Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Trung Quốc bị nghi ngờ thổi phồng chỉ số PMI để trấn an giới đầu tư

Hôm nay, 01/08/2013, giới kinh tế chú ý đến sự khác biệt rất lớn giữa hai chỉ báo PMI của kinh tế Trung Quốc trong tháng 7/2013, vừa được công bố. « Chỉ báo Mua hàng Chế biến » PMI, do ngân hàng Anh quốc HSBC xác lập, là 47,7 vào tháng 7, sụt 0,5 so với tháng 6. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2012. Trong khi đó, PMI theo tính toán của chính phủ Trung Quốc lại tăng : 50,3 vào tháng 7 so với 50,1 của tháng trước. Sự khác biệt lớn này cho thấy những hình dung rất khác nhau về tương lai tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn. Các chuyên gia ngân hàng Úc ANZ nghi ngờ Bắc Kinh thổi phồng chỉ số PMI để trấn an giới đầu tư.

Một quang cảnh trung tâm Bắc Kinh với tòa nhà  Đại sảnh đường Nhân dân (G). Ảnh chụp 03/07/ 2013.
Một quang cảnh trung tâm Bắc Kinh với tòa nhà Đại sảnh đường Nhân dân (G). Ảnh chụp 03/07/ 2013. REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

PMI là một chỉ báo cho phép đánh giá triển vọng của một nền kinh tế nói chung, đặc biệt là tỷ lệ tăng trưởng GDP. Theo một số chuyên gia kinh tế, « Chỉ số Mua hàng Chế biến » PMI được coi là dữ kiện kinh tế mang tính dự báo hơn là hậu kiểm. Nếu cao hơn 50, PMI đưa ra một dự báo lạc quan, còn nếu dưới 50, thì đây là chỉ dấu cho thấy viễn cảnh co thắt của lĩnh vực sản xuất chế biến.

Về sự khác biệt lớn giữa hai chỉ báo PMI của kinh tế Trung Quốc, do hai định chế lớn cung cấp, kinh tế gia Zhang Zhiwei, thuộc công ty dịch vụ tài chính Nhật Bản Nomura International có trụ sở tại Hồng Kông, trong một báo cáo đưa ra nhận định : « Chúng tôi cho rằng sự khác biệt này phản ảnh mức độ bất định cao trong việc dự đoán triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Cho dù chúng ta không biêt rõ từ đâu mà có sự khác biệt này ».

Về xu thế sụt giảm của sản xuất hàng chế biến, các chuyên gia của ngân hàng HSBC giải thích : « Các nhà sản xuất Trung Quốc trong tháng bảy phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế chung. (…) Đơn đặt hàng mới ngày càng ít hơn và việc sa thải nhân công tăng lên với một tốc độ chưa từng thấy từ tháng 3/2009 ».

Ngược với đánh giá của ngân hàng Anh Quốc HSBC, theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, dẫn lại số liệu của cơ quan CFLP, thì chỉ số PMI tháng 7 tăng từ 50,1 lên 50,3. Cũng cần phải nói thêm là, con số này là hoàn toàn ngược lại với số liệu dự báo trước đó về PMI tháng 7 mà cơ quan này đã đưa ra : 49,9. Chỉ số PMI trong dự báo của Bắc Kinh là cao hơn chỉ báo 49,8, mà công ty chứng khoán Dow Jones đưa ra.

Bên cạnh chỉ số PMI, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc cũng giảm, tỷ lệ này của quý 2 là 7,5%, so với 7,7% của quý 1. Tỷ lệ tăng trưởng quý 3 dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống mức 7,4%. Năm 2012, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc là 7,8%, mức thấp nhất từ 13 năm nay. Tỷ lệ tăng trưởng toàn năm 2013 dự báo sẽ còn thấp hơn nữa.

Một loạt các chỉ báo cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới đang hụt hơi. Theo ông Qu Hongbin, kinh tế gia trưởng phụ trách Trung Quốc của ngân hàng HSBC, việc các chỉ báo về kinh tế Trung Quốc có chiều hướng đi xuống sẽ « buộc Bắc Kinh phải đưa ra các biện pháp điều chỉnh, như giảm thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ, tăng đầu tư cho nhà ở xã hội, đường sắt, năng lượng hay cơ sở hạ tầng ». Đây là các biện pháp được hy vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc cũng bắt đầu có một số biện pháp đối phó với thực trạng sản xuất đang co lại. Mới đây, ngày 26/07/2013, chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu các công ty thuộc 19 lãnh vực trong đó có xi măng và thép phải giảm sản lượng và 1.300 doanh nghiệp phải đóng cửa các cơ sở sản xuất cũ kỹ.

Giải thích về chỉ báo mang tính lạc quan của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, các nhà phân tích của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch nhận định : « chỉ số PMI chính thức (kể trên), kết quả cuộc điều tra được thực hiện cuối tháng 7, có thể được ảnh hưởng thuận lợi do xu thế cải thiện niềm tin ở các nhà doanh nghiệp », sau các tuyên bố hồi tuần trước của chính phủ Trung Quốc, khẳng định quyết tâm hỗ trợ tăng trưởng. Theo báo chí chính thức Trung Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định « mức tăng trưởng thấp nhất được phép là 7% » và chính phủ sẽ « không cho phép xuống thấp hơn mức này ».

Tuy nhiên, các kinh tế gia của ngân hàng Úc ANZ thì nghi ngờ các con số của chính phủ Trung Quốc. Các chuyên gia ANZ cho biết Cơ quan thống kê của chính quyền Trung Quốc mới đây đã ngừng thông tin chi tiết về chỉ báo PMI, mà họ đã công bố. Lo ngại của ANZ là chỉ số PMI bị « nhào nặn » theo hướng thổi phồng lên này có thể « khiến cho quá trình điều chỉnh chính sách kinh tế của chính phủ Trung Quốc bị chậm lại, dẫn đến những sai lầm trong chính sách ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.