Vào nội dung chính
TRUNG - NHẬT

Căng thẳng giữa Hải quân Trung Quốc và Nhật Bản

Liên quan đến vụ bốn tàu « hải cảnh » Trung Quốc xâm nhập vùng lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư mà phía Nhật Bản gọi là Senkaku, hôm nay nhật báo cánh hữu Le Figaro có bài nhận định khá sâu sắc đề tựa « Căng thẳng giữa Hải quân Trung Quốc và Nhật Bản ». Đối với tờ báo, trong con mắt giới quân sự Bắc Kinh, Tokyo mới chính là kẻ khiêu khích, tạo ra căng thẳng trong khu vực.

Tàu tuần duyên số hiệu 2146 của Trung Quốc tiến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh do lực lượng tuần duyên Nhật Bản chụp được ngày 08/08/2013.
Tàu tuần duyên số hiệu 2146 của Trung Quốc tiến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh do lực lượng tuần duyên Nhật Bản chụp được ngày 08/08/2013. REUTERS/Japan Coast Guard
Quảng cáo

Số là hôm thứ Ba 06/08/2013 vừa qua, Tokyo cho hạ thủy chiếc tàu khu trục mới được đặt tên là Izumo. Đây là chiếc chiến hạm lớn nhất (có chiều dài 248m) do Nhật Bản chế tạo kể từ sau Đệ nhị Thế chiến. Khi khánh thành, Tokyo khẳng định chiếc Izumo chỉ có khả năng chuyên chở 14 chiếc trực thăng và chỉ dành cho công tác cứu hộ và giám sát.

Thế nhưng đối với Trung Quốc, sự kiện trên là một bằng chứng mới cho thấy các hành động khiêu khích của Nhật Bản. Nó lộ rõ các tham vọng quân sự của thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Trong con mắt của cường quốc hàng đầu châu Á thì chiếc khu trục này mang dáng dấp của một chiếc tàu sân bay nhiều hơn, vì với chiếc cầu đáp rộng mênh mông đó, Izumo có thể chở nhiều chiếc chiến đấu cơ F-35 của Mỹ, theo như nhận xét của một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Hải quân Trung Quốc.

Bắc Kinh nghĩ rằng Tokyo tuyên bố đây là chiến hạm chở trực thăng là chỉ nhằm « che giấu bản chất hung hăng » - một nhận định cũng được một số nhà quan sát phương Tây cùng chia sẻ. Bởi một lẽ rất đơn giản hiện Hiến pháp chủ hòa chỉ cho phép Nhật Bản thành lập các đội quân tự vệ. Một sự ràng buộc mà nhà lãnh đạo phe bảo thủ Abe mong muốn hiệu chỉnh lại Hiến pháp để biến lực lượng tự vệ thành quân đội hoàn toàn. Một dự án khiến Bắc Kinh cảm thấy bất an.

Một vấn đề khác gây căng thẳng mối quan hệ Trung-Nhật, đó là chuyện ông Abe tuyên bố sẽ không cấm các Bộ trưởng đến thăm đền Yasukuni, nơi yên nghỉ của nhiều tội phạm chiến tranh ngày 15/08 sắp đến, đánh dấu ngày Nhật bại trận năm 1945.

Chuyện đặt tên Izumo cho chiếc khu trục mới cũng được Bắc Kinh xem như là một hành động khiêu khích. Nó gợi nhắc lại sự kiện, chiếc chiến hạm Nhật hoàng Izumo đã đến tấn công các vùng duyên hải Trung Quốc trong những năm 1930.

Bài viết nhận định, vụ căng thẳng lãnh hải những ngày qua cho thấy rõ là cả hai quốc gia đối địch này đang lao vào cuộc chạy đua vũ trang hải quân thật sự. Tờ báo nhắc lại năm rồi (2012) Trung Quốc cho hạ thủy chiếc Liêu Ninh, chiếc tàu sân bay đầu tiên mua từ Nga được Bắc Kinh tu sửa lại.

