Vào nội dung chính
TIN HỌC - TRUNG QUỐC

Trung Quốc chiếm thế thượng phong trên thị trường máy vi tính

Báo chí Pháp hôm nay đặc biệt quan tâm đến nhà sản xuất máy vi tính Trung Quốc Lenovo, trong đó có hai bài viết trên các báo Les Echos với dòng tựa : « Lenovo khẳng định sự thống trị trên thị trường máy tính » và trên báo Le Figaro với bài viết : « Lenovo truất phế HP để giành vị trí số một thế giới trên thị trường máy tính ».

Reuters
Quảng cáo

Cả hai tờ báo đều nhận định lần này Lenovo chính thức giữ vai trò quán quân trên thị trường máy vi tính, một kết quả không hề gây tranh cãi. Trong vòng một năm, Lenovo đã tăng thị phần của mình từ 14.9% lên 16,7%. Theo số liệu mới nhất được báo Les Echos trích dẫn, trong quý II năm nay, tập đoàn Trung Quốc chiếm 16,7% thị phần thế giới trong khi đó HP chỉ chiếm 16,3%. Lenovo hài lòng với kết quả đạt được, mặc dù trong cuộc chiến giành ngôi quán quân, có « lúc trầm lúc bổng ».

Báo Les Echos nhận định, Lenovo đạt được vị thế này không có gì là bất ngờ. Tập đoàn Trung Quốc đã nâng cao dần vị trí của mình trên thị trường máy tính từ khi tập đoàn này quyết định mua lại bộ phận sản xuất máy tính của hãng IBM vào năm 2005. Tiếp theo đó, Lenovo liên tục thâu tóm các công ty sản xuất máy tính khác như Mediom của Đức và CCE của Brazil. Hơn nữa, hãng Lenovo còn liên kết với công ty Nhật NEC, cho phép Lenovo thâm nhập thị trường ngoại quốc, chiếm 40% nguồn thu nhập của tập đoàn.

Không chỉ hài lòng giữ vị trí số một trên thị trường nội địa, Lenovo đã tìm đến chinh phục các nước phát triển và đã hoàn toàn thành công. Trong quý vừa qua, số lượng bán ra tăng 19,7% tại Hoa Kỳ và tăng 21,2% trong khu vực châu Âu -Trung Đông và châu Phi. Đây là những thị trường mà HP vốn là nhà cung cấp hàng đầu. Tờ báo còn nhận định trong tình cảnh thị trường tiêu thụ máy vi tính đang sụt giảm, do sự lên ngôi của máy tính bảng, thì doanh thu của tập đoàn Lenovo tăng 15%, tức là 33,9 tỷ đô la vào năm ngoái.

Đối thủ HP cũng không chịu khoanh tay đứng nhìn Lenovo hớt mất thị phần của mình và họ không muốn giữ vị trí thứ hai. Tập đoàn HP hứa hẹn sẽ có những cải thiện kỹ thuật tiên tiến hơn để chinh phục người tiêu dùng và giành lại thị phần của mình. Hiện tại, HP vẫn rất được người tiêu dùng ái mộ, đặc biệt là khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Đây chính là nơi mà Lenovo vẫn còn gặp khó khăn trong việc chiếm lĩnh thị trường.

Ấn Độ chiến đấu chống nạn đói

Vẫn trong dòng thời sự tại châu Á, báo Le Figaro hôm nay quan tâm đến tình hình trẻ em bị suy dinh dưỡng tại Ấn Độ qua bài viết : « Ấn Độ chiến đấu chống nạn đói ». Theo bài báo, New Delhi muốn trợ giá gạo cho 800 triệu người. Ấn Độ hy vọng xóa sổ được nạn suy dinh dưỡng. Mục tiêu này còn lâu mới đạt được, do chính phủ vấp phải một số chướng ngại như nạn tham nhũng của các thành phần trung gian khi thực thi dự án, sự cạnh tranh giữacác đẳng cấp xã hội...

Theo tờ báo, mặc dù 65 triệu gia đình Ấn Độ nghèo có thể mua lương thực được nhà nước trợ giá, nhưng nạn đói vẫn tiếp diễn. 42% trẻ em dưới 5 tuổi vị suy dinh dưỡng. Gần 1,8 triệu trẻ em Ấn Độ dưới 5 tuổi chết hàng năm : cứ 3 trẻ/phút.

