Vào nội dung chính
CAM BỐT

Chủ nghĩa gia đình trị tại Cam Bốt

Cam Bốt là một nước theo chế độ quân chủ lập hiến, tức sự có tồn tại của hoàng gia với quyền lực theo kiểu cha truyền con nối. Tuy nhiên, không chỉ  ở hoàng gia, mà trong bộ máy hành chính cũng đã và đang thiết lập một sự kế thừa theo kiểu cha truyền con nối. Đó là nhận định của chủ bút tờ Cambodia Daily tại Phnom Penh đăng trên trang blog của tạp chí New York Times ở Hoa Kỳ, được Courrier International trích dẫn với dòng tựa đáng chú ý: “Cầm quyền từ đời cha đến đời con".

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen REUTERS
Quảng cáo

Biểu hiện gia đình trị rõ nhất mà tác giả nhấn mạnh, đó là trong danh sách ứng viên chính thức  cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa V vào cuối tháng 7 tới đây, có 6 người là con của các quan chức nằm trong ban thường vụ của Đảng Nhân dân Cam Bốt (CPP). Những quý tử này được ưu thế là sự ủng hộ của thân phụ mình. Ngay cả đương kim Thủ tướng Hun Sun trong diễn văn chính thức cũng không ít lần biểu lộ sự ủng hộ đối với thế hệ con ông cháu cha này.

Tác giả không quên nêu ra thân thế của 6 ứng viên nói trên. Đầu tiên là ứng viên mang tên Hun Many, mới 30 tuổi, là con trai út của đương kim Thủ tướng Hun Sen. Người này hiện đang là phó chánh văn phòng nội các Cam Bốt, lãnh đạo bộ phận phụ trách công tác thanh niên của Đảng CPP. Một ứng viên khác là Sar Sokha, quý tử của đương kim Bộ trưởng Nội vụ Cam Bốt và cũng là quan chức cao cấp tại bộ này. Hay như ứng viên Cheam Chansophoan, con trai của một ủy viên thường vụ Đảng CPP; Say Sam Al, con trai của đương kim Chủ tịch Thượng viện Cam Bốt; Dith Tina quý tử của đương kim chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Cam Bốt, Dy Vichea là con rể của Thủ tướng Hun Sen.

Tác giả đi sâu vào con cháu nhà Hun Sen. Ứng viên Dy Chea nói trên là con của ông Hok Lundy- lãnh đạo cảnh sát Campuchia từ năm 1994 đến năm 2008, được FBI của Mỹ trao tặng danh hiệu Cảnh sát xuất sắc và có nhiều đóng góp trong việc chống khủng bố. Nhân vật này đã mất trong một tai nạn máy bay đáng ngờ hồi năm 2008 sau khi cất cánh khỏi Phnom Penh có 80 km. Một người con trai của ông Hun Sen tên là Manith cũng đã kết hơn với một ái nữ của ông Hok Lundy. Đứa con gái Mana của ông Hun Sen thì được biết đến như một người đầu tư trong tất cả các lĩnh vực béo bở tại Cam Bốt. Còn ba con trai của ông Hun Sen, thì ngoài ứng viên nói trên, hai người còn lại đều giữ trọng trách trong bộ máy an ninh và mật vụ của chính phủ.

Bàn về các mối liên hệ gia đình, tác giả cho hay từ hơn 10 năm nay, tại Cam Bốt nhiều cán bộ lãnh đạo cùng phe đã trở thành thông gia với nhau, một cách thức để củng cố mối liên minh trong lòng các phe phái. Tác giả cũng nhấn mạnh, Đảng CPP đang xây dựng một “triều đại chính trị gia trẻ tuổi” gắn kết với nhau bằng quan hệ thông gia và thương mại hết sức mật thiết. Con em của họ thì được cho vào học các trường danh giá trong và ngoài nước để chuẩn bị cho bước kế tục quyền lực của gia đình.

Nhìn về cuộc bầu cử sắp tới, tác giả cho biết, Thủ tướng Hun Sen gần đây đã không ngại cảnh báo cử tri rằng, nếu Đảng CPP mất quyền lãnh đạo, thì đất nước sẽ lâm cảnh điêu đứng khi mà các dự án hạ tầng sẽ bị đình chỉ, các trường học và chùa chiền mang tên Hun Sen sẽ bị hủy, một cuộc nội chiến có thể sẽ nổ ra. Từ đó, tác giả nhận định: Kết quả cuộc bầu cử tháng 7 tới như vậy đã quá rõ ràng trong hiện tại.

