Vào nội dung chính
THÁI LAN

Dầu tràn làm chính quyền Thái điêu đứng

Cách đây hơn một tuần lễ, ngày 27/07/2013, dầu thô thất thoát từ một đường ống ngoài khơi ở Vịnh Thái Lan, cách bờ biển khoảng 20 cây số, đã gây ra nạn thủy triều đen, làm ô nhiễm bãi biển trên hòn đảo du lịch nổi tiếng Koh Samet.

Thủy triều đen trên bãi biển Ao Prao Beach trên đảo Koh Samet - Reuters
Thủy triều đen trên bãi biển Ao Prao Beach trên đảo Koh Samet - Reuters REUTERS/Athit Perawongmetha
Quảng cáo

Hàng trăm người trang bị xuổng, đã phải xúc cát đen kịt dầu hỏa đổ vào bao placstic đem đi. Tập đoàn nhà nước PTT khai thác đường ống cũng như giới hữu trách Thái đã cho thấy là họ rất luống cuống trước tai nạn đột ngột này. 

Thông tín viên RFI trong khu vực, Arnaud Dubus, theo dõi vụ việc, nêu bật phản ứng lãnh đạo tập đoàn PTT và giới chức Thái ngay sau tai nạn : 

Arnaud Dubus : Lúc đầu các bộ có liên quan và tập đoàn PTT đã giảm nhẹ tầm mức hệ trọng của tai nạn. Họ khẳng định tất cả sẽ được giải quyết trong vòng 24 tiếng đồng hồ, không có gì đáng ngại. Họ cũng đảm bảo là các bãi biển Thái Lan sẽ không bị ô nhiễm. 

Nhưng ngay từ hôm sau, rõ ràng là tình hình không còn kiểm soát được nữa : Náp dầu lan rộng, và dạt vào khu vực các hòn đảo du lịch, gây nên tình trạng hỗn loạn. Chính phủ Thái Lan đã phải công nhận là tập đoàn nhà nước không có khả năng kỹ thuật làm tan các vỉa dầu và đã phải nhờ đến một công ty chuyên nghiệp Singapore. 

Nhưng đã quá trễ : Dầu đã lan đến bãi biển Ao Phrao, một nơi du lịch sang trọng trên đảo Koh Samet. Hàng trăm người – cư dân tại chỗ và nhân viên tập đoàn PTT - đã ra sức dọn sạch bãi biển, với nào là xuổng, nào là giấy thấm... Công việc hiện vẫn tiếp tục. 

RFI : Hậu quả về mặt sinh thái và kinh tế của vụ thất thóat dầu này ra sao ? 

Arnaud Dubus : Rất nghiêm trọng ! Trước tiên là Ao Phrao, bãi biển chính của đảo Koh Samet, sẽ phải mất hàng tháng trời, có khi cả năm để có lại được trạng thái trước khi bị ô nhiễm. 

Mặt khác, tập đoàn PTT đã sử dụng hóa chất để cố làm tan các mảng dầu. Hóa chất sử dụng có hệ quả độc hại đối với các loài sinh vật dưới biển và san hô.

Trong tai nạn thủy triều đen ở vịnh Mêhicô năm 2010, theo các nhà môi sinh, tác hại của loại hóa chất sử dụng làm tan dầu vẫn còn dai dẳng cho đến ngày nay.

Việc tập đoàn PTT không cho biết là đã sử dụng loại hóa chất gì, lại càng tạo thêm thắc mắc và lo ngại về hệ quả. 

Tác hại về mặt kinh tế, trước mắt là đã thấy rõ đối với đảo du lịch Koh Samet, một trong những đảo chính trong vịnh Thái Lan cùng với Koh Samui. Hàng trăm du khách đã hủy bỏ chuyến du lịch của họ đến đây. Vào mùa hè Koh Samet vẫn thường thu hút đông đảo du khách, giờ đây họ sẽ mất ít nhất một nửa số khách hàng. 

RFI : Tai nạn xẩy ra gần khu công nghiệp Map Tha Phut. Đây là khu công nghiệp dầu hỏa và hóa dầu chính của Thái Lan. Hệ thống bảo vệ môi trường của khu công nghiệp này như thế nào ? 

Arnaud Dubus : Tôi vừa thực hiện một phóng sự điều tra về hệ thống đối phó với các tai nạn trong khu công nghiệp này, nơi có hàng trăm công ty dầu hỏa và hóa dầu. Tôi đã làm việc trên vụ nổ hóa chất toluène xẩy ra vào tháng 5/2012. Vụ nổ đã làm 11 người chết và đã gây ra hỗn loạn, kinh hoàng ở các làng chung quanh khu công nghiệp. 

Công ty liên quan đến tai nạn đó đã bưng bít thông tin, không nêu rõ nguyên nhân và hậu quả của tai nạn. Thật ra thì đã có những kế hoạch nhằm đối phó với những loại sự cố như thế, nhưng khi tai nạn xẩy ra thì kế hoạch lại không được áp dụng. 

Trong vụ dầu thất thoát hiện nay, phải nói rằng tập đoàn PTT có liên can là một trong những tập đoàn có doanh số to lớn nhất Thái Lan. Nhưng khi xẩy ra tai nạn, thì tập đoàn chỉ cho lập được 200 mét phao nổi chung quanh náp dầu tràn. 

Nhiều người đã nêu câu hỏi cớ sao một tập đoàn với những khoản lợi nhuận to lớn như thế, mà trang thiết bị lại tồi như thế, không đủ phương tiện để bảo vệ môi trường trong trường hợp xẩy ra tai nạn gây ô nhiễm độc hại như vậy ? 

RFI : Hiện nay các tổ chức xã hội dân sự Thái đã phản ứng thế nào trước vụ việc ? 

Arnaud Dubus : Xã hội dân sự Thái hoạt động rất tích cực, nhất là trong lãnh vực môi trường. Các tổ chức bảo vệ môi sinh đã phản ứng ngay, họ tố cáo chính quyền, lực lượng hải quân và tập đoàn PTT là đã nói dối trên tầm mức hệ trọng của sự cố tràn dầu, trên các tác hại về môi trường. 

Họ cũng đã chỉ trích chính quyền và tập đoàn nhà nước PTT là đã phản ứng quá chậm chạp. Một số người đã nói đến khả năng kiện PTT và Hải quân Thái Lan. 

Phải nói là tình hình đã thêm phần rắc rối vì vào lúc đó, Thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra lại công du Châu Phi cùng với nhiều bộ trưởng. Và như thế, Bộ trưởng Giao Thông, một trong những viên chức cao cấp hiếm hoi có mặt tại Thái Lan, đã đứng ra phối hợp hành động của chính phủ để đối phó với thảm họa sinh thái này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.