Tuy nhiên, nguyên nhân không phải do thiếu lương thực. Theo La Food Corporation of India (FCI), tổ chức dự trữ và phân phối lương thực được trợ giá cho người dân, thì các kho dự trữ đầy ắp hằng năm. Đầu tháng năm, Ấn Độ dự trữ 77 triệu tấn lúa mạch và gạo. Nếu theo cách tính của một nhà kinh tế người Bỉ thì số lượng các bao lương thực có thể nối liền khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng. Ấn Độ còn xuất khẩu một phần nông phẩm. Đối với nhà lãnh đạo Ấn Độ thì nạn đói là điều xấu hổ, đất nước luôn coi trọng sự lớn mạnh quốc gia. Do đó, ngày 03/07, New Delhi đã ban hành một sắc lệnh về an toàn thực phẩm, cho trợ giá 800 triệu người dân Ấn Độ mua lương thực với giá từ 1-3 rupi/kg (0,01 - 0,03 euro). Con số gây chóng mặt : 800 triệu dân Ấn Độ tức gấp 13 lần dân số Pháp. Giá của toàn dự án này lên đến khoảng 20 tỷ euro. Hàng tháng, mỗi hộ gia đình được mua 35 kg lúa mạch, 1 ký muối, đường, 35 ký gạo và 5 lít dầu hỏa để nấu nướng.

Nhưng tại Ấn Độ, hệ thống bán lương thực trợ giá này có vấn đề. Báo Le Figaro miêu tả một phụ nữ Ấn Độ tên là Gita, khi ra khỏi của hàng bán lương thực có trợ giá của nhà nước, chị ta biết rằng với 35 ký gạo, chị không thể đủ nuôi gia đình, bởi vì trong bao gạo, một phần chứa sỏi. Trước khi nấu cơm, chị phải ngồi nhặt sỏi. Hai đứa con chị thì bị suy dinh dưỡng nặng. Chị và chồng là những người nông dân nghèo không ruộng đất. Nếu không hưởng dự án trợ giá từ nhà nước, chị không tài nào có tiền mua gạo ở các chủ tư nhân. Tất cả khách hàng của cửa hàng « fair price shops » ( bán gạo trợ giá ) đều mua phải gạo có trộn sỏi. Lỗi là từ những người trung gian đã pha trộn khi còn trong kho. Nạn tham nhũng đã làm hỏng hệ thống phân phối.

Chưa hết, dầu hỏa cũng bị thị trường chợ đen thao túng. Chủ cửa hàng được nhà nước trợ giá tuồng một số bao gạo hay dầu hỏa để bán ra thị trường chợ đen. Giới chức trách đều biết tệ nạn tham nhũng, nhưng đều nhắm mắt làm ngơ, bởi vì ai cũng nhận được một phần lợi lộc trong phi vụ này. Ít nhất 5-10% dầu hỏa được trợ giá bị thao túng. Khi các quan chức tranh cử, họ cần có tiền cho nên ho lạm dụng quyền lực bán dầu hỏa ra chọ đen để kiếm lợi.

Hơn nữa, chương trình trợ giá của nhà nước còn gây nên xung khắc, giành giật từ các giai tầng xã hội. Các đẳng cấp được xem là cao hơn không chấp nhận được việc các tầng lớp thấp hơn được nhà nước giúp đỡ. Theo một quan chức nhận xét : ''việc phân phối lương thực chỉ làm cho tranh cãi thêm nghiêm trọng. Để đẩy lùi nạn nghèo đói, nên cấp cho họ ruộng đất và công cụ lao động để họ tự sản xuất". Điều đó không có nghĩa là xóa chương trình trợ giá, nhưng nên cấp cho dân tiền mặt, hay chuyển khoản ngân hàng để tránh những người trung gian lạm dụng trục lợi. Thế nhưng, ý tưởng này khó mà thực hiện được, khi mà hầu như đa số người dân Ấn Độ được nhà nước giúp đỡ không có tài khoản ngân hàng.

