Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Bạc Hy Lai sắp bị đưa vào quên lãng

Bị hạ bệ khi đang chói sáng, Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai sẽ ra tòa với tội danh tham nhũng và lạm quyền. Tân Hoa Xã trong bản tin hôm nay 25/07/2013 cho biết, bản cáo trạng đã được chuyển đến tòa án Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Rõ ràng là Tập Cận Bình muốn lật qua trang sử tranh chấp nội bộ một cách "êm thấm" nhất.

Ông Bạc Hy Lai với giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân, trước khi bị xét xử  - REUTERS /Stringer
Ông Bạc Hy Lai với giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân, trước khi bị xét xử - REUTERS /Stringer
Quảng cáo

Từ một năm nay, không ai rõ số phận của cựu lãnh đạo tỉnh Trùng Khánh, con trai của công thần Bạc Nhất Ba ra sao. Bạc Hy Lai, nguyên là ủy viên bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, bị giam cầm bí mật, đã chính thức bị truy tố với hai tội danh là tham ô và lạm quyền.

Bạc Hy Lai bị cách chức hồi tháng 3 năm 2012 và bị điều tra về tội tham ô sau khi bà vợ của ông là Cốc Khai Lai bị tố cáo, và sau đó bị kết án tử hình treo vì tội sát nhân, đầu độc doanh nhân Anh Neil Heywood.

Theo Tân Hoa Xã, bản cáo trạng đã được chuyển đến một tòa án ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, đông bắc Trung Quốc. Bạc Hy Lai bị buộc tội « lợi dụng chức vụ để mưu đồ lợi nhuận cho gia đình và bản thân đã nhận những món tiền khổng lồ và bất động sản ».

Theo luật Trung Quốc thì khoảng 10 ngày sau khi các tội danh được loan báo thì phiên tòa sẽ khai mạc. Hãng tin AFP dựa vào một nguồn tin tư pháp Trung Quốc cho biết phiên tòa xử Bạc Hy Lai sẽ diễn ra vào giữa hoặc cuối tháng 8/2013.

Vụ hạ bệ tỉnh ủy Trùng Khánh, một trong 25 ủy viên của bộ chính trị đầy thế lực xảy ra trong giai đoạn Tập Cận Bình lên kế vị Hồ Cẩm Đào hồi tháng 11 năm 2012. Giấc mơ vào ban thường vụ ở trung ương tan vỡ, chiếc ghế lãnh đạo địa phương bị sụp đổ, vợ lãnh án tù chung thân nhưng Bạc Hy Lai không thiếu những người trong đảng Cộng sản ủng hộ. Do vậy, theo AFP, vụ xử được phe thắng thế chuẩn bị một cách thận trọng với những cuộc mặc cả trong bóng tối.

Bạc Hy Lai sẽ ra tòa ở Sơn Đông, một nơi xa xôi so với lãnh địa Trùng Khánh của ông, nơi có rất nhiều quan chức Trung Quốc từng chịu ơn của thân phụ Bạc Nhất Ba.

Cách dàn dựng phòng ngừa phiên xử gây tiếng vang cho thấy sự bối rối của chính quyền Tập Cận Bình muốn nhanh chóng lật qua trang sử tranh chấp quyền lực cấp trung ương.

Theo nhận định của chuyên gia Úc David Goodman, có lẽ “tiến trình mặc cả” đã được giải quyết. Ông Bạc Hy Lai sẽ được các đồng chí cũ trình diễn một màn tư pháp được soạn sẵn. 

Thật ra Bạc Hy Lai không phải là một đảng viên lý tưởng gì. Tự xưng là thành phần "tả khuynh", chủ trương phục hồi "truyền thống cách mạng", Bạc Hy Lai đã biến Trùng Khánh thành một thí điểm quay lại thời "Cách mạng văn hóa" của Mao.

Chiến dịch bài trừ "xã hội đen" của ông với cánh tay mặt là giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân gây được một số tiếng vang tốt trong bối cảnh người dân Trung Quốc bất mãn thành phần quan chức lạm dụng chức quyền làm giàu cá nhân.

Một trong những nạn nhân của chiến dịch bài trừ xã hội đen này là giám đốc công an Trùng Khánh Văn Cường, người tiền nhiệm của Vương Lập Quân. Theo các blogger Trung Quốc, thì trước khi bị hành quyết, ông Văn Cường để lại di chúc nhắn nhủ con cháu đừng gia nhập đảng Cộng Sản vì tất cả đều là kẻ tham ô.

Bản thân Vương Lập Quân, sau một thời gian hăng say phục vụ Bạc Hy Lai, đến tháng 2/2012, đã mang nhiều tài liệu tố cáo các sự vụ tham ô, bê bối tại Trùng Khánh, vào tòa lãnh sự Mỹ ở Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên xin tỵ nạn.

Vương Lập Quân bị giải về Bắc Kinh, lãnh án 15 năm tù với tội danh phản quốc. Bạc Hy Lai bị bắt một tháng sau đó. Trên báo chí nhà nước, cựu ủy viên bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc được mô tả là một kẻ "hoang dâm, tham nhũng, sát nhân".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.