Vào nội dung chính
MỸ - NHẬT

Quân đội Nhật qua Mỹ tập tấn công đổ bộ

Kể từ ngày 11/06/2013, khoảng một ngàn lính Nhật sẽ có mặt trên bờ biển miền Nam California trong hai tuần lễ để tham gia một cuộc tập trận hỗn hợp với quân đội Mỹ. Mục tiêu chính nhằm cải thiện khả năng tấn công đổ bộ của lực lượng Nhật Bản. Trung Quốc được cho là đã yêu cầu Mỹ hủy bỏ kế hoạch tập trận này nhưng không được đáp ứng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ C. Hagel (trái) tiếp đồng nhiệm Nhật I. Onodera tại Washington. Ảnh 29/04/2013
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ C. Hagel (trái) tiếp đồng nhiệm Nhật I. Onodera tại Washington. Ảnh 29/04/2013 REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Theo các thông báo đã được công bố, cuộc tập trận ở California mang tên Dawn Blitz, huy động các đơn vị Thủy quân lục chiến Mỹ, trong lúc phía Nhật cử đến California 3 chiến hạm, 4 trực thăng chiến đấu, cùng với 1.000 binh sĩ. Lực lượng Nhật đã bắt đầu có mặt tại Hoa Kỳ từ cuối tháng 5 vừa qua để chuẩn bị cho cuộc tập trận.

Các nguồn tin từ giới chức quân sự Mỹ và Nhật Bản, được hãng tin Mỹ AP trích dẫn, đã xác định rằng chương trình tập huấn chưa từng thấy này này chỉ có mục tiêu giúp quân đội hai bên đối phó tốt hơn các tình huống khủng hoảng như thiên tai chẳng hạn. Những người lính Thủy quân lục chiến và thủy thủ Mỹ, sẽ giúp Lực lượng Tự vệ Nhật Bản – tên gọi của quân đội Nhật - hoạt động trong sự phối hợp chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, đồng minh chính của mình.

Tuy nhiên, theo hãng AP, trong bối cảnh tình hình đang căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh về chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu ngư ngoài biển Hoa Đông, Trung Quốc đã không khỏi bất bình trước đợt diễn tập quân sự Mỹ Nhật này.

Một trong các nguyên do có thể là hai bài tập trong chương trình tập trận, theo đó binh lính hai bên sẽ thực hành một cuộc tấn công đổ bộ trên đảo San Clemente, một trường huấn luyện của hải quân Mỹ ngoài khơi Thành phố San Diego, và một cuộc đổ bộ khác lên bãi biển tại căn cứ Hải quân Mỹ Camp Pendleton.

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, trích dẫn giới chức chính phủ Nhật xin giấu tên, thì Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ và Nhật Bản hủy bỏ cuộc tập trận. Khi được hỏi, cả hai bộ Quốc phòng và Ngoại giao Nhật Bản đều không xác nhận nguồn tin về yêu cầu của Trung Quốc, nhưng cho biết là kế hoạch tập trận vẫn được xúc tiến. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không trả lời câu hỏi của hãng tin Mỹ việc phải chăng Trung Quốc đã yêu cầu hủy bỏ cuộc thao diễn quân sự Mỹ-Nhật tại California.

Đối với các quan chức quân sự Mỹ, việc tăng cường năng lực đổ bộ của quân đội Nhật Bản là một nhu cầu thiết yếu vào lúc Washington chú ý nhiều hơn đến việc thúc đẩy một chiến lược châu Á-Thái Bình Dương nhưng với ngân sách quốc phòng bị cắt giảm liên tục.

Sự ổn định của khu vực châu Á hiện đang bị nhiều yếu tố khuấy động, trong đó có tình trạng căng thẳng nảy sinh từ việc Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ trên biển với các láng giềng. Đại tá Grant Newsham, phụ trách liên lạc với quân đội Nhật Bản xác định : « Thế kỷ 20 đã dạy cho chúng ta bài học là khi các nền dân chủ có năng lực và quyết tâm tự bảo vệ mình, điều đó sẽ giúp duy trì hòa bình và ổn định… Hầu hết các nước châu Á đều hoan nghênh – (dù có khi không nói ra) - một lực lượng Nhật Bản tinh nhuệ hơn, cùng lúc là đồng minh chặt chẽ của Hoa Kỳ».
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.