chạy tựa : "Một đợt sóng thần người Hoa trong cuộc bầu cử Quốc hội".

Ông Najib Tun Razak tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng tại Cung điện Hoàng gia (Malaysia Information Department)
Ông Najib Tun Razak tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng tại Cung điện Hoàng gia (Malaysia Information Department)
Quảng cáo

Tựa đề được tờ báo trích dẫn lời nói của ông Najib Tun Razak sau khi liên minh BN của ông giành chiến thắng. Lời nói này lập tức làm sôi sục cộng đồng mạng Malaysia và bị cho là mang màu sắc « phân biệt chủng tộc ». Theo tác giả bài viết, biểu hiện phân biệt chủng tộc này không mới mẻ gì ở Malaysia, bởi mấy chục năm nay, đảng cầm quyền BN luôn có chính sách đào sâu mâu thuăn sắc tộc để duy trì quyền lực, tức là để lấy lòng số dân gốc Mã Lai chiếm đa số.

Hiện tại, ở Malaysia, người tộc Mã Lai chiếm hơn 60% dân số và theo Hồi Giáo, còn người gốc Hoa chiếm khoảng 25% dân số và theo Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo. Bên cạnh còn có khoảng 8% người gốc Ấn. Số còn lại là các tộc người thiểu số địa phương khác. Lần này, BN giành chiến thắng và chiếm 133/222 số ghế. Theo bài viết, xưa nay, vẫn có một số người thuộc tộc thiểu số, tức gốc Hoa hay Ấn, ủng hộ một trong 15 đảng trong liên minh BN. Thế nhưng lần này, hầu như tất cả họ đều bỏ phiếu ủng hộ liên minh đối lập PR. Đây chính là nguyên nhân mà ông Razak có lời lẽ như trên.

Bàn thêm về hồ sơ phân biệt chủng tộc ở Malaysia, bài viết cho hay, từ hơn bốn chục năm nay, BN theo đuổi chính sách phân biệt chủng tộc có lợi cho người gốc Mã Lai. Những người gốc Hoa và Ấn thì bị phân biệt đối xử, họ không được dành cho sự bình đẳng để được tuyển dụng vào các cơ quan công quyền, vào học ở các trường đại học … 85% công chức tại Malaysia là người Mã Lai, 75% các trường đại học chỉ dành cho con em người Mã Lai bản địa.

Bấy lâu nay, BN phân biệt đối xử với người Hoa vì cho rằng, có nhiều người gốc Hoa giàu có và được ăn học đến nới đến chốn trong khi còn nhiều người Mã Lai phải sống cảnh lam lũ thất học ở nông thôn. Thế nhưng, tác giả nhận định : thực tế thì có một bộ phận dân cư gốc Hoa cũng sống nghèo khổ ở các vùng quê, trong khi đó đã có nhiều người Mã Lai trở nên khá giả nhờ vào chính sách ưu đãi của nhà cầm quyền. Hiện tại, nhiều người Mã Lai đã đến sống ở thành thị và họ bắt đầu phản đối chính sách phân biệt chủng tộc của BN, mặc dù số cử tri nông thôn vẫn còn giữ vai trò quyết định trong chiến thắng của BN.

Trong bối cảnh đó, tác giả nhận định, cuộc bầu cử vừa qua cho thấy hồ sơ sắc tộc Malaysia còn lắm phức tạp. Ngay trong hàng ngũ những người gốc Mã Lai sống ở thành thị cũng bắt đầu không ủng hộ BN. Chưa kể là sự chia rẽ giữa ba tộc người Mã Lai, Hoa và Ấn còn khá sâu sắc. Sau bầu cử, nhiều người thuộc phe thiểu số tại Malaysia lo ngại sự chia rẽ sắc tộc sẽ tiếp tục lớn mạnh. Có người còn liên tưởng đến nguy cơ xảy ra xung đột sắc tộc giống như hồi năm 1969 khi mà những vụ bạo lực sắc tộc diễn ra tại Kuala Lumpur với gần 200 người bị cho là quá giàu đã thiệt mạng, trong đó đại đa số là người gốc Hoa.

