Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Giáo dục đại học Miến Điện chạy theo số lượng

Những cải cách mà chính phủ dân sự Miến Điện tiến hành từ hai năm nay được cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Tổng thống Mỹ cũng đã đích thân tới thăm nước này và đã tiếp đón trọng thể tổng thống Thein Sein tại Nhà Trắng. Diễn đàn kinh tế Đông Á cũng vừa được tổ chức thành công tại Miến Điện.

Một góc trường đại học Rangoon.
Một góc trường đại học Rangoon. wikipedia
Quảng cáo

Năm tới, Miến Điện sẽ chính thức đảm nhiệm ghế chủ tịch luân phiên ASEAN. Tuy nhiên bên cạnh gam màu sáng, bức tranh còn có những điểm tối. Ngoài hồ sơ nổi cộm thường được báo chí mổ xẻ là xung đột sắc tộc và tôn giáo, thì Courrier International số ra tuần này chú ý đến hồ sơ cải cách giáo dục đại học ở Miến Điện. Courrier International trích dẫn bài viết của tờ Bangkok Post với hàng tựa: “Tân trang lại diện mạo trường đại học”.

Bài viết đặt trọng tâm vào trường đại học Rangoon, trường đại học gắn liền với những biến động chính trị tại Miến Điện từ gần 80 năm nay. Khởi nguồn từ những năm 1920, trường này đã trở nên nổi tiếng với phong trào sinh viên phản đối các chính phủ độc tài. Đây cũng chính là trường đã có đóng góp to lớn trong tiến trình đẩy lùi chế độ quân phiệt tại Miến Điện.

Do gắn liền với những biến cố chính trị, nên ngôi trường này cũng không ngừng gặp khó khăn. Hiện tại, số lượng đăng ký đầu vào của sinh viên tại đây giảm mạnh, ký túc xá cũng đóng cửa không đón nhận sinh viên nữa. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó tờ báo nhấn mạnh đến việc ở khu ngoại vi thành phố, chính quyền gần đây đã cho mở thêm nhiều trường đại học, trong đó thâm ý là để tránh tập trung quá đông sinh viên vào một trường có truyền thống đấu tranh như Đại học Rangoon.

Một nguyên nhân khác cũng được tờ báo lưu ý, đó là vấn đề chất lượng đào tạo đại học. Trong giai đoạn 1988-2008, số lượng trường và cơ sở đào tạo đại học ở Miến Điện đã tăng từ 32 lên đến 156, trong đó có 64 trường do Bộ Giáo dục quản lý, còn lại là đặt dưới sự quản lý của 12 Bộ khác nhau. Số lượng tăng nhanh, nhưng chất lượng đào tạo đại học lại không được đảm bảo. Bên cạnh còn tồn tại vấn đề mất an ninh ở các khu đại học.

Một tháng trước chuyến thăm Miến Điện của Tổng thống Mỹ Obama, chính quyền nước này đã thông báo kế hoạch cải cách và hiện đại hóa Đại học Rangoon. Đây là kế hoạch nằm trong dự án cải cách giáo dục đã được Quốc hội thông qua theo đề xuất của lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi bao gồm việc cải cách giáo dục trên toàn đất nước nói chung, và Trường Rangoon nói riêng. Ngân sách dành cho giáo dục của Miến Điện cũng đã tăng gấp đôi lên đến 740 triệu đô la, chiếm 5,84% ngân quỹ.

Bàn về kế hoạch cải cách giáo dục của chính phủ Miến Điện, tờ báo Thái Lan cho rằng, vấn đề cốt lõi trong giáo dục đại học tại nước này là tình trạng chất lượng bị số lượng chèn ép, tức là nhà cầm quyền chạy theo số lượng nên đã cho phép xây dựng quá nhiều trường đại học kém chất lượng ở khắp các tỉnh thành trên toàn quốc.

