Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Miến Điện với ba thách thức về cơ sở hạ tầng

Đăng ngày:

Những thách thức đó là hạ tầng cơ sở vật chất, pháp lý và giáo dục. Ngày 05/06/2013 Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á đã mở ra trong 3 ngày Naypyidaw. Theo thông báo của ban tổ chức, diễn đàn này đã thu hút khoảng 900 đại diện đến từ hơn 50 nước trên thế giới. Sự kiện Miến Điện, quốc gia chỉ hơn một năm trước đây thôi vẫn còn bị quốc tế nhìn với cặp mắt nghi kỵ, bị cô lập, giờ đây lại là điểm hẹn của Diễn đàn Kinh tế Thế giới khiến người ta không khỏi ngạc nhiên.

Tổng thống Thein Sein (giữa) và lãnh đạo Việt Nam, Lào tại  Naypyitaw. Tháng 6/2013.
Tổng thống Thein Sein (giữa) và lãnh đạo Việt Nam, Lào tại Naypyitaw. Tháng 6/2013. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Nguyên nhân đầu tiên giải thích sức hút của sự kiện được báo giới gọi là « Davos châu Á » này là tiến trình cải tổ rất ngoạn mục của Miến Điện trong hai năm gần đây. Khi tề tựu về Naypyidaw nhân Diễn đàn kinh tế Thế giới về Đông Á, cộng đồng quốc tế đã công nhận và khuyến khích tiến trình cải cách nhanh chóng của quốc gia này, đưa Miến Điện sớm hội nhập trở lại thế giới sau nửa thế kỷ bị cô lập.

Phải nói là Miến Điện từ khi chuyển qua một chế độ ‘dân sự’ dưới quyền lãnh đạo của tổng thống Thein Sein, đã có những bước tiến ngọan mục bất ngờ, cả trên mặt chính trị, lẫn kinh tế, xã hội, cho dù vẫn còn khiến không ít người hoài nghi. Phản ứng thuận lợi nhất chính là từ phía Hoa Kỳ, xem như đã bình thường hóa bang giao với Miến Điện, sau hàng thập niên cấm vận. Điển hình của cái nhìn mới này, như một chuyên gia đã nhận xét, là Coca Cola đã quay lại Miến Điện.

Bên cạnh nguyên nhân chính trị kể trên, quan trọng hơn là sức hấp dẫn về kinh tế của Miến Điện, đang chuyển mình thành một vùng ‘đất hứa mới’, với đà tăng trưởng rất đáng chú ý là 6,5% vào năm 2012 - theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế - và sẽ lên 6,75% trong năm 2013-2014.

Theo ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại California -Hoa Kỳ, nguyên là một nhà tài chánh học, tiềm năng phát triển của Miến Điện rất cao, với nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú, từ dầu hỏa, khí đốt, cho đến rừng, quặng mỏ…, và một nguồn nhân lực khá dồi dào, đến từ một dân số khoảng 60 triệu người, gần bằng Thái Lan, và bằng 2/3 số dân của Việt Nam, hai nước đông dân khác trên lục địa Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trong khoảng nửa thế kỷ qua, Miến Điện vì sống dưới một chế độ độc tài, bị cô lập với thế giới bên ngoài, cho nên đã không phát triển được tiềm năng kinh tế to lớn của mình. Đầu tư vào Miến Điện trước đây chủ yếu đến từ Trung Quốc và Thái Lan, giờ đây, với tiến trình cải tổ tăng tốc, vốn tư bản đến từ các nơi khác như Mỹ, Nhật, Úc, Châu Âu sẽ ngày càng nhiều.

Vấn đề đặt ra đối với Miến Điện là làm sao sử dụng được tốt nhất số tiền vốn đó để khai thác tài nguyên và nhân lực của đất nước, để không bị biển thủ, không bị lãng phí. Theo ông Ngô Nhân Dụng, muốn làm được điều đó, chính quyền Miến Điện phải cải thiện hầu như toàn bộ hạ tầng cơ sở của đất mình.

Trên vấn đề này, ông Ngô Nhân Dụng phân biệt rõ ba lãnh vực khác nhau trong phạm trù hạ tầng cơ sở, đồng thời là ba thách thức đặt ra cho kinh tế Miến Điện : Đó là hạ tầng cơ sở vật chất, pháp lý và giáo dục.

25:47

Ngô Nhân Dụng, nhà bình luận báo Người Việt tại California (Hoa Kỳ)

Trọng Nghĩa

Trả lời phỏng vấn của Trọng Nghĩa, ông Ngô Nhân Dụng đã nêu bật chủ trương có thể nói là khôn ngoan của chính quyền của Tổng thống Thein Sein khi trong một hai năm ngắn ngủi vừa qua, đã bắt tay ngay vào việc cải thiện hạ tầng cơ sở luật lệ kinh tế để tạo điều kiện tốt cho việc đón nhận đầu tư ngoại quốc, rất cần thiết cho việc cải thiện các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vật chất cũng như giáo dục.

Theo nhà báo Ngô Nhân Dụng, thách thức liên quan đến việc cải thiện hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật như hệ thống giao thông, vận tải, và nhất là viễn thông, liên lạc cũng rất lớn. Bên cạnh đó, dĩ nhiên là vấn đề giáo dục, để có thể sử dụng tốt nguồn nhân lực rất quan trọng của Miến Điện.

Đối với ông Ngô Nhân Dụng, cải thiện hạ tầng cơ sở vật chất thực ra không khó, không mất nhiều thời gian, khó khăn hơn chính là lãnh vực luật lệ, và nhất là giáo dục.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.