Các quốc gia Nam Âu : tia sáng cải thiện kinh tế

Trong hồ sơ kinh tế, báo La Croix dành hai trang lớn phân tích tình hình kinh tế của các nước khu vực Nam Âu. Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý hay mới đây là Chypre,… nền kinh tế các quốc gia này bị suy thoái từ vài năm nay. Một số chỉ số bắt đầu mang lại nhiều tín hiệu đáng mừng như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư…Dấu hiệu này cho phép hy vọng ổn định nền kinh tế và có thể là phục hồi kinh tế.

Dân chúng các quốc gia Nam Âu đã phải đóng thuế nặng nề và chịu một chính sách khắc khổ và một tỷ lệ thất nghiệp thuộc loại kỷ lục mà nguyên nhân là khủng hoảng kinh tế.

Hy Lạp thu hút du khách mùa hè này

Báo Le Figaro trong mục kinh tế cũng quan tâm đến Hy Lạp qua bài viết : « Hy Lạp thu hút du khách mùa hè này ». Bất ổn chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập làm du khách chuyển hướng du lịch sang Hy Lạp. Mùa hè này, giới chuyên gia ước tính đón hơn 17 triệu du khách.

Phi trường Athène thông báo đã đón thêm 10% hành khách ngoài dự kiến. Ví dụ một số khách sạn tại Crète hiện nay thông báo đã đầy chỗ cho đến cuối tháng 9, đây là kỷ lục đầu tiên từ nhiều năm nay. Ngoài các lý do địa-chính trị, ngoài ra, giá khách sạn giảm 40% do ít khách từ 4 năm gần đây.

Ngành du lịch chiếm 18% GDP Hy Lạp. Đây chính là một động lực của nền kinh tế. Bài báo còn nhấn mạnh thị trường tiêu thụ xe hơi giảm từ ba năm nay giờ đây lại tăng lại. Nguyên nhân không phải do người dân có nhu cầu sử dụng xe hơi, mà các dịch vụ cho thuê xe ô-tô đua nhau mua xe để phục vụ du khách.

Theo ước tính, xu hướng của du khách đổ sang Hy Lạp sẽ tạo thêm được 50 000 việc làm hơn năm ngoái. Trong khi du khách tận dụng các bãi biển chan hòa nắng ấm thì người dân Hy Lạp hầu như không đi nghỉ hè (7/10 dân số) theo viện nghiên cứu tiêu dùng Inka. Tình hình trên làm quan ngại một số chuyên viên ngành du lịch về nguy cơ xảy ra đình công, biểu tình và đụng độ giữa người dân và cảnh sát trong một không khí xã hội bùng nổ. Thứ ba tuần tới là ngày biểu tình chống việc sa thải hàng loạt viên chức. Do đó, để đề phòng tình trạng xấu nhất, các nhà tổ chức tour du lịch dự định sẽ thay đổi lịch trình, tránh đi qua trung tâm Athènes.

Thành viên mới của Hoàng gia Anh và những sản phẩm hái ra tiền

Sự kiện Hoàng gia Anh chờ đón thành viên mới, đứa bé sắp chào đời của công chúa Kate và hoàng tử William được Le Monde dành trọn một trang báo để nói về « những hoạt động thương mại » đi kèm, với 280 triệu euro doanh thu mà các nhà sản xuất, các cửa hiệu chờ đợi gặt hái được nhân dịp này. Nào là chén, đĩa, muỗng, bình sữa, tã lót, áo gối, với hình ảnh rạng rỡ của cặp vợ chồng hoàng tử William. Nào là giày, vớ, quần áo sơ sinh với màu cờ của Vương quốc Anh. Thí dụ một đôi giày sơ sinh do chính điện Highgrove ấn hành được bán với giá 24 bảng Anh. Highgrove là khu nhà nghỉ mát của Thái tử Charles, thân phụ của hoàng tử William.

Một khách hạn hạng sang tại Luân Đôn có sáng kiến trang trí toàn bộ một căn phòng với màu kem vàng với nhiều logo của Hoàng gia Anh. Giá thuê phòng với hơi hướng « ông hoàng bà chúa » đó là 2 300 bảng Anh một đêm.