Tờ báo cũng nhấn mạnh thêm, đó cũng là một di sản của chế độ quân phiệt để lại, vì trước đây chế độ này muốn tránh việc sinh viên tập trung quá đông ở một số trường để tránh nguy cơ sinh viên nổi dậy như đã thường xảy ra ở Trường Đại học Rangoon.

Nhật Bản chống bạo lực học đường

Cũng trong hồ sơ giáo dục, Courrier International nhìn sang Nhật Bản qua bài viết dẫn lại của tờ Asahi Shimbun tại Tokyo với dòng tựa đáng chú ý: “Đánh đập không phải là giáo dục”.

Tờ báo nhắc lại, hồi tháng 12 năm rồi, một học sinh cấp ba tại một trường học ở Osaka tự tử vì đã bị thầy giáo bạo hành. Từ đó, tại Nhật, người ta bắt đầu bàn tán xôn xao về vấn đề bạo hành ở các trường học.

Asahi Shimbun cũng nhắc lại, năm học 2011-2012 là năm có nhiều đơn thư tố cáo bạo hành học đường nhất từ trước đến nay. Theo Bộ chủ quản, thì năm học nói trên đã có đến 840 giáo viên bị tố giác bạo hành đối với học trò, tức cao gấp 21 lần so với năm học trước. Bạo hành ở đây không chỉ là việc đánh đập học sinh, mà còn cả chuyện hành hạ thể xác, lạm dụng tình dục và uy hiếp tinh thần.

Trong bối cảnh đó, Bộ chủ quản đã cho lấy kiến chuyên gia và đã ban hành bộ quy tắc chống bạo hành học đường. Dự tính những quy tắc này sẽ được áp dụng chính thức trong tháng này với mục tiêu là loại trừ bạo hành ra khỏi các trường học.

Trung Quốc: Tranh luận về độc đảng và dân chủ

Nhìn sang Trung Quốc, Courrier International trích dẫn hai bài của tạp chí Foreign Affairs tại New York, phản ánh hai quan điểm trái chiều của hai doanh nhân Trung Quốc về chế độ chính trị độc đảng của Bắc Kinh.

Bài thứ nhất chạy tựa “Trung Quốc có thể bỏ qua chế độ dân chủ hay không?”, ghi nhận quan điểm của một doanh nhân Thượng Hải. Người này cho rằng, mô hình chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tỏ ra hiệu quả là đưa Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Người này khẳng định, vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ dựa trên sự phát triển thần tốc của nền kinh tế, mà còn dựa trên tinh thần dân tộc và trên tính chính danh mang tính lịch sử của đảng này. Tờ báo nhắc lại việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa đất nước Trung Quốc thoát khỏi xích xiềng nô lệ ngoại xâm và làm cho đất nước trở nên giàu mạnh.

Vị doanh nhân Thượng Hải cũng nhấn mạnh rằng, trong lịch sử, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tỏ ra không cứng nhắc bảo thủ mà rất biết tùy thời, tức tùy theo sự thay đổi của tình hình đất nước mà có sự điều chỉnh chính sách thích hợp.

Về phần mình, trong bài mang tên : « Không sớm thì muộn, Trung Quốc cũng sẽ phải tiến đến dân chủ », một nhà kinh tế học Trung Quốc nhấn mạnh vào việc tha hóa hệ thống chính trị nước này được biểu hiện qua việc thăng quan tiến chức một cách thiếu minh bạch, tham nhũng hoành hành.

Theo người này, từ sau vụ đàn áp Thiên An Môn, Đảng Cộng sản Trung Quốc lọt vào tay phe phản đối cải cách. Tuy nhiên, gần đây ngày càng có nhiều tiếng nói vang lên tại nước này, nhất là thông qua mạng Internet, đòi cải cách dân chủ, đòi công khai minh bạch. Từ đó, vị kinh tế gia trên cho rằng, sở dĩ hiện tại Trung Quốc chưa đi đến dân chủ, đó là bởi vì thiếu “cung” chứ không phải thiếu « cầu », tức là thiếu quyết tâm của giới cầm quyền. Người này dự phóng, trong 10 năm nữa, khoảng cách « cung- cầu dân chủ » sẽ được hạn chế.

