Vào nội dung chính
HOA KỲ - PHILIPPINES

Mỹ-Philippines tập trận gần bãi đá Scarborough

Chiến dịch tập trận chung và huấn luyện CARAT Mỹ-Philippines được khai diễn cạnh một điểm nóng trên biển Philippines hiện đang bị Trung Quốc tranh giành. Ba chiến hạm Mỹ, soái hạm cùng nhiều tầu tuần duyên Philippines và 1000 binh sĩ hai nước tham gia 6 ngày thao dượt chống khủng bố và an ninh hàng hải.

Tàu ngầm Mỹ USS Olympia tại căn cứ Subic Freeport, cách Manila, Philippines 112,6km phía tây. Ảnh chụp ngày 08/10/2012.
Tàu ngầm Mỹ USS Olympia tại căn cứ Subic Freeport, cách Manila, Philippines 112,6km phía tây. Ảnh chụp ngày 08/10/2012. REUTERS/Bullit Marquez/Pool/Files
Quảng cáo

Theo AFP, cuộc tập trận hàng năm giữa hai đồng minh Hoa Kỳ và Philippines năm nay được tổ chức gần khu bãi đá Scarborough nơi mà Trung Quốc sử dụng lực lượng hải giám truy đuổi ngư dân Philippines và chiếm cứ luôn từ hơn một năm nay.

Một phát ngôn viên của Manila cho biết chiến dịch CARAT khai diễn vào hôm nay 27/06/2013 có mục đích tăng cường hợp tác giữa hai quân lực và phát triển tối đa khả năng chống khủng bố, bảo vệ an ninh trên biển.

Hải quân Mỹ đưa ba tàu chiến, trong đó có phi tiễn hạm USS Fitzgerald, trang bị tên lửa đối hải và đối không, vào vùng biển ở giữa Scarborough và đảo Luzon. Tuy nhiên, theo trung tá Gregoriy Fabic, phát ngôn viên hải quân Philippines, cuộc tập trận tập trung vào khả năng hành quân trên biển, chứ không nhằm mục đích chống Trung Quốc.

Cụ thể là binh sĩ Mỹ-Philippines thực tập ngăn chận hải thuyền của đối phương, tịch thu trang thiết bị đe dọa lực lượng đồng minh trên hải trình thuộc lãnh hải Philippines.

Hôm thứ Ba 25/06/2013, sứ quán Trung Quốc tại Manila ra thông cáo cảnh báo Hoa Kỳ và Philippines tránh hành động « gây thêm căng thẳng trong khu vực ».

Scarborough nằm cách Philippines 230 km và cách Hoa lục 1200 km.

Từ một tháng nay, hải quân Philippines theo dõi các hải thuyền Trung Quốc thường xuyên « đánh vòng» đảo đá ngầm Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) do Philippines kiểm soát.

Bắc Kinh tự cho có chủ quyền trên toàn biển Đông Nam Á kể cả vùng duyên hải sát cạnh các nước láng giềng nhỏ yếu hơn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.