Từ các nhà sản xuất đồ ăn, thức uống, đến các sản phẩm lưu niệm, sách vở, đĩa hát … đều đang chuẩn bị tung ra những mặt hàng đặc biệt chào đón bé sắp chào đời. Do chưa biết là trai hai gái, nên có người đưa ra sáng kiến in hẳn khẩu hiệu « Born to rule – sinh ra để trị vì » lên áo T-shirt … Chưa kể là tại các điểm nóng, như gần cung điện của Kate và William, của thái tư Charles, tại Buckingham hay gần nhà bảo sinh, các cửa hàng ăn uống, quán cà phê luôn luôn đông kín người. Điều dễ hiểu khi mà cả làng báo của thế giới đang tập trung về thủ đô Luân Đôn ! Bên cạnh đó, thì các dịch vụ cá độ cũng đang hái ra tiền : người thì đánh cá xem đứa bé sắp sinh là công chúa hay hoàng tử, kẻ thì cá độ về tên của vị vua hay bà hoàng tương lai của nước Anh.

Dù là trai hay gái, đứa con đầu lòng của hoàng tử William và công chúa Kate cũng sẽ đứng hàng thứ 3 trong trong thứ tự nối ngôi nữ hoàng Elisabeth đệ nhị, chỉ sau thái tử Charles và hoàng tử William. Do vậy, theo một công trình nghiên cứu, giới kinh doanh đang khai thác tối đa sự kiện này với hy vọng thu về 243 triệu bảng Anh.

Brazil : Khao khát một nền dân chủ mới

Phong trào phản kháng xã hội tại Brazil là chủ đề được nhiều báo Pháp quan tâm. Nhật báo kinh tế Les Echos có chùm bài về thực tế này. Bài « Brazil rung chuyển với một cuộc tổng bãi công ». Bài báo cho biết, ngày hôm qua (11/07/2013), các nghiệp đoàn Brazil đã kêu gọi « tổng đấu tranh toàn quốc », tiếp theo các cuộc biểu tình khổng lồ hơn 1 triệu người tham gia trước đó. Các yêu sách của phong trào – với lời kêu gọi của 5 công đoàn lớn - được đánh giá là cụ thể hơn nhiều, so với các cuộc biểu tình trước đó. Đó là giảm số giờ làm việc một tuần, từ 44 giờ hiện nay xuống 40 giờ, không kéo dài thời gian góp tiền bảo hiểm hưu trí… Tuy nhiên, theo quan sát của Les Echos, cuộc biểu tình hôm qua không được sự hưởng ứng của ngành giao thông vận tải ở các thành phố lớn, phần lớn các ngân hàng vẫn hoạt động… Tờ báo kinh tế dẫn nhận xét của Giám đốc ngân hàng quốc gia phát triển kinh tế xã hội Luciano Coutinho, theo đó các yêu sách của phong trào nghiệp đoàn và phong trào phản kháng trước đó đã không hội tụ được với nhau, « các đòi hỏi của nghiệp đoàn (…) thì nhằm để bảo vệ các lợi ích của ngành nghề nhiều hơn, trong khi đó đòi hỏi của sinh viên thì quá rộng và chủ yếu mang tính cảm xúc, do tình cảm phẫn nộ dẫn dắt ».

Bài « Tại Brazil, mô hình kinh tế gây lo ngại, trên nền căng thẳng xã hội » trên Le Monde đưa ra một số lý giải về các khả năng hành động của chính phủ Brazil, đối mặt với các phong trào phản kháng. Tờ báo chú ý đến các nhận định của cựu Bộ trưởng phát triển, công nghiệp và ngoại thương Serio Amaral, theo đó, sau giai đoạn lạc quan thái quá thời tổng thống Lula (được mệnh danh là « người bỏ bùa mê hoặc »), hiện tại mọi người Brazil đều biết rằng, nước này không thể phát triển được, nếu không có cải cách. Tuy nhiên, chính phủ của bà Rousseff đứng trước tình thế « tiến thoái lưỡng nan ». Làm thế nào để chi phí nhiều hơn cho các dịch vụ công, trước hết là ngành giao thông vận tải, trong khi sự đoàn kết của liên minh cầm quyền bị đe dọa, trước viễn cảnh cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2014 sắp tới, và uy tín của tổng thống sụt giảm nghiêm trọng ? Về mặt thương mại quốc tế, Brazil đứng trước nhiều đe dọa, cụ thể là việc bán tài nguyên để đổi hàng Trung Quốc, bên cạnh đó, nếu như Hoa Kỳ và Liên Âu ký được hiệp định mậu dịch tự do, thì ngành nông nghiệp của Brazil sẽ bị ảnh hưởng nặng… Brazil cũng chưa đạt được các liên minh thuế quan hiệu quả với các nước trong khu vực Mỹ Latinh.

