Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Cam bốt : bầu cử Quốc hội, Đảng đối lập trỗi dậy mạnh mẽ

Cuộc bầu cử Quốc Hội tại CamBốt được báo chí Pháp hôm nay khá quan tâm. Báo Le Monde có bài viết mang tựa : « Tại Cam Bốt, Thủ tướng Hun Sen tái đắc cử mặc dù phe đối lập lớn mạnh ». Báo La Croix thì đăng bài : « Phe đối lập Cam Bốt lên án kết quả bầu cử ».

Dân Cam Bốt đang theo dõi kết quả bầu cử ngày 28/07/2013 tại một ngôi chùa ở Phnom Penh.
Dân Cam Bốt đang theo dõi kết quả bầu cử ngày 28/07/2013 tại một ngôi chùa ở Phnom Penh. REUTERS/Damir Sagolj
Quảng cáo

Theo báo Le Monde, đảng Nhân dân Cam bốt đang cầm quyền đã chiến thắng vào kỳ bầu cử Quốc hội ngày 28/07/2013 nhưng bị mất 22 ghế so với năm 2008. Kết quả cho thấy phe đối lập đang trỗi dậy mạnh mẽ và dành chiến thắng quan trọng. Từ nay, đảng Cứu nguy Dân tộc Cam bốt đối lập của ông Sam Rainsy trở thành sức mạnh chính trị mà chính phủ cần phải tính đến.

Ông Sam Rainsy, được về nước sau khi bị lưu đày 4 năm tại Pháp, nhận định : « Người dân lũ lượt đi bầu để thể hiện thiện chí và nền dân chủ đang tiến bước ».

Tuy nhiên, báo Le Monde cho biết đảng Cứu nguy Dân tộc Cam bốt (CNRP) không thừa nhận kết quả bầu cử do có gian lận. Các đại diện của Đảng tố cáo một số cử tri khi đến nơi bầu cử thì phát hiện ra đã có người bầu thay cho họ. Đảng đối lập còn kêu gọi thành lập một hội đồng giám sát do Liên Hiệp Quốc chủ trì để điều tra về việc cáo buộc có gian lận trong bầu cử.

Về phía Đảng cầm quyền, Thủ tướng Hun Sen, 61 tuổi đã lập kỷ lục là lãnh đạo chính trị cầm quyền lâu nhất châu Á, trong gần ba thập niên. Theo Le Monde, ông Hun Sen đã nêu ra hai lập luận chính để chứng tỏ thành quả cầm quyền khá tích cực. Thứ nhất, là người cựu chiến binh Khmer Đỏ đã đào ngũ qua phía « kẻ thù Việt Nam » trước lúc chế độ Pol Pot sụp đổ, đã đưa đất nước trở lại bình thường và ổn định sau khi đất nuớc xứ Chùa tháp được quân đội Hà Nội giải phóng vào năm 1979.

Thứ hai, ông tự nhận là người mang lại phồn thịnh và đã cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng cho đất nước. Ngày nay, đường xá, phương tiện đi lại và khu vực đô thị nhiều hơn trước. Công nghiệp phát triển hơn, tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích cho một bộ phận dân chúng.

Nhân vật đối lập, ông Sam Rainsy, 64 tuổi, với hộ chiếu Pháp, là một biểu tượng của mong muốn quét sạch hệ thống chính trị luôn bị cáo buộc là gia đình trị và tham nhũng. Hai trong ba con trai của tướng Hun Sen vừa mới được phong các chức vụ quan trọng trong quân đội.

Các nhà bảo vệ nhân quyền còn tố cáo chính quyền đã cấp giấy phép của các dự án công nghiệp cho những người thân cận. Bài báo nhận định nhiều thanh niên Cam Bốt còn quá trẻ để nhớ về thời kỳ Khmer đỏ, và họ có cảm giác đang sống dưới một chế độ độc đảng với khuynh hướng độc tài mặc dù được bao bọc bằng lớp sơn dân chủ.

