Vào nội dung chính
SINGAPORE

Ô nhiễm kỷ lục ở Singapore, Indonesia làm mưa

Nạn ô nhiễm tại Singapore do các vụ cháy rừng ở đất nước láng giềng Indonesia gây ra, hôm nay 21/06/2013 đã đạt đến mức độ nguy hiểm. Tình hình này đã khiến Jakarta phải vận dụng đến các biện pháp như nỗ lực làm mưa nhân tạo.

Dân Singapore đeo khẩu trang chống khói mù ô nhiễm 20/06/2013 (REUTERS /Edgar Su)
Dân Singapore đeo khẩu trang chống khói mù ô nhiễm 20/06/2013 (REUTERS /Edgar Su)
Quảng cáo

Cơ quan chính phủ phụ trách về chất lượng không khí của Singapore cho biết, chỉ số ô nhiễm vào lúc 11 giờ (3 giờ GMT) hôm nay đã lên đến 400, con số kỷ lục cao nhất trong lịch sử. Hiện tượng này « có thể là mối đe dọa cho sự sống của các bệnh nhân và người cao tuổi ». 

Những đợt khói dày đặc do đốt rừng từ hòn đảo Sumatra của Indonesia đã khiến từ nhiều ngày qua, chỉ số ô nhiễm tại Singapore không ngừng tăng lên : từ 321 tối thứ Tư lên đến 371 hôm thứ Năm 20/6 và hôm nay đạt đến mức cao nhất. 

Tất cả chỉ số trên 300 đều được xem là « nguy hiểm » cho sức khỏe của 5,3 triệu dân Singapore, nơi mà các tòa nhà chọc trời bằng kính và thép của các văn phòng kinh doanh hiện đang chìm trong làn khói mù bốc lên một thứ mùi hăng hắc.

Người dân Singapore, xưa nay vẫn chú trọng vấn đề vệ sinh và rất quan tâm đến sức khỏe cộng đồng, đua nhau đi bác sĩ. Một bác sĩ gia đình cho biết số bệnh nhân đến khám tuần qua tăng 20%, và 80% thân chủ gặp những vấn đề có liên quan đến ô nhiễm. 

Mỗi năm vào cùng thời kỳ, hòn đảo Singapore nhỏ bé lại bị ngập trong làn khói dày đặc từ đảo Sumatra của nước Indonesia láng giềng, vốn có truyền thống đốt rừng để dọn đất trồng trọt. Nhưng lần này vấn đề ô nhiễm đã đạt tới mức kỷ lục, gây ra một trận khẩu chiến giữa Indonesia và Singapore. 

Bộ trưởng Môi trường Singapore, Vivian Balakrishnan sáng nay đã đến Jakarta, sau lời tuyên bố hôm qua kêu gọi chính quyền Indonesia nên hành động “một cách dứt khoát và khẩn cấp”. Nhưng tại Jakarta, Bộ trưởng phụ trách đấu tranh chống nạn cháy rừng của Indonesia, Agung Laksono trả lời rất xẵng là Singapore « cần phải ngưng xử sự như một đứa trẻ và làm ầm ĩ lên như thế ».

Ông Laksono còn giao trả quả bóng sang phần sân của Singapore, nêu ra khả năng cháy rừng có thể còn do một số đồn điền trồng cọ dầu của Singapore và Malaysia, vốn chiếm diện tích đất quan trọng tại đảo Sumatra. 

Indonesia dùng mưa nhân tạo dập cháy rừng

Tuy vậy, Indonesia cũng đã nỗ lực gấp đôi để dập tắt lửa rừng. Trong hội nghị khẩn cấp tối qua, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã ra lệnh « huy động ngay lập tức các nguồn lực của đất nước ». Do lực lượng cứu hỏa khó thể dập tắt được ngọn lửa vì trung tâm các đám cháy thường từ các vỉa than bùn trong rừng rậm, chính quyền đã quyết định dùng đến các biện pháp đặc biệt như làm mưa nhân tạo. 

Phát ngôn viên Cơ quan quốc gia về thiên tai, Sutopo Purwo Nugroho cho biết, sáng nay hai trực thăng đã cất cánh để rải chất tạo mưa vào các đám mây phía trên tỉnh Riau. Kỹ thuật này chủ yếu là phun một lượng lớn hóa chất vào mây, kích thích tạo thành những tinh thể đá, để gây ra những trận mưa rào. 

Chỉ có mưa nhân tạo mới có thể giúp dập tắt những cơn hỏa hoạn đang hoành hành trên mấy trăm hecta rừng. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm qua đã cảnh báo là đỉnh cao ô nhiễm có thể kéo dài nhiều tuần.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.