Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Vì sao Bắc Kinh chống ô nhiễm không hiệu quả ?

Mấy thập niên nay kinh tế Trung Quốc phát triển thần tốc và đã soán ngôi Nhật Bản để trở thành đệ nhị cường quốc kinh tế thế giới. Thế nhưng, để trả giá cho sự phát triển đó, nước này phải chịu hậu quả môi trường và xã hội hết sức nặng nề. Báo Le Monde chú ý đến hồ sơ ô nhiễm môi trường với dòng tựa gây chú ý : «Trung Quốc : tội gây ô nhiễm có thể lãnh án tử hình ».

Dân Bắc Kinh đeo khẩu trang do không khí ô nhiễm(REUTERS /Kim Kyung-Hoon)
Dân Bắc Kinh đeo khẩu trang do không khí ô nhiễm(REUTERS /Kim Kyung-Hoon)
Quảng cáo

Tờ báo cho biết, chính phủ Trung Quốc đang tăng cường biện pháp chống ô nhiễm bằng những hình phạt nặng hơn, dự kiến có thể lên đến mức tử hình đối với những trường hợp gây ô nhiễm nghiêm trọng. Mục tiêu nhắm đến là các nhà máy công nghiệp gian lận trong việc bảo vệ môi trường.

Le Monde nói rõ, đó là những nhà máy công nghiệp cố tình xả nước thải độc hại ra môi trường bằng hệ thống thoát nước được xây dựng một cách bất hợp pháp. Các loại nước thải thường rất độc hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của dân cư địa phương.

Việc tăng hình phạt nói trên được công bố sau khi công bố kết quả điều tra môi trường ở nhiều tỉnh thành bắt đầu từ đầu năm nay theo lời hứa của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình khi vừa nhậm chức. Tờ báo nhắc lại, một chiến dịch tấn công tội phạm gây ô nhiễm đã được phát động và có 118 người đã bị bắt giữ trong các ngành khai thác mỏ và hóa dầu.

Thế nhưng, Le Monde nhận định, sự « ra oai » nói trên của nhà cầm quyền không tương ứng với thực tế tại Trung Quốc bởi ở nước này các phương tiện truyền thông thì bị « bịt miệng » còn ngành tư pháp thì không hề được độc lập trong xét xử.

Hôm 19/06, một tờ báo thường được nhà cầm quyền Trung Quốc « chú ý » là Nam Phương Đô Thị Báo tại Quảng Châu đã đăng bài xã luận nhấn mạnh rằng : « Hình phạt chỉ phát huy sức mạnh khi mà người ta dám công khai sự thật về ô nhiễm ». Tờ báo này còn cho biết thêm một trường hợp tại Quảng Đông rằng : Dù có nhiều nhân chứng và hình ảnh làm bằng về một vụ ô nhiễm, nhưng cơ quan bảo vệ môi trường tại địa phương vẫn kiên quyết phủ nhận.

Le Monde dẫn lời nhận định của một luật sư tại Bắc Kinh cho rằng, việc chống ô nhiễm tại Trung Quốc không hiệu quả do tình trạng chồng chéo trong nhiệm vụ giữa các cơ quan, và nhất là hiện tượng che giấu thực trạng ô nhiễm để đảm bảo thành tích của chính quyền địa phương.

Cuối cùng, Le Monde dẫn lời của một nhà môi trường Trung Quốc cho biết, các tòa án nước này hiếm khi dám xét xử những công ty « có quan hệ lớn ». Người này kêu gọi : Để cho các biện pháp chống ô nhiễm nói trên được thực thi trong thực tế, thì các công dân cần phải tiếp tục đấu tranh.

Khói bụi tại Singapore : Ai chịu trách nhiệm ?

Mấy ngày qua, nạn cháy rừng tại Indonesia đã gây khói mù nghiêm trọng ở hai nước láng giềng Singapore và Malaysia. Ai là người phải chịu trách nhiệm ? Nhật báo cảnh hữu Pháp Le Figaro trả lời câu hỏi này với hàng tựa mỉa mai : « Mùa hỏa hoạn mang nhiều mối lợi».

Tờ báo nhắc lại rằng, mấy chục năm qua, nạn cháy rừng vào mùa khô cứ kéo dài ở Indonesia. Mấy ngày qua, cháy rừng ở Indonesia lại xảy đến và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hai nước láng giềng Singapore và Malaysia. Đến mức mà chính phủ Singapore đã phải cử gấp bộ trưởng môi trường đến Jakarta để hối thúc nhà cầm quyền Indonesia có giải pháp.

