Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

LHQ quan ngại về vụ cưỡng bức dân Bắc Triều Tiên hồi hương

Theo AFP, hôm qua 31/5/2013, Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc tỏ ý « rất lấy làm quan ngại » về số phận của những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên bị Lào và Trung Quốc cưỡng bức hồi hương cũng như về việc trả người tỵ nạn gặp nguy hiểm của hai nước này.

Ruppert Colville, phát ngôn viên Phủ Cao ủy nhân quyền LHQ (Reuters)
Ruppert Colville, phát ngôn viên Phủ Cao ủy nhân quyền LHQ (Reuters)
Quảng cáo

Phát ngôn viên của Cao ủy, ông Ruppert Colville cho báo chí biết ít nhất trong nhóm người đào thóat nói trên có 5 trẻ vị thành niên và đặc biệt khi bị trả về nước những người này có nguy cơ bị chính quyền trừng phạt thậm tệ.

Ông cho biết cảm thấy bức xúc trước việc Lào và Trung Quốc đã không tôn trọng trách nhiệm của mình, đặc biệt khi biết được nhóm người tỵ nạn mà đa số là trẻ nhỏ có thể gặp nguy hiểm khi bị trả về quê hương.

Như tin đã loan, cách đây khoảng 3 tuần, một nhóm 9 người tỵ nạn Bắc Triều Tiên đi qua Trung Quốc và tới Lào thì bị bắt. Chính quyền Lào, hôm thứ Hai vừa qua đã trả họ về Trung Quốc và ngay hôm sau lại bị Bắc Kinh đưa lại về Bắc Triều Tiên.

Cao ủy Nhân quyền LHQ đề nghị chính quyền Trung Quốc và Lào phải công khai giải thích những người đào thoát Bắc Triều Tiên đã bị trả về nước trong hoàn cảnh nào. Đồng thời, cơ quan Liên hiệp quốc cũng yêu cầu Bắc Triều Tiên cho phép họ tiếp cận với nhóm người bỏ trốn nói trên.

Trong vụ việc này, dư luận Hàn Quốc cũng chỉ trích gay gắt cơ quan đại diện của Hàn Quốc tại Lào đã không can thiệp gì để cứu giúp những người bà con Triều Tiên.

Hành trình của người tỵ nạn Bắc Triều Tiên vẫn thường là vượt biên giới qua ngả Trung Quốc rồi từ đó tìm đến một nước thứ ba an toàn hơn trước khi tìm đường đến Hàn Quốc định cư.

Từ sau khi Kim Jong Un lên nắm quyền hồi tháng 12 năm 2011, Bình Nhưỡng đã tăng cường kiểm soát biên giới, ngăn chặn người dân bỏ chạy khỏi đất nước vì không chịu nổi cuộc sống hà khắc và ngày càng đói kém.

Tuy có giảm 40% so với trước, nhưng trong năm 2012, vẫn có 1508 người Bắc Triều Tiên chạy tỵ nạn tới Hàn Quốc.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.