Vào nội dung chính
TRIỀU TIÊN

Seoul và Bình Nhưỡng đồng ý đối thoại

Trong một đề nghị bất ngờ, Bắc Triều Tiên vào hôm nay, 06/06/2013 đã đề nghị Hàn Quốc mở thảo luận về một loạt các vấn đề thương mại và nhân đạo, từ việc mở lại một khu công nghiệp chung cho đến khởi động lại chương trình đoàn tụ gia đình bị ly tán. Vài tiếng đồng hồ sau, Seoul đã đáp ứng trên nguyên tắc lời mời của Bình Nhưỡng.

Du khách Hàn Quốc nhìn sang Bắc Triều Tiên tại một đồn biên giới 06/06/2013 (REUTERS /Lee Jong-gun)
Du khách Hàn Quốc nhìn sang Bắc Triều Tiên tại một đồn biên giới 06/06/2013 (REUTERS /Lee Jong-gun)
Quảng cáo

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, đề nghị mở đàm phán của Bắc Triều Tiên là một sự kiện « tích cực »,  và Seoul đã lập tức đề nghị một cuộc họp cấp bộ trưởng tại Seoul vào ngày thứ Tư 12/06/2013. Hàn quốc còn tỏ hy vọng rằng Nam và Bắc Triều Tiên có thể xây dựng lòng tin thông qua cơ hội này..

Đề nghị của Bình Nhưỡng đã được đưa ra trước đó trong một tuyên bố từ Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên (CPRK), cho biết là địa điểm và ngày giờ đàm phán có thể do phía Hàn Quốc tùy nghi ấn định.

Còn về nội dung thảo luận, hồ sơ đầu tiên sẽ là khu công nghiệp Kaesong - đã bị đóng cửa vào lúc tình hình căng thẳng lên đến đỉnh cao trong thời gian gần đây - và việc nối lại các tour du lịch qua biên giới đến khu nghỉ mát trên núi Kim Cương (Kumgang) ở trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Các vấn đề nhân đạo như chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-53 cũng có thể được thảo luận.

Ủy ban Thống nhất của Bắc Triều Tiên xác định rằng một phản ứng tích cực từ phía Hàn Quốc sẽ tạo điều kiện cho việc Bình Nhưỡng xét lại các biện pháp đã ban hành khi quan hệ song phương xấu hẳn đi từ tháng Tư 2013, trong đó có việc tái lập đường dây nóng xuyên biên giới.

Đề nghị của Bình Nhưỡng như vậy đã được Seoul chấp thuận trên nguyên tắc, và nếu mọi việc đều suôn sẻ, thì đó sẽ là những cuộc đàm phán liên Triều chính thức đầu tiên từ nhiều năm nay.

Các nhà phân tích đã hoan nghênh diễn biến tích cực này, nhưng không che giấu quan điểm thận trọng, cho rằng chương trình nghị sự cụ thể của các cuộc đối thoại có thể tạo ra các trở ngại không thể vượt qua.

Một trong những khó khăn là quan điểm hai bên về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye từng cho là đối thoại rất cần thiết, nhưng cũng đã nhấn mạnh rằng muốn có đàm phán thực chất, Bình Nhưỡng phải thực hiện cam kết từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Bắc Triều Tiên ngược lại đã nhiều lần nhấn mạnh rằng vũ khí hạt nhân không thể là hồ sơ đàm phán.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.