Thế nhưng, đến hiện tại, giải pháp dài hạn vẫn chưa tìm thấy bởi bất đồng giữa nhà cầm quyền 3 nước vẫn còn tồn tại. Tờ báo nhắc lại, bộ trưởng môi trường Singapore đã đáp trả động thái gấp gáp của Singapore bằng việc kêu gọi chính phủ Singapore « đừng ứng xử theo kiểu trẻ con » vì cho rằng chính các công ty Singapore là thủ phạm gây cháy rừng.

Câu trả lời cho sự nhập nhằng này, theo Le Figaro, là khá đơn giản. Số là, Indonesia và Malaysia sản xuất đến 80% lượng dầu cọ trên thế giới. Thị trường này đang ngày càng mở rộng và hiện tăng bình quân 13% mỗi năm. Việc mở rộng diện tích trồng cọ đã kéo theo nạn đốt phá rừng nghiêm trọng. Các công ty « thủ phạm chính » là những công ty Malaysia và Singapore hoạt động trong lĩnh vực nói trên ở Indonesia.

Cả ba nước do đó không ai muốn giết đi « con gà đẻ trứng vàng » của mình. Và thế là, rừng cháy gây thiệt hại môi trường nhưng lại có lợi về kinh tế, đúng như tựa đề bài viết : Mùa hỏa hoạn nhiều mối lợi.

Tiết lộ mới về vụ tấn công khủng bố In Amenas tại Algeri

Để trả đũa việc Pháp can thiệp quân sự vào Mali, các lực lượng Hồi Giáo cực đoan đã tấn công bắt cóc con tin tại khu khí đốt In Amenas trên lãnh thổ Algeri. Cuộc tấn công được thực hiện thế nào ? Le Figaro đăng bài giải đáp câu hỏi này.

Le Figaro cho biết, trong số ra ngày hôm qua, tờ nhật báo El-Khabar tại Algeri đã đăng tải một số chi tiết mới về vụ khủng bố hôm 16 tháng Giêng rồi tại khu khí đốt In Amenas. Theo đó, lực lượng an ninh Angeri trước khi khủng bố xảy ra đã nhận được nhiều tin tức cho biết bọn khủng bố đang chuẩn bị thực hiện một điều gì đó.

Thế nhưng, họ lại không để ý đến một người đàn ông bán thuốc lá gần chốt an ninh của khu khí đốt In Amenas. Người này đã theo dõi cách thức hoạt động của an ninh ở đây để đề ra phương thức tấn công.

Một tiết lộ đáng chú ý khác đó là, hồi tháng 4 năm 2012, các lực lượng Hồi Giáo cực đoan đã bắt được một quan chức ngoại giao Algeri từng làm việc 2 năm trong khu khí đốt In Amenas. Người này bị tra tấn và đã tiết lộ thông tin về nội tình bên trong khu vực để cho bọn khủng bố lên kế hoạch tấn công.

Mùa xuân Ả Rập đã đến Brazil ?

Hai tuần qua, Brazil nóng lên bởi các vụ biểu tình phản đối nhà cầm quyền. Báo chí Pháp hôm nay tiếp tục đặt nhiều chú ý cho sự kiện này.

Nhật báo Le Monde đăng bài : «Cơn phẫn nộ của xã hội đang gây sức ép lên nữ tổng thống Dilma Rousseff», nhật báo cánh tả Pháp Libération thì có bài : « Cánh hữu cứng rắn Brazil đang tìm cách phỏng tay trên », nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa : «Dilma Rousseff lúng túng trước làn sóng đối kháng ».

Ba tờ báo đồng nhắc lại vụ xuống đường khắp Brazil hôm tối thứ Năm rồi với hơn 1 triệu người tham gia. Cảnh sát đã phải bắn đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông. Trong hàng ngũ người biểu tình đã có thương vong. Tổng thống Rousseff đã phải hủy các chuyến công du nước ngoài trong đó có chuyến thăm chính thức đến Nhật Bản, và đã triệu tập khẩn cấp cuộc họp tìm giải pháp.

Nguồn gốc của làn sóng biểu tình này là việc người dân phản đối quyết định tăng giá vé giao thông công cộng của nhà cầm quyền. Dù rằng mức tăng chẳng đáng bao nhiêu, nhưng đã vô tình làm vỡ òa nỗi phẫn uất của người dân, nhất là tầng lớp trung lưu thành thị.

