Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Hết hù dọa, Bình Nhưỡng lại muốn đàm phán ?

Một cố vấn của thủ tướng Nhật bất ngờ công du Bắc Triều Tiên vào lúc có nhiều nhận định về khả năng Bình Nhưỡng muốn mở lại đối thoại sau nhiều tháng ngỏ lời đe dọa hung hăng. Hôm nay, 15/05/2013, trong cuộc họp báo tại Tokyo, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối bình luận về việc ông Isao Iijima, cố vấn của thủ tướng Nhật đã tới Bình Nhưỡng từ hôm qua.

Cố vấn của thủ tướng Nhật, ông Isao Iijima (trái) và ông Kim Chol-ho, vụ phó vụ châu Á tại sân bay Bình Nhưỡng (REUTERS /Kyodo)
Cố vấn của thủ tướng Nhật, ông Isao Iijima (trái) và ông Kim Chol-ho, vụ phó vụ châu Á tại sân bay Bình Nhưỡng (REUTERS /Kyodo)
Quảng cáo

Đại diện chính phủ Nhật Bản cho biết : Thông qua đối thoại và gây sức ép, Tokyo làm việc, hướng tới một giải pháp chung cho nhiều vấn đề trong quan hệ với Bắc Triều Tiên, như hồ sơ người Nhật bị bắt cóc, chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo.

Vô tuyến truyền hình Nhật Bản chiếu cảnh ông Iijima bắt tay ông Kim Chol Ho, vụ phó vụ châu Á, bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên, ở sân bay Bình Nhưỡng. Theo đài truyền hình NHK, đặc phái viên của thủ tướng Nhật sẽ làm việc tại Bắc Triều Tiên cho đến cuối tuần này. Hãng thông tấn chính thức Bắc Triều Tiên KCNA cũng đưa tin về chuyến viếng thăm.

Phải chăng là sau các tuyên bố nẩy lửa, thậm chí đe dọa tấn công hạt nhân vào Hoa Kỳ và Hàn Quốc, chính quyền Bắc Triều Tiên hiểu được là chiến thuật này vô ích và đã đến lúc phải tìm cách nối lại đàm phán ?

Theo báo chí Nhật Bản, chính quyền Bình Nhưỡng có thể đang tìm cách đàm phán với Tokyo trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc tăng cường liên minh, sau các vụ Bắc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa và thử nghiệm hạt nhân. Còn Trung Quốc, dưới sức ép liên tục của Mỹ, đã có những động thái cứng rắn hơn đối với Bắc Triều Tiên, một đồng minh khó bảo và gây nhiều thất vọng.

Cố vấn Nhật Bản Iijima là một chuyên gia về Triều Tiên. Ông đã từng làm việc cho thủ tướng Junichiro Koizumi, tham gia tổ chức hai chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng của thủ tướng Koizumi, trong các năm 2002 và 2004. Đặc biệt là ông Koizumi đã thương lượng thành công, đưa về nước 5 người Nhật bị mật vụ Bắc Triều Tiên bắt cóc trước đó nhiều thập niên.

Cho đến nay, Tokyo và Bình Nhưỡng không có quan hệ ngoại giao và bang giao song phương vẫn căng thẳng. Một phần vì Nhật Bản tố cáo Bắc Triều Tiên vẫn còn giam giữ những người bị bắt cóc, trong khi đó, Bình Nhưỡng nói rằng trong số 13 người Nhật Bản bị bắt cóc, thì 8 người đã qua đời.

Theo các chuyên gia Nhật Bản, qua việc đón tiếp cố vấn của thủ tướng Shinzo Abe, có thể Bắc Triều Tiên muốn tìm kiếm những kênh đối thoại mới. Ông Hideshi Takesada, nguyên là giáo sư ở đại học Yonsei Hàn Quốc, chuyên gia về Bắc Triều Tiên nhận định : Chuyến viếng thăm này « có thể là dấu hiệu báo trước khả năng nối lại đối thoại, vì từ đầu tháng Năm đến nay, dường như Bắc Triều Tiên không đưa ra những khiêu khích nữa ».

Còn theo ông Toshio Miyatsuka, thuộc đại học Yamanashi Gakuin Nhật Bản, chuyến đi của cố vấn thủ tướng là nhằm tiếp cận, để thúc đẩy trở lại các đàm phán vào lúc Bình Nhưỡng đang tìm kiếm các khả năng đối thoại khác, sau khi Trung Quốc ngày càng tỏ thái độ nghiêm khắc với Bắc Triều Tiên.

Ông nhận định : « Bắc Triều Tiên thực sự cần trợ giúp về kinh tế. Nhưng chỉ một chuyến đi này sẽ không thể dẫn đến những thay đổi lớn. Đối với Tokyo, hồ sơ người Nhật bị bắt cóc là ưu tiên hàng đầu và đây không phải là vấn đề dễ giải quyết ».

Điều đáng chú ý là dường như Hoa Kỳ không được thông báo trước về việc ông Iijima đi Bắc Triều Tiên. Đặc phái viên bộ Ngoại giao Mỹ, phụ trách hồ sơ Bắc Triều Tiên, Glyn Davies, nói với các nhà báo, ở Seoul, là ông sẽ thảo luận về việc này với các đồng nhiệm Nhật Bản vào ngày mai, khi ông tới Tokyo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.