Ấn Độ: Bollywood có trách nhiệm trong nạn hiếp dâm

“Bollywood có trách nhiệm hay không trong các vụ hiếp dâm ở Ấn Độ?”, đó là tựa đề bài viết được Courrier International trích dẫn của tờ The Times tại Luân Đôn, bàn về trách nhiệm xã hội của nền điện ảnh Ấn Độ.

Tháng 5 này, tại Liên hoan phim Cannes (Festival de Cannes) trên đất Pháp, ngành điện ảnh Ấn Độ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100. Trong không khí vui vẻ đó, tờ báo cho biết, đã có không ít tiếng nói vang lên từ các diễn viên, các đạo diễn đến các nhà xã hội học, đặt vấn đề về vai trò của phim ảnh tại Ấn Độ đối với nạn bạo hành và hiếp dâm phụ nữ ở đất nước có dân số đông thứ nhì thế giới này.

Tạp chí The Times nhắc lại, ngành điện ảnh Ấn Độ rất phát đạt. Trong năm 2013, tại Ấn Độ đã có đến 3,3 tỉ lượt người mua vé xem phim, trong khi đó ở Mỹ chỉ có 1,3 tỉ và ở Pháp là 200 triệu. Mỗi năm, kinh đô điện ảnh Bollywood sản xuất đến 1.000 phim xuất sang các nước Châu Á, Trung Đông, Nga, Nam Phi… Tuy nhiên nếu nhìn lại những kịch bản các phim Bollywood, thì nhiều người cho rằng nó có phần trách nhiệm trong thảm cảnh của phụ nữ Ấn Độ hiện tại. Đó là những cảnh cổ vũ cho tinh thần trọng nam khinh nữ, những cảnh cho thấy người phụ nữ giống như là “những đồ chơi tình dục”, sinh ra chỉ để bị gả đi mà làm vợ làm mẹ, có quá nhiều cảnh hiếp dâm hay bạo hành với phụ nữ…

Bên cạnh đó, có người còn nêu ra các nguyên nhân khác như tốc độ đô thị hóa quá nhanh, tỉ lệ sinh nam nữ trong xã hội không đều… Tuy nhiên, tờ báo dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, Bollywood không thể phủ nhận có phần trách nhiệm và cần phải tiến hành đổi mới.

Hoa Kỳ: Nhà Trắng khổ sở với các xì-căng-đan

Dù rằng nền kinh tế Mỹ có chút khởi sắc, tình trạng thất nghiệp có giảm bớt, nhưng chính phủ Obama đang phải điêu đứng với nhiều vụ tai tiếng. Đây là nhận định chung của tạp chí Le Nouvel Observateur và của tờ Financial Times tại Luân Đôn được Courrier International trích dẫn.

Cả hai tờ báo Anh và Pháp đồng nhắc lại một số vụ tai tiếng mà chính phủ Obama đang đối mặt, trong đó nổi lên là vụ Cục Thuế Liên bang Mỹ (IRS) bị cáo buộc đã lạm dụng quyền lực gây khó dễ cho hoạt động của một số tổ chức thuộc phong trào cánh hữu Tea Party trong giai đoạn khởi động tranh cử tổng thống hồi năm 2010.

Bên cạnh đó còn có vụ lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi của Libya bị đánh bom khiến 4 quan chức ngoại giao Mỹ thiệt mạng, trong đó có đại sứ Mỹ tại nước này. Vụ việc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Ngoại trưởng Mỹ khi ấy là bà Hillary Clinton và khiến nhà nữ ngoại giao Susan Rice-đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc phải từ bỏ giấc mộng trở thành người kế nhiệm Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Chưa hết, lại còn vụ Bộ Tư Pháp Mỹ bị cáo buộc đã nghe lén điện thoại suốt hai tháng trời của hãng tin AP về một hồ sơ khủng bố. Lại còn vụ vừa qua phía Nga cáo buộc một quan chức ngoại giao của Mỹ làm gián điệp cho Mỹ trên đất Nga.

Cả hai tờ báo Anh và Pháp đều cho rằng tình hình có vẻ nghiêm trọng và gọi vụ IRS nói trên là IRSgate, tức tương đương với vụ Watergate hồi những năm 1970 đã khiến Tổng thống Nixon khi ấy phải từ chức. Hai tờ báo còn cho biết, Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện Mỹ đã không bỏ qua cơ hội ngàn vàng, và đã không ngừng lên tiếng làm dậy sóng các xì-căng-đan nêu trên để làm suy yếu uy tín của chính phủ Obama.

