Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Xung đột tôn giáo : Miến Điện chưa tìm ra giải pháp

Kêu gọi chung sống hòa bình, nhưng không lên án các hành vi bạo động nhắm vào cộng đồng Hồi giáo. Đó là kết quả cuộc họp nhằm giải quyết xung đột tôn giáo của hơn 200 nhà sư Miến Điện mở ra trong hai ngày 13 và 14/06/2013 và đã kết thúc vào chiều ngày hôm qua tại Rangoon.

Tăng sư Miến Điện họp trong hai ngày 13 và 14/06 để tìm giải pháp cho xung đột tôn giáo (AFP / YE AUNG THU)
Tăng sư Miến Điện họp trong hai ngày 13 và 14/06 để tìm giải pháp cho xung đột tôn giáo (AFP / YE AUNG THU)
Quảng cáo

Phát ngôn viên của ban tổ chức, xác định với hãng thông tấn Mỹ, AP là các bên đã không trực tiếp nêu lên vấn đề cấm người Miến Điện theo đạo Phật kết hôn với người Hồi giáo và đưa điều khoản đó thành luật. Trong khi đó, một trong những gương mặt nổi bật của phong trào Phật giáo cực đoan Miến Điện mang tên 969, nhà sư Wirathu, bên lề cuộc họp đã khẳng định là sẽ đề nghị đưa vấn đề này ra thảo luận trước Quốc hội.

Nhân vật này giải thích rằng thiểu số theo đạo Hồi trên quốc gia Đông Nam Á này là một hiểm dọa đối với « sự thuần khiết sắc tộc và an ninh quốc gia ». 

Năm ngoái bạo động tôn giáo giữa người theo đạo Phật và đạo Hồi đã bùng lên tại bang Rakhine, làm hàng trăm người thiệt mạng và khoảng 140 000 người phải di dời chỗ ở. Tháng 3/2013 Miến Điện một lần nữa phải đương đầu với khủng hoảng tại Meiktila làm 43 người chết. 

Xung đột tôn giáo làm phương hại tới tiến trình cải tổ kinh tế và chính trị của Miến Điện đã được tổng thống Thein Sein tiến hành từ hơn hai năm nay. Thông tín viên François Mérignac từ Rangoon cho biết thêm chi tiết về cuộc họp của các tu sĩ Phật giáo Miến Điện vừa khép lại : 

« Quỳ trước mặt các vị chức sắc cao nhất trong giáo hội, các thành phần tham gia cuộc họp muốn tô điểm lại hình ảnh của cộng đồng Phật giáo đang bị hoen ố. Một nhà sư trẻ Ponya Thiris quy trách nhiệm cho người Hồi giáo gây ra bạo động và khẳng định là những người theo đạo Phật chỉ muốn được sống trong hòa bình. Một vài tiếng nói trong số hàng ngũ những người có mặt ở đây muốn cấm các cuộc hôn nhân giữa hai người không có cùng tôn giáo.  

Tu sĩ Wissaydork chừng mực hơn cho rằng, hai cộng đồng tôn giáo này phải tìm ra một giải pháp để chung sống hòa bình trên đất nước Miến Điện. Thế nhưng, có rất nhiều tu sĩ đến dự cuộc họp ở Rangoon mà trên điện thoại cầm tay của họ có logo của phong trào 969.

Đây là một phong trào Phật giáo cực đoan rất đáng gờm ở Miến Điện. Riêng đối với phát ngôn viên của ban tổ chức, Ashin Dhammapiya, phong trào 969 thực chất không phải là một vấn đề bởi vì theo lời nhân vật này, "Có những người muốn thao túng phong trào 969 để tạo ra cảm giác là các tu sĩ Phật giáo kích động các cuộc nổi dậy, gây ra tang tóc và bạo động cho Miến Điện".  

Có điều, không một đại diện nào của cộng đồng Hồi giáo tại Miến Điện được mời tham dự cuộc họp để bàn về những giải pháp giúp người theo đạo Phật và theo đạo Hồi cùng chung sống trong hòa bình ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.