Le Figaro cho hay giới quan sát còn nghi ngờ Trung Quốc có lẽ đang bí mật chế tạo một chiếc thứ hai 100% « made in China ». Chiếc tàu đang được đóng tại một hải cảng, được bảo vệ nghiêm ngặt trên một đảo gần Thượng Hải, theo như tiết lộ của tờ Jane’s Defence Weekly, dựa vào các ảnh chụp vệ tinh. Dĩ nhiên là Bắc Kinh phải phủ nhận, nhưng Washington thì vẫn phải theo dõi khít khao.

Trung Quốc khơi ngòi sự đối đầu giữa các quỹ đầu tư nhà nước

Cũng tại khu vực Bắc Á, nhưng liên quan đến lãnh vực kinh tế, nhật báo Kinh tế Les Echos cho hay là Trung Quốc sắp thành lập một quỹ đầu tư thứ năm qua bài viết đề tựa « Trung Quốc kích thích sự đối đầu giữa các quỹ đầu từ của mình ». Tờ báo nhận định dự án này sẽ cho phép tái thúc đẩy sự cạnh tranh để quản lý nguồn ngoại tệ dồi dào của đất nước.

Theo nguồn tin từ South China Morning Post, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang nghiên cứu ý tưởng tung ra một quỹ đầu tư nhà nước mới. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là quỹ đầu tư lớn thứ năm. Hiện Bắc Kinh sở hữu 4 quỹ đầu tư là Safe Investment Company, China Investment Corporation (CIC), National Social Security Fund và China Africa Development Fund. Trong đó, hai quỹ đầu tiên là hai cơ sở quan trọng nhất.

Les Echos cho hay là nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào (3.500 tỉ đô-la) đang là đối tượng của một cuộc tranh giành ảnh hưởng quan trọng giữa Ngân hàng Trung ương, hiện đang quản lý quỹ Safe và Bộ Tài chính, cơ quan chủ quản của CIC.

Hiện nay Safe là quỹ đầu tư lớn nhất với tổng nguồn vốn lên đến gần 750 tỉ đô-la, trong khi CIC nắm giữ khoảng 580 tỉ. Hai quỹ này cạnh tranh mạnh mẽ với nhau nhằm muốn chứng tỏ tính hiệu quả và quyền chính đáng đòi hỏi được cấp thêm nguồn vốn.

Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính lưu ý có điều bất thường trong hoạt động đầu tư của các quỹ này. Trên nguyên tắc, quỹ đầu tư quốc gia vốn được dùng để lưu thông nguồn ngoại tệ có một chính sách đầu tư rất bảo thủ và thận trọng, chủ yếu trong các cổ phiếu an toàn (trái phiếu chính phủ). Thế nhưng, cả hai quỹ đầu tư lớn nhất này đều tiến hành đầu tư trong các hoạt động chứng khoán thông qua các chi nhánh của họ tại Hồng Kông.

Les Echos công nhận rằng các quỹ đầu tư nhà nước tại Trung Quốc ngày nay hoạt động theo kiểu tự chủ. Tự mỗi quỹ có một mô hình hoạt động riêng. Thế nhưng theo giới quan sát, trong năm nay hoạt động đầu tư của CIC năm nay có phần sụt giảm so với năm 2011. Do đó, tờ báo cho rằng CIC có thể sẽ gặp thêm nhiều khó khăn nữa khi có thêm một đối thủ cạnh tranh nữa.

Nhật Bản sắp phải thắt lưng buộc bụng?

Trong khi đó, tại Nhật Bản, hôm qua, thứ Năm 08/08/2013, chính quyền Shinzo Abe tiết lộ hướng cải cách thuế khóa đầu tiên như đã cam kết bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Theo đó, Nhà nước nghiên cứu một dự án thu hồi các nguồn tài chính công. Nhật Bản cam kết cắt giảm 35 tỉ euro ngân sách trong năm tài khóa tới. Chủ đề này cũng được Les Echos chú ý đến qua hàng tựa « Chính phủ Nhật Bản cam kết chuyển qua chế độ thắt lưng buộc bụng ».

