Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Bạo động ở Miến Điện : Quân đội tuần tra, người Hồi giáo chạy trốn

Hai ngày sau vụ bạo động giữa người Phật giáo và Hồi giáo ở thành phố Lashio, hôm nay 30/05/2013 nhiều quân nhân đã được cử đến tuần tra trên các đường phố. Khoảng 300 người Hồi giáo đã bỏ trốn khỏi nhà, đi lánh nạn tại các đền thờ.

Người đạo Hồi chạy trốn, đi lánh nạn tại các đền thờ Hồi giáo 30/05/2013 (REUTERS)
Người đạo Hồi chạy trốn, đi lánh nạn tại các đền thờ Hồi giáo 30/05/2013 (REUTERS)
Quảng cáo

Nang Hsai Li Kham, một viên chức Bộ Thông tin cho biết từ nay quân đội được giao trách nhiệm giữ an ninh tại Lashio – thủ phủ bang Shan, và tình hình đã trở lại « yên tĩnh » sau hai ngày bạo động giữa cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo đã làm ít nhất một người chết và năm người bị thương. Phóng viên AFP ghi nhận, hôm nay các cửa hàng đã mở cửa lại.

Khoảng 300 người Hồi giáo đã phải bỏ nhà đi lánh nạn tại một đền thờ Hồi giáo trong thành phố, dưới sự bảo vệ của cảnh sát và quân đội. Win Ko, một người bán rau quả 32 tuổi cho biết sáu người trong gia đình anh được hộ tống đến đó sau khi nhà cửa bị phá hủy. Anh kể : « Họ tấn công tấn cả những người đàn ông Hồi giáo bằng dao và gậy, một số kẻ hành hung mặc trang phục nhà sư. Một số láng giềng theo đạo Phật đã chỉ nhà những người đạo Hồi cho phe bạo loạn ».

Lực lượng an ninh đã bị lên án là phản ứng quá chậm chạp trong những vụ xung đột tôn giáo trước đây, đã xảy ra nhiều lần kể từ một năm qua.

Theo tờ báo chính thức bằng tiếng Anh New Light of Myanmar, thì có ba cơ sở tôn giáo trong đó có ít nhất một đền thờ Hồi giáo, hàng chục cửa hàng và nhiều căn nhà đã bị đốt cháy tại Lashio. Nguyên nhân gây ra bạo động là một phụ nữ theo đạo Phật bị tấn công, nhưng đây là một vụ hình sự không liên quan gì đến tín ngưỡng. Cảnh sát Miến Điện cho biết có 9 người đã bị bắt.

Năm 2012 đã có các vụ đụng độ giữa người Rakhine theo đạo Phật và người thiểu số Rohinya theo đạo Hồi, làm cho khoảng 200 người chết và 140.000 người phải sơ tán. Các đền thờ Hồi giáo tại nhiều thành phố phía bắc Răngun đã bị phá hủy vào mùa xuân 2013, và các nhà sư liên tục đưa ra những lời tuyên bố cực đoan.

Những sự kiện trên đây đã làm nổi bật tình trạng kỳ thị người Hồi giáo vốn tiềm tàng trong một đất nước mà hầu hết dân chúng theo đạo Phật, còn chính quyền thì bị các tổ chức ngoại quốc lên án là đã phản ứng quá chậm, thậm chí làm ngơ trước các vụ bạo động tôn giáo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.