Vị kinh tế gia trên nói thêm, từ vụ Thiên An Môn 1989 đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc không hề có cải cách nào gọi là thật sự và chủ yếu dựa vào tăng trưởng kinh tế để đảm bảo quyền lực. Thế nhưng, kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, và trong tương lai nếu tiếp tục chậm thì sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra điều khó đoán. Người này kêu gọi: Đảng Cộng sản Trung Quốc nên biết ra tay trước bằng cách tiến hành sớm những cải cách chính trị cần thiết để tránh một « cuộc khủng hoảng kinh hoàng” trong tương lai. Kinh tế gia trên cho rằng, hệ thống chính trị nên dần tiến triển một cách còn có thể kiểm soát được, nếu chậm trễ coi chừng sẽ xảy ra cách mạng bạo lực.

Nhà kinh tế nói trên không phản đối quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng cho rằng, đảng này nên tranh thủ thời cơ này để tiến hành cải cách, vừa có thể lấy lại bộ mặt của đảng vừa không phải mất đi quyền lực.

Khó khăn chung của phương Tây: Đô thị hóa và giáo dục

Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ thường được các nước phương Tây cho là kiểu mẫu phát triển. Thế nhưng,thực tế không như người ta tưởng bởi có nhiều vấn đề cần phải giải quyết ở hai nước này, mà điều đáng chú ý là các vấn đề đó lại hiện diện ở nhiều nước phương Tây. Đó là nhận định của bài viết mang tên “Sự mong manh của mô hình Tây phương” đăng trên tuần san L’Express.

Thụy Điển được xem là kiểu mẫu vì có hệ thống an sinh xã hội tốt nhất thế giới từ hơn nửa thế kỷ nay, bởi đã tiến hành cải cách hệ thống hành chính công một cách ngoạn mục hồi năm 1993. Thổ Nhĩ Kỳ được cho là kiểu mẫu bởi đã tiến hành hiện đại hóa nhanh chóng đất nước, đạt tăng trưởng mạnh trong xã hội dân chủ và không có nợ công. Cả hai nước này đều đã thành công vượt qua cuộc khủng hoảng 2008.

Tuy vậy, mới đây hai nước này lâm vào cảnh bất ổn. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lúc đầu người dân Istanbul xuống đường phản đối một dự án phá bỏ công viên để xây dựng khu thương mại. Cuộc biểu tình đã bị cảnh sát đàn áp. Sau đó làn sóng xuống đường phản đối chính phủ lan rộng ra cả nước. Mục đích biểu tình cũng thay đổi sang việc phản đối chính sách được cho là độc tài và mang màu sắc Hồi giáo của t+Thủ tướng Erdogan.

Còn Stockholm của Thụy Điển thì lâu nay được xem là thành phố thành công nhất trong việc dung hòa nhiều tầng lớp xã hội. Thế mà mới đây, ở ngoại ô thành phố này đã xảy ra các vụ nổi dậy của người dân. Sự việc bắt đầu từ vụ cảnh sát bắn chết một cụ già, người dân phẫn nộ xuống đường tấn công và đốt phá xe cộ, trụ sở chính quyền. Làn sóng này đã lan sang nhiều thành phố khác. Thế nhưng, khi nhìn lại, thì ở các khu đô đô thị có nổi dậy, 1/3 dân cư là người nước ngoài, trong đó đa phần là người Hồi giáo.