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Luân Đôn, Nhật Bản cam kết giảm mức thâm thủng ngân sách hàng năm xuống một nửa từ đây trong vòng ba năm. Do vậy, để cân đối nguồn tài chính, Tokyo vừa qua đã yêu cầu các ban bệ nén chặt ngân sách trong năm tài khóa tới, giảm 10% các mức chi cho các công trình công.

Như vậy, theo ước tính, tổng mức chi ngân sách sẽ phải giảm khoảng 4.000 tỉ yen (tương đương với 31 tỉ euro) cho mỗi năm trong vòng hai năm tài khóa. Riêng khoản ngân sách dùng để khôi phục lại vùng Tohoku bị sóng thần tàn phá năm 2011 và các chính sách hỗ trợ cho tăng trưởng là vẫn được giữ nguyên, theo như cam kết của chính quyền trung ương.

Ngoài chính sách cắt giảm ngân sách, Nhật Bản còn nhắm đến việc tăng nguồn thu bằng cách tăng đôi mức thuế TVA. Tức là mức thuế này sẽ tăng đều từ năm 5% lên 8% (4/2014) rồi 10% (10/2015). Thế nhưng đó chỉ là lịch trình dự kiến. Ông Shinzo Abe sẽ phải đưa ra quyết định chính thức vào mùa thu này trong cuộc tranh luận được cho khá căng thẳng.

Kaesong : Hàn thử biểu đo mối quan hệ liên Triều

Tình hình căng thẳng liên Triều cũng được Les Echos quan tâm đến. Tờ báo chạy tựa « Khu công nghiệp Kaesong : Chuyện nhiều tập của hai miền Triều Tiên ».

Les Echos viết lần đầu tiên Bắc Triều Tiên có thái độ nhượng bộ. Tối thứ Tư 07/08/2013 rồi, Bình Nhưỡng đã đề nghị mở lại khu công nghiệp Kaesong chỉ một giờ sau khi Hàn Quốc tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn khu công nghiệp. Đó có thể sẽ là một thảm họa cho phía Bắc. Bởi vì, khu công nghiệp này lại là nguồn thu ngoại tệ hợp pháp duy nhất của chính quyền Bình Nhưỡng.

Dù rất hiểu rõ điều đó, nhưng Bắc Triều Tiên vẫn không ngần ngại cho đóng cửa Kaesong hồi tháng 4 năm nay. Les Echos nhắc lại căng thẳng đôi bên lên đỉnh điểm khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba dẫn đến các lệnh trừng phạt liên tiếp của quốc tế. Kể từ đó, phía Bắc đã làm cho « người em thù nghịch » phía Nam phải tốn hao thời gian cho chuyện mở lại khu Kaesong.

Sự kiên nhẫn cũng có mức giới hạn. Seoul hôm thứ Tư rồi đã lên tiếng đòi mức bồi thường 250 triệu đô-la cho các doanh nghiệp nào hoạt động trong khu vực. Một biện pháp dự báo hồi kết của khu công nghiệp. Không biết đây có phải là ngón bịp khôn khéo hay tín hiệu cứng rắn của phía Nam hay không, chỉ biết là một giờ sau đó Bình Nhưỡng đã phải tỏ ra lùi bước khi nhắc đến « một giai đoạn hòa hợp, hợp tác, hòa bình, hợp nhất và thịnh vượng mới ».

Ngay sau khi đề nghị đưa ra, chính quyền Hàn Quốc đã chấp thuận đàm phán trở lại vào ngày 14/8 sắp đến về cách thức mở lại khu công nghiệp, vốn sử dụng đến 53 ngàn nhân công phía Bắc. Về phần mình, Bắc Triều Tiên chắc chắn đảm bảo an ninh, vấn đề mấu chốt của Seoul. Nhìn lại căng thẳng xung quanh khu công nghiệp lần này, tờ báo kết luận rằng Kaesong chính là hàn thử biểu để đo nhiệt mối quan hệ liên Triều.

Putin đang khiêu khích Obama ?

Các báo Pháp hôm nay cũng đặc biệt quan tâm đến tình hình thời sự nước Nga trên hai phương diện ngoại giao và xã hội. Về việc Tổng thống Mỹ Obama hủy buổi gặp Tổng thống Nga Putin dự kiến diễn tra trước Hội nghị Thượng đỉnh G20 Saint-Pétersbourg, báo Le Figaro cho rằng « Putin đang nhấn quan hệ với Obama vào kỷ nguyên băng giá ».