Thách thức chờ đón tân lãnh đạo WTO

Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã bầu ra người kế nhiệm ông Pascal Lamy ở vị trí tổng giám đốc, đó là ông Roberto Azevedo, người Brazil. Sự thay đổi lãnh đạo của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này thu hút đặc biệt báo chí Pháp hôm nay. Nhật báo Le Figaro đăng bài : «Một người Brazil điều hành một WTO đang có nguy cơ tê liệt », tờ Le Monde thì đăng trên trang nhất bài xã luận : «M. Azevedo phải đưa WTO ra khỏi tình trạng tê liệt ».

Trước tiên, hai tờ báo đều cho rằng, chiến thắng của ông Roberto Azevedo là một « cuộc cánh mạng kép », bởi nó dẫn đến hai sự thay đổi là làm tăng vị thế đồng thời của khu vực Châu Mỹ La Tinh và cũng làm tăng trọng lượng của các nước mới trỗi dậy, nhất là các nước trong nhóm đầu tàu tân hưng - BRICS bao gồm : Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Nhìn về phía trước hai tờ báo nhận định, vị tân tổng giám đốc WTO sẽ đối mặt với nhiều hồ sơ gai góc trong đó nổi bật lên là sự chia rẽ giữa các thành viên và nguy cơ vòng đám phán Doha tiếp tục bị tê liệt. Sự chia rẽ đã thể hiện qua số lượng ứng viên kỷ lục trong cuộc bầu chọn vừa qua : 9 ứng viên bao gồm Brazil, Costa Rica, Hàn Quốc, Ghana, Indonesia, Jordani, New Zealand, Kenya và Mêhicô.

Vào vòng trong cuối cùng có hai ứng viên là Braxin và Mêhicô. Trước nay, Mêhicô là một nước xuất khẩu lớn, luôn tăng cường ký hiệp ước thương mại với các nước, là đồng minh truyền thống của Mỹ. Trong khi đó, Brazil là nước có lập trường bảo vệ các nước đang phát triển và theo đuổi các chính sách bảo hộ mậu dịch. Hai quan điểm này hoàn toàn trái ngược nhau.

Khó khăn kế đến mà hai tờ báo cùng nêu ra đó là vòng đàm phán Doha đang bế tắc do mâu thuẫn quan điểm giữa các nước phát triển truyền thống ở phương Tây và các nước tân hưng. Số là, các nước giàu thì muốn chấm dứt những ưu đãi dành cho một số nước mà họ cho là đã không còn nghèo nữa, trong khi đó những nước tân hưng thì cho rằng sự phát triển của họ còn chưa đủ và muốn tiếp tục được hỗ trợ.

Bên cạnh đó, các nước còn bất đồng về phương thức đàm phán là đàm phán tổng thể 159 nước hay là đàm phán theo từng nhóm nhỏ ? Đàm phán theo phương thức đồng thuận toàn thể 159 thành viên như xưa nay hay đổi sang cách thức đa số thắng thiểu số ? Chưa hết, một hồ sơ đau đầu khác nữa đó là hiện tại trên thế giới đang rộ lên phong trào các nước ký hiệp ước tự do mậu dịch theo kiểu song phương, làm cho việc trọng lượng của WTO bị giảm sút.

Bài xã luận của Le Monde kết luận : Phải cải tổ làm sao để cho nguyên tắc « tất cả cùng có lợi » của WTO thật sự đóng góp vào quá trình phân chia thành quả công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ một cách hợp lý nhất giữa các nước trên thế giới.