Về phía nhân vật đối lập, ông Sam Rainsy, trong một cuộc vận động tranh cử ngắn ngủi, ông đã hứa hẹn khá nhiều như tăng lương cho công chức nhà nước, cho những người ngoài 65 tuổi quyền về hưu, tăng mức lương tối thiểu, đảm bảo giá cả cho các mặt hàng thức ăn, hạ giá xăng, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người nghèo…

Tờ báo kết luận để thay đổi phần nào thế cuộc chính trị tại Cam Bốt thì phía đối lập của ông Sam Rainsy sẽ phải dành thắng lợi lớn hơn trong những lần bầu cử sắp tới để giảm tầm ảnh hưởng của đảng cầm quyền hiện nay tại Quốc hội.

Thỏa thuận Bruxelles-Bắc Kinh về pin mặt trời : giới công nghiệp châu Âu thất vọng

Báo Le Monde hôm nay quan tâm đến thỏa thuận giữa Bruxelles và Bắc Kinh về sản phẩm pin mặt trời. Trung Quốc bị cáo buộc là đã phá giá pin mặt trời vì đã trợ giá cho các công ty của mình. Sau một thời gian tranh cãi, ngày 27/07 vừa qua, Ủy viên phụ trách thương mại Liên minh châu Âu Karel De Gucht cho biết đã thành công trong việc đưa ra một thỏa thuận với các nhà xuất khẩu pin mặt trời Trung Quốc, sẽ mang lại cân bằng trên thị trường với giá cả ổn định.

Phòng thương mại Trung Quốc chuyên xuất nhập khẩu máy móc và hàng điện tử gọi đây là những cuộc thương lượng « gay go và tỉ mỉ » nhưng suy cho cùng thì thỏa thuận này cho thấy « thiện chí của phần đông các công ty » Trung Quốc muốn có thể tiếp tục xuất khẩu pin mặt trời sang châu Âu và duy trì được thị phần khá béo bở của mình.

Thế nhưng, các nhà sản xuất công nghiệp châu Âu đã yêu cầu Ủy ban châu Âu điều tra về chống phá giá, đã không mấy hào hứng trước thỏa thuận vừa rồi bởi họ cảm thấy lợi ích của mình không được bảo vệ mấy. Vào đầu tháng Sáu, việc áp đặt thuế quan lên pin mặt trời đã gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ châu Âu. Chính phủ của thủ tướng Đức Angela Merkel phản đối ra mặt. Từ đó, Trung Quốc dọa trả đũa trong nhưng lĩnh vực khác. Bắt đầu từ việc Trung Quốc tiến hành điều tra việc trợ giá của chính phủ Pháp cho ngành rượu vang, gây lo ngại cho phía Pháp.

Bài báo nhận định trong bối cảnh chia rẽ nội bộ, mức thuế mà ông Karel De Gucht ủng hộ ít có cơ may tồn tại hơn 6 tháng và sự thỏa thuận này dường như là giải pháp duy nhất. Ông Milan Nitzschke, phát ngôn viên của nhà sản xuất pin mặt trời Đức thì khẳng định đã trình lên tòa án châu Âu để xem xét lại thỏa thuận trên.

Sữa Candia của Pháp trên đường chinh phục thị trường Trung Quốc

Trong hồ sơ kinh tế, báo Les Echos và báo Le Figaro đồng loạt quan tâm đến nhà sản xuất sữa Pháp Candia và cho biết Candia muốn mở khoảng một trăm cửa hàng tại Trung Quốc. Báo Les Echos chạy tựa : « Sữa : Candia trên đường chinh phục thị trường Trung Quốc ».

Theo báo Les Echos, công ty Candia vừa thông báo đã mở một cửa hiệu đầu tiên vào ngày 23/07/2013 tại Ôn Châu, phía Nam Thượng Hải. Từ nay đến cuối năm, công ty sẽ mở thêm 10 tiệm khác tại các thành phố lớn trong vùng. Theo phát biểu của tổng giám đốc Candia thì trong hai hay ba năm tới, công ty sẽ mở lên đến cả trăm cửa hàng và tập trung chủ yếu tại vùng duyên hải phía Đông.

Tất cả sản phẩm được sản xuất tại Pháp và được cung ứng bởi 12 500 nhà sản xuất tôn trọng các quy tắc nghiêm ngặt về chất lượng. Tiêu chí này sẽ được các cửa hàng Trung Quốc nhấn mạnh khi mà tai tiếng về sữa nhiễm chất melanine vẫn chưa dứt.

Trước mắt thì các mặt hàng bán ra tại Trung Quốc giống y như tại Pháp nhưng theo nhu cầu tiêu dùng, công ty Candia cũng có thể sáng tạo thêm nhiều mặt hàng đặc biệt.

