Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Philippines: Bầu cử lập pháp, một trắc nghiệm về uy tín của tổng thống Aquino

Hôm nay, 13/05/2013, hơn 52 triệu cử tri Philippines được kêu gọi đi bỏ phiếu để bầu ra các dân biểu Quốc hội, Thượng nghị sĩ và các đại diện cấp địa phương. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này được đánh giá như một cuộc trưng cầu dân ý về uy tín của tổng thống Benigno Aquino, về kế hoạch cải cách của ông, tại một trong những nước nghèo nhất, tham nhũng nhất ở châu Á.

Tổng thống bỏ phiếu bầu Quốc hội, tại Tarlac, miền bắc Philippines, ngày 13/05/2013
Tổng thống bỏ phiếu bầu Quốc hội, tại Tarlac, miền bắc Philippines, ngày 13/05/2013 Reuters
Quảng cáo

Phát ngôn viên của phủ tổng thống nói với AFP: Tổng thống Aquino kêu gọi người dân hãy tin tưởng, lựa chọn những người sẽ giúp ông thực hiện chương trình cải cách.

Ông Aquino lên cầm quyền năm 2010 với lời hứa đấu tranh chống tham nhũng, một vấn nạn tại quốc gia có hơn 100 triệu dân. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, ông vẫn là một trong những tổng thống được lòng dân nhất, trong bối cảnh Philippines có tỷ lệ tăng trưởng rất cao tại Đông Nam Á, 6,6% trong năm 2012, và được giới đầu tư ngoại quốc tin tưởng. Lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế của Philippines, hai cơ quan thẩm định tài chính quốc tế, Fitch và Standard & Poor’s, đã nâng điểm về khả năng thanh toán nợ công, xếp Philippines vào trong loại « đầu tư » ( bao gồm các nước có điểm từ AAA đến BBB -). Thế nhưng, đa số người dân Philippines vẫn sống trong cảnh nghèo khó và tầng lớp trung lưu phát triển một cách chậm chạp so với các nước láng giềng.

Theo giới chuyên gia kinh tế, mặc dù chính phủ Aquino thúc đẩy một sự tăng trưởng dựa trên nội lực, nhưng việc thay đổi cơ cấu kinh tế không đạt được nhiều kết quả và Philippines là một trong những nước có hố ngăn cách giầu nghèo nghiêm trọng nhất ở châu Á.

Một cải cách lớn khác mà tổng thống Philippines dự tính thực hiện, đó là việc ký kết hiệp định hòa bình với các nhóm nổi dậy Hồi giáo, nhằm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu, kéo dài từ năm 1978 đến nay, làm hơn 150 000 người thiệt mạng, kìm hãm kinh tế, gây mất ổn định.

Ngay trong ngày hôm nay, hai người đã bị bắn chết trong các vụ bạo động ở phía nam. Trong thời gian tranh cử, hơn 60 người đã thiệt mạng.

Thế nhưng, có nhiều ứng cử viên trong đợt bầu cử này lại có liên hệ, dính líu đến tham nhũng và bạo động. Những kẻ có thế lực vẫn dễ dàng đứng trên pháp luật, không bao giờ bị trừng trị.

Trong số này có bà Imela Marcos, 83 tuổi, góa phụ của nhà độc tài Marcos. Bà ra ứng cử nhiệm kỳ thứ hai tại Quốc hội, ở một tỉnh phía bắc, cứ địa của gia đình Marcos. Hay cựu tổng thống Joseph Estrada ra ứng cử vào chức thị trưởng thủ đô Manila. Bị loại khỏi chính trường năm 2001 trước làn sóng nổi dậy phản đối của người dân, ông Estrada còn bị tư pháp kết án vì phạm tội biển thủ công quỹ trong thời gian cầm quyền.

Một trong những đặc điểm của chinh trường Philippines là đất nước này đặt dưới sự lãnh đạo của một số gia đình giàu, có thế lực. Khoảng 70% nghị sĩ hiện nay là thuộc về một gia đình nào đó và theo các cuộc thăm dò, thì những ứng viên này sẽ tiếp tục chiếm đa số tại nghị viện. Ngay gia đình Aquino cũng có hai người ra ứng cử Thượng nghị sĩ.

Luật pháp Philippines quy định mỗi tổng thống chỉ được làm một nhiệm kỳ 6 năm. Cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ ngày hôm nay sẽ bầu ra 1800 nghị sĩ ở hai viện và các dân biểu địa phương, mang tính chất quyết định đối với việc thực hiện kế hoạch cải cách của ông Aquino. Trong ba năm còn lại của nhiệm kỳ, tổng thống Philippines cần có đa số tại hai viện để thông qua các dự luật cải cách, bởi vì trong ba năm qua, chính phủ của ông chỉ có được đa số tại Hạ viện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.