Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Đối lập Miến Điện chỉ trích chính sách hạn chế người Rohingya sinh đẻ

Ngày 27/05/2013, trả lời báo giới, lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi phê phán mạnh mẽ quy định của chính quyền ép buộc mỗi gia đình người Hồi giáo Rohingya không được có nhiều hơn hai con. Chính sách hạn chế sinh đẻ kể trên mặc dù đã có trên giấy tờ từ năm 1994, nhưng dường như chỉ mới bắt đầu được thực thi từ ít tuần nay. Việc bà Aung San Suu Kyi trực diện lên tiếng chỉ trích chính quyền cho thấy, bà muốn gây áp lực buộc chính quyền gia tăng nỗ lực cải cách.

Người Hồi giáo Rohingya đi lang thang sau các vụ bạo động tại Sittwe, Miến Điện,16/06/2012
Người Hồi giáo Rohingya đi lang thang sau các vụ bạo động tại Sittwe, Miến Điện,16/06/2012 REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Thông tín viên Rémi Favre tường trình từ Rangoon:

« Đây là sự phân biệt đối xử, đi ngược lại luật pháp, xâm phạm nhân quyền ». Đã nhiều tháng nay, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi không cho phép mình đưa ra một lời chỉ trích nào trực diện đến như vậy nhằm vào chính quyền cải cách Miến Điện.

Luật hiện hành tại Miến Điện muốn áp dụng quy định một vợ, một chồng đối với nhóm cư dân thuộc sắc tộc Rohingya và hạn chế tỷ lệ tăng trưởng dân số của cộng đồng Hồi giáo thiểu số tại một khu vực vùng biên giới, nơi mà quan hệ giữa các cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo rất căng thẳng. Tại khu vực này, cộng đồng Phật giáo cho rằng tỷ lệ tăng trưởng dân số cao của người Hồi giáo là mối đe dọa đối với họ. Một số người đã thở phào nhẹ nhõm đón nhận quy định mới, khi nó chỉ áp dụng cho người theo đạo Hồi tại khu vực vùng biên giới.

Cho đến nay, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi chọn thái độ mềm dẻo đối với chính phủ và quân đội để lấy được niềm tin của họ và khiến cho các cựu tướng lãnh cầm quyền chấp nhận thực hiện nhiều cải cách theo hướng dân chủ hơn. Tuy nhiên, nhịp độ cải cách đã chậm lại. Aung San Suu Kyi thay đổi chiến thuật.

Bà phê phán một cách nghiêm khắc chính quyền ba năm trở lại đây ‘‘đã không mang lại những thay đổi cụ thể’’. Đây là một cách để Aung San Suu Kyi gây áp lực đối với chính quyền, nhằm buộc họ phải nỗ lực gia tăng cải tổ chính trị. »

Cho đến nay, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi bị chỉ trích nặng nề vì không hề phát biểu gì để bảo vệ quyền của người Rohingya, vốn bị kỳ thị nặng nề, theo các cáo buộc của các tổ chức nhân quyền, thậm chí sau khi nổ ra các đụng độ giữa các cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo tại bang Rakhin hồi mùa hè năm ngoái, khiến ít nhất 192 thiệt mạng và 140.000 người phải lánh nạn.

Cộng đồng Rohingya theo đạo Hồi, sống tại miền tây Miến Điện từ khoảng cuối thế kỷ 19, có khoảng 800.000 người. Cho đến nay, theo quan niệm của đa số người Miến Điện và của chính quyền, người Rohingya là dân cư trú bất hợp pháp đến từ miền đông Ấn Độ.

Cũng trong tháng Năm này, ông Nyan Win, một trong những phát ngôn viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đảng của bà Aung San Suu Kyi, tuyên bố với Reuters là chính quyền Miến Điện phải sửa đổi luật năm 1982 cấm người Rohingya nhập quốc tịch Miến Điện. Ông khẳng định : « Nếu họ có quyền trở thành công dân, thì phần cơ bản của mọi vấn đề sẽ được giải quyết ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.