Pháp: Cánh hữu dâng cao

Liên quan đến nước Pháp, tuần san L’Express đăng bài chạy tựa: “Thế hệ phản đối”, nhận định về làn sóng thiên hữu của một bộ phận người Pháp đang nổi lên, trong đó có nhiều người thuộc thế hệ trẻ.

Tờ báo đề cập đến vụ xuống đường được lên kế hoạch vào hôm nay, Chủ nhật ngày 26/5/2013, để tiếp tục “phản đối”. Làn sóng này bắt đầu dâng lên dữ dội từ khi chính phủ Pháp đệ trình luật hôn nhân đồng tính cho lưỡng viện Quốc hội hồi năm ngoái. Bộ phận người Pháp gọi là thiên hữu này có lập trường bảo vệ những giá trị gia đình truyền thống và phản đối hôn nhân đồng tính, phản đối quyền được nhận con nuôi của các cặp đồng tính đã kết hôn. Hình thức biểu tình thì có khi dẫn đến bạo lực, tấn công trên đường phố theo kiểu kỳ thị đối với người đồng tính.

Giờ đây, dự luật hôn nhân đồng tính đã được lưỡng viện Quốc hội thông qua, tức sẽ trở thành luật chính thức của Pháp. Thế thì những người này còn muốn tập hợp xuống đường để làm gì? L’Express cho biết, họ sẽ tiếp tục phản đối luật này dù đã được lưỡng viện thông qua vì cho rằng đó là luật “không hợp pháp”. Nói cách khác, họ nghi ngờ cả dân biểu mà mình đã bầu ra. Chưa hết, trong làn sóng phản đối hôn nhân đồng tính, thì “thế hệ phản đối” này sẽ mở rộng phạm vi phản đối sang những chủ đề khác mà họ cho là chính phủ chưa làm tốt.

Tiếng Pháp vẫn là một ngôn ngữ quốc tế

Trong tương lai tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ quốc tế duy nhất? Câu trả lời là: Không, được đăng trên ấn bản đặc biệt năm 2013 của nhật báo Le Monde.

Trong thế giới toàn cầu hóa, người ta hay bàn về một hành tinh đa văn hóa và đa ngôn ngữ. Như vậy, bên cạnh tiếng Anh, tiếng Pháp và một số thứ tiếng khác vẫn đóng vai trò quan trọng. Trước tiên tầm quốc tế đó được thể hiện rằng, không chỉ có tiếng Anh, mà còn có những thứ tiếng khác được quy định là ngôn ngữ chính thức của Liên Hiệp Quốc: Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Hoa và Ả Rập.

Bên cạnh đó, trong thế giới kinh doanh, các tiếng Bồ Đào Nha, Nhật Bản hay Đức cũng có thế mạnh. Các nước sở hữu một loại ngôn ngữ quốc tế như vậy luôn có ý thức tăng cường quảng bá nó. Pháp và các nước nói tiếng Pháp thì có Tổ chức Cộng đồng Pháp Ngữ (Francophonie), tiếng Bồ Đào Nha cũng có cộng đồng các nước nói tiếng Bồ Đào Nha. Tây Ban Nha thì đang ra sức mở rộng khu vực ảnh hưởng của tiếng Tây Ban Nha ở Châu Âu, Braxin và khu vực Địa Trung Hải. Đức thì từ năm 1925 đã bắt đầu chính sách quảng bá ngôn ngữ thông qua các Viện Goethe đặt ở nhiều nước. Đối với tiếng Hoa thì từ năm 2004, Trung Quốc cũng đã bắt đầu xây dựng hàng trăm Viện Khổng Tử trên thế giới.

Dân thành thị vào năm 2050?

Trong hồ sơ đô thị hóa, đặc san 2013 của báo Le Monde đăng bài dự phóng quá trình đô thị hóa thế giới đến năm 2050 với bài viết: “Cư dân thế giới đổ xô về thành thị”.