Họ nhân cơ hội này cùng nhau xuống đường phản đối các hồ sơ khác như : tham nhũng, đời sống bấp bênh, nạn cửa quyền và việc chính phủ chi tiêu quá nhiều cho việc đăng cai Cúp Bóng đá Thế giới 2014 trong bối cảnh kinh tế đất nước đang gặp khó khăn.

Các tờ báo cho biết, cái khó của nhà cầm quyền là làn sóng xuống đường ngày càng mạnh, và có tính « tự phát », tức mạnh ai nấy xuống đường bất chấp đảng phái chính trị, và đến hiện tại cũng chưa có cá nhân hay tổ chức nào được xem là thủ lĩnh của làn sóng này.

Người biểu tình hẹn nhau trên mạng và xuống đường biểu lộ sự bất bình. Le Figaro còn nói rõ, tầng lớp trung lưu thành thị tỏ ra chán nản sau 10 năm điều hành đất nước của Đảng Lao Động của tổng thống Rousseff.

Ai Cập : Mùa xuân Ả Rập chưa kết thúc

Mùa xuân Ả Rập tại Ai Cập dường như chưa kết thúc khi mà bất ổn chính trị thời hậu Mubarak vẫn ngày một trầm trọng. Nhật báo cánh tả Libération nhìn về đất nước này với bài viết : «Xuống đường ủng hộ tổng thống Morsi tại Cairo ».

Số là gần đây, Ai Cập lại rơi vào cảnh người dân xuống đường biểu tình phản đối tổng thống, trước kia là tổng thống Mubarak, còn hiện tại là tổng thống Morsi. Một trong những trọng tâm của người biểu tình là lên án việc ông Morsi muốn « Hồi Giáo hóa » đất nước. Người phản đối Morsi còn hẹn nhau xuống đường vào ngày 30 tháng Sáu này.

Thế là hôm qua, hàng chục ngàn người ủng hộ Morsi đã xuống đường tại Cairo. Libération cho biết, người biểu tình đa phần đến từ các tỉnh lẻ, họ hô hào ủng hộ Morsi và thậm chí kêu gọi áp đặt luật Hồi Giáo Charia. Điều đáng chú ý là cuộc biểu tình này được tổ chức bởi tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, nơi xuất thân của tổng thống Morsi.

Libération nhận định, một năm sau khi ông Morsi được bầu làm tổng thống, Ai Cập lâm cảnh chia rẻ sâu sắc, kinh tế èo ọt, quá trình chuyển tiếp dân chủ trì trệ, chính phủ Morsi tỏ ra bạo lực không thua gì chính phủ Mubarak. Tờ báo chua chát : Trước đây, ông Morsi tuyên bố sẽ là « Tổng thống của tất cả người Ai Cập », thế mà ông ngày càng tỏ ra là một vị tổng thống của riêng những người Hồi Giáo cực đoan.

Pháp : Tuổi trẻ « khủng hoảng niềm tin »

Liên quan đến nước Pháp, nhật báo Le Monde đăng hồ sơ phản ánh tâm lý thất vọng của người Pháp, trong đó đặc biệt chú ý đến lớp trẻ.

Theo một nghiên cứu được thực hiện trên 30 000 người tuổi từ 16 đến 29 ở 29 quốc gia, thanh niên Pháp tỏ ra bi quan nhất về tương lai trong số các nước Châu Âu, ngang bằng với tuổi trẻ Hy Lạp ở mức trên 80%. Một trong những nguyên nhân chính, theo Le Monde, đó là do tuổi trẻ Pháp hiện bị « khủng hoảng niềm tin một cách sâu sắc » đối với chính quyền.

Một cuộc thăm dò khác được thực hiện ở 51 nước cho thấy, chỉ có 17% thanh niên Pháp tỏ ra tin tưởng vào các dân biểu của mình. Nhìn rộng ra toàn thể người Pháp, cuộc thăm dò này cũng cho hay, người Pháp chiếm hàng đầu trong việc tỏ ra bi quan về tương lai đất nước, không hài lòng về các dân biểu do mình bầu ra, bi quan về tình hình kinh tế của đất nước.

Để minh chứng thêm cho nguyên nhân bi quan của người Pháp, Le Monde đăng bài dự báo của Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế Quốc gia Pháp-INSEE, theo đó, thất nghiệp tại Pháp sẽ tiếp tục tăng trong năm 2013. Cụ thể là ở mức 10,7% dân số lao động vào cuối năm 2013 trong khi con số này hồi cuối năm 2012 là 10,1%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.