Tìm hiểu nguyên nhân, bài viết cho rằng, hai vấn đề then chốt dẫn đến bất ổn của hai nước nói trên là đô thị hóa và giáo dục. Ở cả Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ, đô thị hóa quá nhanh và tăng trưởng kinh tế thiếu kiểm soát, đã dẫn đến việc gia tăng bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội, ở các thành phố bên cạnh phố xá giàu sang là các khu ổ chuột tồi tàn, những người thất nghiệp nghèo khổ và nhiều trẻ em không được đến trường.

Bài viết nhấn mạnh, đây không phải là hai vấn đề riêng của Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ, mà nó tồn tại ở nhiều nước phương Tây như Anh, Mỹ, Đức, Pháp…Bài viết cảnh báo: Nếu các nước này không lo từ bây giờ thì sớm muộn gì cũng lâm cảnh như Thụy Điển hay Thổ Nhĩ Kỳ mà thôi.

Làn sóng khuynh hữu cực đoan đang đe dọa Châu Âu

Nhân chuyện nước Pháp vừa xảy ra vụ một sinh viên 18 tuổi bị đánh chết bởi một nhóm cực hữu quá khích, báo chí Pháp mấy ngày nay tập trung phân tích sự lớn mạnh đáng lo ngại của phe cực hữu cực đoan tại nước này nói riêng và ở Châu Âu nói chung. Trong khuynh hướng đó, tạp chí Le Nouvel Observateur số ra tuần này đăng bài phỏng vấn mang tên : «Năm 2014 sẽ là năm đầy nguy hiểm ».

Tờ báo đặt câu hỏi với ông François Rebsamen, trưởng nhóm nghị sĩ Đảng Xã hội tại thượng viện. Đầu tiên, ông Rebsamen nhắc lại, trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái, dù cánh hữu đã bộc lộ nhiều điểm yếu và mất uy tín sau 10 năm cầm quyền không hiệu quả, nhưng ông Hollande chỉ chiến thắng sát sao ông Nicolas Sarkozy. Theo ông Rebsamen thì do ông Sarkozy đã biết tập trung tranh cử vào chủ đề sự đe dọa của người nhập cư đối với an ninh và quyền lợi người Pháp, nên mới rút ngắn được khoảng cách thất bại. Qua đó mới thấy làn sóng cực hữu tại Pháp đang lớn mạnh.

Ông Rebsamen giải thích, sự lớn mạnh đó là lô-gíc vì trong thời buổi khủng hoảng kinh tế, nước Pháp bị cảnh thất nghiệp nặng nề, an ninh không được đảm bảo, thì tất nhiên người ta có khuynh hướng đổ hết trách nhiệm cho người nhập cư. « Sự lo sợ » dẫn đến cực hữu của người Pháp chủ yếu tập trung vào ba hồ sơ : Nhập cư, an ninh và sự đe dọa của Hồi giáo cực đoan.

Bên cạnh phe cực hữu truyền thống như đảng Mật trận Quốc gia (FN) - đảng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thì hiện tại đang nổi lên ở Pháp phe cực hữu của phe cực hữu, tức theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đến mức quá cực đoan. Nhìn rộng ra Châu Âu, Le Nouvel Observateur đăng kết quả điều tra về làn sóng cực hữu cực đoan tại một số nước tiêu biểu, trong đó tỷ lệ phản đối nhập cư và lo sợ sự lấn sân của Liên Hiệp Châu Âu vào quyền tự quyết của các nước thành viên thấp nhất cũng là trên 60% người được hỏi !

Cuối cùng Thượng nghị sĩ Rebsamen cảnh báo, năm 2014 sẽ là năm rất nguy hiểm cho Liên Hiệp Châu Âu, vì đó là năm diễn ra bầu cử Nghị viện Châu Âu ở các nước thành viên. Nếu như kinh tế Châu Âu tiếp tục khó khăn, thất nghiệp tiếp tục gia tăng, tình trạng mất an ninh tiếp tục hoành hành, thì Liên Hiệp Châu Âu coi chừng gặp phải mối nguy hiểm chết người.