Như tựa đề bài viết, cư dân thế giới sẽ tiếp tục đổ xô về thành thị, và vào năm 2050 ước tính có đến 70% dân số thế giới sống ở thành thị. Nếu dựa trên tỉ lệ đô thị hóa, tức tỉ lệ người sống ở thành thị trên tổng số dân số của một nước, thì ở các nước phát triển tỉ lệ này là 78%, còn ở các nước đang phát triển là 46%.Nói cách khác, ở các nước đang phát triển, đa phần người dân vẫn sống ở nông thôn. Tuy nhiên, nếu xét về nhịp độ đô thị hóa, tức sự gia tăng của người dân đổ xô về thành thị, thì ở các nước đang phát triển nhịp độ này trong giai đoạn 1975-2011 là 3,3%, trong khi ở các nước phát triển chỉ có 0,9%.

Nhìn về Châu Á, tỉ lệ người sống ở thành thị của khu vực này hiện là 45%, trong khi ở Châu Âu là 73% và Bắc Mỹ là 82%. Tuy nhiên, nếu tính trên tổng thể dân số thế giới, thì hiện tại có đến hơn 50% cư dân thành thị trên thế giới sống ở Châu Á, trong khi dân cư thành thị của khu vực Bắc Mỹ chỉ chiếm có 8%.

Bên cạnh những thế mạnh về sự nhanh chóng của quá trình đô thị hóa, Le Monde cũng cảnh báo những hậu quả nặng nề kéo theo nếu không kiểm soát tốt quá trình này như nạn thất nghiệp gia tăng, tội phạm lan tràn, đời sống người dân thành thị “nửa mùa” gặp nhiều khó khăn trong kinh tế và trong hội nhập, ô nhiễm môi trường...

Con người có nhiều hy vọng trường thọ?

Nhìn về tương lai tuổi thọ con người, đặc san 2013 của báo Le Monde chạy dòng tựa đáng chú ý: “Khoa học đột phá những bí mật trường sinh”.

Tờ báo cho biết, các nghiên cứu về những gien được xem là nguyên nhân gây lão hóa đã tiến triển tốt đẹp trong thời gian qua. Từ năm 2004, giới khoa học cũng “tấn công” vào bí quyết sống lâu của các loại động vật thuộc hàng trường thọ. Người ta cũng đã tìm đến nghiên cứu ở một địa phương thuộc đảo Okinawa ở Nhật Bản, nơi có số người thọ trên 100 cao gấp ba lần cả nước Nhật Bản. Và cũng như tựa đề bài viết, các nhà khoa học không có tham vọng tìm ra bí quyết của sự “bất tử”, mà chỉ là “trường sinh”, tức sống lâu hơn một chút mà thôi.

Tờ báo nhắc lại, con người đã có thể sống trên 120 tuổi, và sắp tới sẽ có thể tăng thêm, mà điều chắn chắn là sẽ có thêm nhiều người đạt tuổi 100. Người thọ nhất thế giới đến hiện tại là người Pháp thọ 122 tuổi, mất vào năm 1997. Nước Pháp ngày càng có nhiều người đạt tuổi 100: 1.545 người vào năm 1980, 1.593 người năm 2005, (dự báo) 50.000 người năm 2025, và 165.000 người năm 2050.

Iran: Có chồng từ năm 9 tuổi

Trong hồ sơ xã hội, Courrier International trích dẫn trang mạng Elaph tại Luân Đôn với dòng tựa: “Các bé gái 9 tuổi bị cưỡng hôn”, cho biết thực trạng nạn tảo hôn tại quốc gia Hồi giáo Iran.

Bài viết nêu ra những con số thống kê đáng chú ý: tại Iran, trên 1 triệu trẻ  bị tảo hôn, có đến 850.000 bé gái tuổi dưới 13, có khi dưới 10 và dưới 9. Một trong những nguyên nhân của nạn tảo hôn này là các gia đình nghèo chấp nhận gả con chưa đầy 10 tuổi cho những người đàn ông đứng tuổi để gán nợ hoặc để kiếm được chút ít tiền trong hy vọng thoát nghèo.

Luật pháp Iran cho phép kết hôn ở phụ nữ từ 13 tuổi và ở thanh niên là từ 15 tuổi, thế nhưng trên thực tế thì nhiều gia đình nghèo đã gả con trước tuổi. Trước thực trạng tảo hôn nêu trên, người phát ngôn của chính phủ Iran còn mạnh dạng tuyên bố rằng, sự việc không nghiêm trọng như người ta tưởng, và rằng: các cuộc hôn nhân này là hợp pháp, vả lại nếu cấm chúng là đi ngược lại quy định của tôn giáo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.