Hội thảo quốc tế về tương lai EU

Hôm nay, ngày 09/05/2013, một hội thảo quốc tế bàn về tương lai của Liên Hiệp Châu Âu-EU được tổ chức tại Florence. Nhân sự kiện này, nhật báo Le Monde đăng bài nhận định: «Thực trạng của EU ».

Trong cơn khủng hoảng từ năm 2008 đến nay, cả Châu Âu chao đảo, và hiện cũng chưa thoát khỏi vòng khủng hoảng nợ công. Tờ báo nhận định, cuộc khủng hoảng vừa qua đã làm phương hại đến hình ảnh thịnh vượng của Châu Âu và làm nổi lên vai trò của khu vực đồng tiền chung Châu Âu - eurozone.

Tuy nhiên, sau bao thách thức và cảnh báo thì đồng euro vẫn còn đó, vẫn là một trong hai đồng tiền mạnh nhất thế giới, cùng với đô la Mỹ. Liên Hiệp Châu Âu với hơn 500 triệu người tiêu dùng vẫn là một thị trường hấp dẫn trên thế giới, vẫn là « một không gian có chung tiêu chuẩn thương mại, luật pháp và môi trường ».

Bên cạnh đó, tờ báo cũng nêu lên những thách thức to lớn cho tương lai của EU, trong đó là việc thoát suy thoái và chữa trị căn bệnh thất nghiệp vốn đang đến hồi trầm trọng. Trong khi đó, tâm lý nghi ngờ sức mạnh chung EU ở người dân Châu Âu đang có xu hướng tăng dần, ngay cả đối với người dân ở những nước khai sinh ra Liên Hiệp Châu Âu.

Nói cách khác, Liên hiệp châu Âu cần phải giải quyết được hồ sơ tăng trưởng và việc làm, bằng không khối này sẽ càng yếu thêm. Mà việc có giải quyết được hai hồ sơ trên hay không lệ thuộc vào chính sự cải tổ cấu trúc bên trong EU, chứ không phải dựa vào sự trợ giúp của bất kỳ một tổ chức nào khác.

Nga-Mỹ vẫn còn bất đồng về số phận ông Assad

Bàn về hồ sơ Syria, nhật báo Le Monde đăng bài : « Maxcơva và Washington đề nghị tổ chức một hội nghị quốc tế về Syria ». Tờ báo cho biết, số phận của ông Assad vẫn là vấn đề gây chia rẽ Nga và Mỹ. Tờ báo đề cập đến chuyến thăm Nga trong hai ngày 07 và 08/05/2013 vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Mục đích của chuyến thăm là để hâm nóng quan hệ song phương vốn đã nguội lạnh kể từ khi ông Putin trở lại điện Kremlin hồi tháng 5 năm ngoái.

Cũng trong chuyến thăm này, hồ sơ Syria đã được mang ra bàn thảo, và Ngoại trưởng hai nước đã chính thức với báo chí rằng : Hai bên đồng thuận về việc mở một hội nghị quốc tế về Syria vào cuối tháng này trong khuôn khổ tiếp tục kết quả của hội nghị về Syria tại Geneve hồi năm ngoái. Hai bên cũng đồng thuận là hội nghị này sẽ có sự tham dự của cả phe ông Assad và phe nổi dậy nhằm tìm một giải pháp ngoại giao.

Thế nhưng, trên hồ sơ liên quan đến số phận ông Assad, thì Nga và Mỹ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Hội nghị Geneve hồi năm ngoái không đặt ra vấn đề ông Assad phải ra đi, mà quy định rõ rằng quá trình chuyển tiếp chính trị tại Syria phải được thực hiện thông qua thỏa thuận giữa các bên có liên quan. Đến hiện tại, Nga vẫn kiên trì lập trường của mình, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tuyên bố không thể lấy việc ông Assad ra đi làm điều kiện tiên quyết cho hội nghị.