Có nên tiếp tục cô lập Iran ?

Bàn về quan hệ giữa phương Tây với Iran, L’express đăng bài kêu gọi: “Hãy xem xét lại mối quan hệ của chúng ta với Iran”.

« Của chúng ta » ở đây tức là của các nước phương Tây trong chính sách bao vây cô lập nhằm buộc Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân. Tác giả kêu gọi tìm hiểu kỹ lưỡng về bản chất của chế độ chính trị Iran để có quyết sách đúng đắn. Tác giả nhắc lại, trong hệ thống chính trị Iran, người nắm quyền tối cao đất nước là lãnh tụ Hồi giáo tối cao (hiện là ông Ali Khamenei), vị trí và quyền lực trên cả Tổng thống. Nói cách khác, tại Iran, Tổng thống chỉ giống như làTthủ tướng vậy thôi.

Trong nhiệm kỳ này, Tổng thống Ahmadinejad đã có nhiều đụng độ với lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Điều này cho thấy giữa hai vị trí cao nhất này đã bắt đầu có sự mâu thuẫn. Vì thế theo tác giả, người kế nhiệm ông Ahmadinejad phải làm sao đạt được sự đoàn kết với lãnh tụ tối cao để trên chóp bu đất nước có cùng tiếng nói trên trường quốc tế. Chưa hết, do chính sách bao vây của phương Tây, nền kinh tế đất nước khó khăn, thất nghiệp tăng cao, đời sống người dân thiếu thốn, bất công ngày một trầm trọng. Tình cảnh đó đòi hỏi Tổng thống mới phải kiên quyết cải cách cho hợp lòng dân mà đôi khi phải biết đi ngược lại lợi ích của lãnh tụ tối cao.

Trong quan hệ với các nước phương Tây, tác giả cho rằng, vị Tổng thống mới của Iran sẽ buộc phải tiếp tục phát triển hạt nhân và tiếp tục chỉ trích chính sách bao vây của phương Tây. Trong bối cảnh đó, tác giả nhấn mạnh, Mỹ và Châu Âu nên tranh thủ thời kỳ chuyển tiếp chính trị ở Iran mà thay đổi chính sách đối với nước này. Tác giả nhắc lại, việc Iran tham chiến tại Syria để ủng hộ chính phủ Assad cho thấy việc cô lập Iran chỉ đẩy nước này vào tội ác, làm phương Tây mất đi những phương tiện gia tăng ảnh hưởng trong khu vực thông qua Iran.

Cuối cùng tác giả kêu gọi: Trong bối cảnh thế giởi Ả Rập “xâu xé nhau một cách đáng báo động”, thì sớm muộn gì các nước phương Tây cũng phải xem xét lại cách thức quan hệ với Iran.

Tiền bạc và đời sống vợ chồng

Cuối cùng trong hồ sơ xã hội, Le Nouvel Observateur đăng bài đáng chú ý : « Khi tiền bạc đe dọa cuộc sống vợ chồng ».

Tại Pháp, dù tiền bạc thường là chủ đề kiêng cữ trong cuộc sống vợ chồng, nhưng cũng là nguyên nhân thường xuyên gây khúc mắc giữa chồng và vợ và trở thành những cuộc chiến thật sự khi có li hôn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, thì câu chuyện tiền nong lại trở nên quan trọng đối với các cặp vợ chồng.

Le Nouvel Observateur đăng kết quả điều tra cho biết, tại Pháp, tiền bạc là nguyên nhân xung đột của 74% các cặp vợ chồng ; 34% người được hỏi phàn nàn về việc bạn đời của mình chi tiêu quá mức ; 26% cho biết, việc chênh lệch thu nhập giữa hai vợ chồng là nguồn gốc gây tranh cãi.

Và thế là, như nhận định của tờ báo : chuyện tiền nong và chuyện của trái tim thường không song hành với nhau được.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.