Về chủ đề Brazil, chùm hồ sơ trên tờ La Croix mang lại một cái nhìn rất đáng chú ý. So sánh phong trào phản kháng xã hội tại Brazil với những gì diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ cùng một thời gian, La Croix nhận xét : phong trào tại hai nước này khác với các cuộc cách mạng Ai Cập hay Tunizia. Chúng có vẻ gần gũi hơn với phong trào « những người phẫn nộ » bùng lên tại Châu Âu, cách nay 2 năm. Một bộ phận đông đảo người tham gia biểu tình xuất phát từ chỗ họ không tìm thấy cho mình một đảng phái chính trị và nghiệp đoàn nào làm đại diện. Trong các cuộc biểu tình này, cờ của các đảng chính trị và các nghiệp đoàn không được phép có mặt. Khác với phong trào Mùa xuân Ả Rập, với mục tiêu chung nhằm lật đổ một chế độ bạo quyền, các yêu sách đa dạng của những người biểu tình tại Brazil lại khó xác định hơn. Theo La Croix, qua các nhận định của nhà nghiên cứu Amanda Dias, trường EHESS (Paris), trong bài « Tại Brazil, khao khát một nền dân chủ mới », thì sự bùng phát của các cuộc biểu tình phản kháng cho thấy thất bại của hệ thống chính trị mang tính đại diện ở Brazil. Nó thể hiện cho tình cảm của hàng triệu công dân, cảm thấy các quyền cơ bản của họ bị các cấp chính quyền xâm phạm hàng ngày. Những người biểu tình Brazil có những phương cách hành động đặc biệt, như cắm trại trước nhà các thị trưởng, trước dinh thống đốc để đưa ra yêu sách… Với các hành động phản kháng này, dân chúng Brazil muốn nắm lấy vận mệnh trong tay mình, gây áp lực lên chính phủ để buộc họ phải chuyển từ một « nền dân chủ đại diện, đã trở nên tàn tạ » sang một « nền dân chủ tham gia ».

Cũng trong hồ sơ này, La Croix nhắc đến mô hình Trung Quốc, khi chính quyền là bậc thầy trong việc áp dụng một cách rất khôn khéo « chính sách cây gậy và củ cà rốt » để hóa giải các phong trào phản kháng, thiếp lập một « trật tự xã hội », trong bối cảnh đa số người Trung Quốc nghi ngờ hệ thống bầu cử và tin rằng « sự ổn định » là « một trong các chìa khóa để phát triển » (ý kiến của ông Jean-Louis Rocca, giám đốc nghiên cứu Viện chính trị Paris – Sciences-Po).

Kỳ thi tú tài 2013 tại Pháp : con số thi đậu cao kỷ lục

Với tỷ lệ đậu tú tài đạt kỷ lục 86,8% tại Pháp, báo Le Figaro đặc biệt quan tâm đến kết quả trên và đặt câu hỏi : phải chăng, cuộc thi quá dễ ? Câu trả lời là không đơn giản như ta tưởng, bởi vì chỉ có 36% của một khóa học sinh đậu được bằng tú tài phổ thông, được xem là bằng cao quý nhất trong các loại bằng tốt nghiệp.

Để đạt con số cao như vậy phải kể thêm các loại bằng tú tài khác như bằng kỹ thuật hay chuyên nghiệp, được phát minh ra vào năm 1968 và 1985 để cho hầu hết người dân có bằng tú tài. Tờ báo đặt câu hỏi : liệu bằng tú tài phổ thông có dễ hơn hay không so với trước ? Các cuộc nghiên cứu so sánh đã chứng tỏ từ cấp tiểu học, trình độ đã giảm mạnh sau khi kiểm tra trình độ viết cùng một bài chính tả so với cách đây 20 năm. Hiện nay, nếu ai không đậu được bằng tú tài sẽ không có cơ may trở thành giáo viên hay cán bộ. Một thanh niên không có bằng tú tài có nguy cơ thất nghiệp cao hoặc phải làm những việc lao động chân tay.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.