Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Hòa giải dân tộc khó khăn ở Thái Lan

Khoảng 2.000 cảm tình viên phe đối lập tại Thái Lan đã tập hợp biểu tình hôm nay 07/08/2013 gần trụ sở Quốc hội ở thủ đô Bangkok. Họ phản đối một dự luật ân xá bắt đầu được đưa ra thảo luận. Đối diện với người biểu tình là hàng trăm cảnh sát được huy động, với nào là vòi rồng, nào là hàng rào kẽm gai, bloc bê tông bao quanh Quốc hội.

Một cuộc tập hợp của phe Áo đỏ tại Rajprasong, trung tâm thương mại Bangkok giữa tháng 5/2013 - REUTERS/ D. Sagolj
Một cuộc tập hợp của phe Áo đỏ tại Rajprasong, trung tâm thương mại Bangkok giữa tháng 5/2013 - REUTERS/ D. Sagolj
Quảng cáo

Cảnh tượng không mấy êm đềm này là biểu hiện thật rõ nét của tình trạng chia rẽ trong xã hội Thái Lan, gây trở ngại rất lớn cho các cố gắng hòa giải dân tộc. 

Trên nguyên tắc, dự luật ân xá do chính phủ của đảng Puea Thai đang cầm quyền là một văn kiện mang tính chất hòa giải. Văn kiện này dự kiến ân xá toàn bộ các chính khách dính líu vào tất cả những vụ biểu tình, gây rối loạn tại Thái Lan từ sau khi cựu Thủ tướng Thaksin - anh của đương kim thủ tướng Yingluck Shinawatra - bị quân đội lật đổ tháng 9/2006. 

Mối e ngại hiện nay trong phe đối lập và những nguời ủng hộ họ là dự luật ân xá nói trên, một khi được thông qua, sẽ cho phép ông Thaksin - đang sống lưu vong để tránh án tù về tội hối lộ - được quay trở về Thái Lan. Đó là một trong những lý do khiến họ huy động lực lượng biểu tình phản đối vào hôm nay. 

Tham gia cuộc biểu tình có cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo phe đối lập hiện nay thuộc đảng Dân chủ. Trả lời báo chí, ông Abhisit đã nêu bật câu hỏi : « Tại sao chính phủ này lại muốn miễn tội cho những người đã vi phạm nhân quyền ? » ám chỉ đến những cáo buộc lạm sát nhắm vào ông Thaksin thời còn cầm quyền. 

Để đối phó với các cuộc biểu tình của đối lập, chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã áp dụng Luật An ninh Nội chính (ISA) tại 3 khu phố ở trung tâm Bangkok, nơi có trụ sở Quốc hội, theo đó có thể ban hành giới nghiêm, khám xét nhà và kiểm duyệt truyền thông. 

Phải nói là xã hội Thái Lan đã thường xuyên sôi sục từ sau cuộc lật đổ ông Thaksin vào năm 2006, đẩy Thái Lan vào trong tình trạng bất ổn, với những cuộc biểu tình rầm rộ không nguôi của cả hai phe thân và chống Thaksin. 

Theo giới quan sát, tại Thái Lan, những cuộc đọ sức không đơn thuần là cuộc đấu chính trị giữa phe đối lập và chính quyền, mà còn thể hiện sự chia rẽ, đối đầu trong xã hội, giữa người dân nông thôn, thành thị nghèo ở các vùng phía bắc và đông bắc Thái với tầng lớp khá giả thành phố lớn đặc biệt là ở Bangkok. 

Tầng lớp ưu tú Bangkok, và cả Hoàng gia Thái Lan, rất ghét ông Thaksin, trong lúc chính sách trợ giúp nông dân của ông, bị nhiều người xem là mị dân, lại rất được lòng dân chúng nông thôn, nhất là khi gia đình xuất thân của ông Thaksin lại ở vùng phía bắc. 

Thành phần nghèo này rất phẫn nộ khi ông Thaksin bị lật đổ. Họ cho là ân nhân của họ, người đoái hoài đến họ, đã bị kẻ giàu có triệt hạ.Và thế là từ đó đến nay, Thái Lan sống theo nhịp độ các vụ biểu tình của phe Áo đỏ thân Thaksin và phe chống đối là Áo vàng, có xu hướng bảo hoàng. 

Sân khấu chính trị Thái Lan cũng chuyển biến theo nhịp độ các phong trào. Cánh thân Thaksin đã cố tiếp tục giành lấy chinh quyền nhưng lại vấp phải những cuộc biểu tình đấu tranh rất dữ dội của phe Áo vàng, nhất là vào năm 2008, khiến cho các chính quyên thân Taksin bị sụp đổ, và Đảng Dân chủ đối lập của ông Abhisit lên nắm quyền. 

Một cái mốc lớn khác là năm 2010, khi phe Áo đỏ thân Thaksin, tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ chưa từng thấy, chiếm đóng Bangkok suốt hai tháng, đòi chính quyền Abhisit ra đi. Quân đội đã phải tấn công giải tán, hệ quả gần 100 người chết, 2000 người bị thương. 

Bản thân ông Abhisit, sau sự cố này, đã bị truy tố về tội sát nhân, trong lúc nhiều lãnh đạo phe Áo Đỏ bị truy về tội khủng bố. 

Khi phe thân Thaksin nắm lại chính quyền, sau cuộc bầu cử năm 2011, giới quan sát mong đợi là tình hình sôi sục sẽ lắng dịu. Thế nhưng, các dấu hiệu cho thấy là không, nhất là với mối ảm ảnh là ông Thaksin có thể bình yên trở về Thái Lan. 

Vào năm ngoái, phe thân Thaksin cũng đã cố gắng đưa ra dự luật ân xá, nhưng đã phải dời lại sau các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ của phong trào Áo Vàng và các cảm tình viên đảng Dân chủ đối lập.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.