Nước Anh siết chặt nhập cư

Hôm qua, tại nước Anh, Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị đã đọc diễn văn thường niên khai mạc khóa họp Quốc hội nước này. Đây được xem là một trong những sự kiện quan trọng thường niên trong đời sống chính trị nước Anh. Nhật báo Le Figaro chú ý đến nội dung siết chặt nhập cư của bài diễn văn này.

Diễn văn này không phải do Nữ hoàng soạn, mà là của chính phủ soạn, tức theo đường lối của đương kim thủ tướng David Cameron. Nội dung bài diễn văn nhấn mạnh đến hồ sơ nhập cư tại Anh, theo đó sắp tới Anh sẽ siết chặt hơn nữa luật nhập cư, tăng cường biện pháp trục xuất những người nước ngoài vi phạm pháp luật. Trong bài diễn văn do vị nữ hoàng đọc có đoạn : «Chúng ta đảm bảo rằng đất nước này thu hút được những người tìm đến đây để cống hiến cho nó phát triển, và sẽ không chấp nhận những người tìm đến đây không vì điều đó ».

Tờ báo cho biết, từ hai năm nay, nhập cư tại Anh đã giảm 1/3, thế nhưng thủ tướng David Cameron muốn tiếp tục nhằm đạt được mục tiêu dưới 100 000 người nhập cư/năm vào năm 2015. Chủ trương tiếp tục siết chặt nhập cư nêu trong diễn văn nói trên cho thấy rằng chính phủ Cameron muốn chặn bớt sự lớn mạnh của phe cực hữu tại Anh bởi vì trong cuộc bầu cử địa phương tuần rồi, phe cực hữu đã giành được nhiều phiếu ủng hộ.

Làn sóng di cư thế giới đang bị « nữ hóa »

Trên hồ sơ xã hội, nhật báo Le Monde đăng bài đáng chú ý với hàng tựa : «Làn sóng di cư thế giới có diện mạo của một người đàn bà», cho biết phụ nữ chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong lượng người di cư trên thế giới.

Theo số liệu thống kê được công bố hồi năm 2010 của Liên Hiệp Quốc, phụ nữ chiếm đến 49% trên tổng số 214 triệu người di cư trên thế giới. Ở những nước phát triển, phụ nữ chiếm đến 51,5% dân số nhập cư, trong khi con số này ở các nước đang phát triển chỉ có 45,6%.

Cuối tháng rồi đã diễn ra phiên họp lần thứ 46 của Ủy ban dân số và phát triển của Liên Hiệp Quốc tại New York. Ở đó, vấn đề tỷ lệ phụ nữ gia tăng trong làn sóng di cư thế giới lại được nêu bật. Một điều đáng chú ý nữa là, phụ nữ di cư ngày càng trẻ, hiện có độ tuổi từ 15 đến 24.

Bàn về nguyên nhân phụ nữ di cư, tờ báo cho biết, trước đây chị em di cư chủ yếu là để đoàn tụ với chồng hay đoàn tụ với cha mẹ, còn hiện tại họ di cư đa số là để tìm cơ hội kiếm tiền phụ giúp cha mẹ hay là gửi tiền về nước để cha mẹ nuôi dùm con cái của họ. Theo Ngân hàng Thế giới, số tiền phụ nữ di cư gửi về nước hiện là ngang bằng với cánh đàn ông.

Tờ báo cũng chú ý đến trường hợp di cư do chạy loạn để đến sống tỵ nạn ở một nước nào đó. 50% những người di cư loại này là phụ nữ. Trong trường hợp di cư này, phụ nữ thường dễ bị tổn thương nhất, bởi khi đặt chân trên đất khách, do không biết tiếng của nước sở tại, lại tứ cố vô thân, nên dễ dàng bị lạm dụng lao động và tình dục. Chưa kể là bị rơi vào các tổ chức buôn người xuyên quốc gia. Ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 800 000 người là nạn nhân của các vụ buôn người, trong đó phụ nữ chiếm đến 80%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.