Báo Le Figaro thì mô tả các cửa hiệu được trang trí theo phong cách Pháp với ảnh của các em bé và các bình sữa trong tủ kính. Đặc biệt, tờ báo còn nhận định Candia không phải là nhà sản xuất sữa đầu tiên của phương Tây muốn tận dụng thị trường Trung Quốc. Ngoài ra còn có các hãng khác như Danone, Nestlé, Abbott hay Mead Johnson. Thế nhưng, sự cạnh tranh của các nhà sản xuất sữa phương Tây không phải lúc nào cũng được quốc gia này nhìn với cặp mắt thiện cảm. Trung Quốc buộc tội các nhà sản xuất sữa phương Tây lợi dụng sự mất lòng tin của các bà mẹ Trung Quốc đối với các nhãn hiệu nội địa để tăng giá sữa. Do đó, sau cuộc điều tra về giá sữa vừa qua, một số nhãn hiệu sữa Tây đã quyết định giảm giá.

Pháp : Vụ cướp nữ trang kỷ lục trong lịch sử

Liên quan đến thời sự tại Pháp, các báo chí Pháp đều quan tâm đến vụ cướp nữ trang lớn nhất trong lịch sử Pháp xảy ra vào chủ nhật 28/07/2013. Báo Le Monde đăng bài : « Vụ cướp kỷ lục tại khách sạn Carlton-Cannes ». Báo Le Figaro có bài viết : « Cannes : vụ trộm kinh khủng tại Carlton ».

Theo báo Le Figaro, trị giá của số trang sức bị đánh cắp lên đến 103 triệu euro theo đánh giá mới nhất vào ngày hôm qua. Cả hai tờ báo đều nhận định đây là vụ cướp lớn nhất trong lịch sử nước Pháp, diễn ra giữa ban ngày ban mặt, tại một cuộc triển lãm tại khách sạn Carlton ở Cannes.

Theo báo Le Monde thì tên cướp bịt mặt, đội mũ và mang theo một khẩu súng vào khu triển lãm và mọi việc diễn ra hết sức nhanh chóng. Không hề xảy ra hành động bạo lực nào.

Báo Le Figaro cho biết là các nhà điều tra đang cố gắng xác định xem tên cướp có tòng phạm hay không bởi vì « tên cướp nắm rõ các nơi đi lại và tốc độ xảy ra vụ cướp hết sức nhanh chóng, cho nên có khả năng là có nhân viên bảo vệ hay nhân viên tổ chức triển lãm tòng phạm với tên cướp », theo nhận định của công tố viên Philippe Vique ở văn phòng công tố Grasse. Ngoài ra, hệ thống báo động cũng không hề rú lên khi xảy ra vụ đánh cắp.

Pháp : ¼ dân số là người nhập cư ?

Trên hồ sơ xã hội, báo La Croix hôm nay quan tâm đến nguồn gốc của dân Pháp và cho biết trong suốt mùa hè này, tại bảo tàng Lịch sử và nhập cư ở Paris có hiển thị 4 tấm áp phích trong đó có một tấm với nội dung : « ¼ dân số Pháp xuất thân là người nhập cư ». Một con số có thể gây bất ngờ nhưng đã được nhiều công trình nghiên cứu chứng minh.

Trong cuốn sách mang tên « Le Creuset français » do Seuil xuất bản vào năm 1988, tác giả Gérard Noiriel cho biết « 1/3 dân số Pháp có nguồn gốc từ người nước ngoài ».

Viện Thống kê và Nghiên cứu Quốc gia Pháp (Insee) đưa ra số liệu vào năm 2008 như sau : có 5,3 triệu người nhập cư , tức 8,4% dân số hiện đang sống tại Pháp, chủ yếu là người gốc châu Phi. Ngoài ra, 6,5 triệu có thể được gọi là « thế hệ thứ hai » bởi có ít nhất cha hoặc mẹ là người nhập cư (11%), thường là gốc Nam Âu. Ông Pascal Blanchard, nhà sử học chuyên nghiên cứu về nhập cư nhận xét : « Nếu bạn tìm ngược về cội nguồn 20 thế hệ trước, bạn sẽ có cơ may tìm thấy tổ tiên của mình là người da đen, gốc Haïti, châu Phi ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.