Mối quan hệ Nga-Mỹ mà ông Obama đã gầy công gây dựng lại dưới thời Tổng thống Medvedev cách đây bốn năm giờ đây biến thành con số không. « Xuống cấp », « đóng băng » là nhận định chung của một số nhà nghiên cứu về mối quan hệ Nga-Mỹ hiện nay.

Theo Le Figaro giữa Nga-Mỹ có quá nhiều bất đồng : vụ lá chắn tên lửa hạt nhân Mỹ triển khai tại châu Âu, giảm kho vũ khí chiến lược, cuộc chiến tại Syria hay vấn đề hạt nhân Iran. Khẩu chiến Nga-Mỹ còn xảy ra xung quan vấn đề nhân quyền. Mỹ cho thông qua một « danh sách Magnitski » cấm một số quan chức Nga bị nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng nhân quyền vào lãnh thổ Mỹ. Nga thẳng thừng đáp lại cấm người Mỹ nhận con nuôi Nga.

Trong bối cảnh này, vụ Edward Snowden là giọt nước tràn ly. Theo phân tích của bà Maria Lipman, thuộc Trung tâm Carnegie tại Matxcova « Cả Putin lẫn Obama không ai muốn đi đến mức này. Nhưng cả hai buộc phải hành động dưới sự ràng buộc của bối cảnh chính trị riêng của mỗi bên. Đối với chính quyền Nga, rõ ràng chống Mỹ, Putin buộc phải chấp thuận cho Snowden tị nạn. Tương tự, dưới sức ép của phe bảo thủ, ông Obama không còn chọn lựa nào khác là phải hủy bỏ chuyến công du Matxcova ».

Nga tỏ ra « thất vọng » và cho rằng việc hủy chuyến đi thăm Nga của ông Obama chứng tỏ Washington không đối xử công bằng với Matxcova. Tuy nhiên, phía Nga cũng nhìn nhận rằng còn nhiều vấn đề quốc tế cần đến sự hợp tác của đôi bên. Do đó, cuộc gặp cấp cao giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng sắp tới tại Washington vẫn được duy trì.

Nga công khai bài trừ đồng tính

Trên phương diện xã hội, Libération quan tâm đến nạn bài trừ người đồng tính tại Nga. Đối với tờ báo, « Nga công khai bài trừ đồng tính » khi cho thông qua một đạo luật cấm tuyên truyền hiện tượng đồng tính cho trẻ vị thành niên.

Theo nội dung đạo luật ban hành cuối tháng 6 vừa qua, những người nào bị kết tội « tuyên truyền » hiện tượng đồng tính sẽ bị phạt khoản tiền lớn có thể lên đến 500 ngàn rúp (tương đương với 1.140 euro).

Bài phân tích cho hay là xã hội Nga hiện nay có cái nhìn không mấy thiện cảm với giới đồng tính. Theo một kết quả thăm dò do một viện nghiên cứu công luận Nga công bố thì đại đa số bộ phận dân chúng (88%) ủng hộ đạo luật vừa ban hành.

Đối với một số tổ chức phi chính phủ đạo luật trên là « chiến thuật chính trị ». Các nhà lãnh đạo Nga hiểu rằng họ sẽ thu được gì nếu biết bám chặt vào các giá trị truyền thống. Bởi vì hiện nay đất nước đang phải đối mặt với nền kinh tế trì trệ, và suy yếu do khủng hoảng.

Do đó để thu phục cảm tình dân chúng, giới cầm quyền Nga không ngần ngại thách thức phương Tây khi ban hành một đạo luật cũng trong cuối tháng 6 vừa qua nghiêm cấm các cặp đôi đồng tính nước ngoài nhận con nuôi Nga. Tổng thống Nga lặp đi lặp lại với các đồng nhiệm châu Âu rằng các truyền thống văn hóa và đạo đức Nga cần phải được tôn trọng.

Giải thích cho sự quay lại các giá trị truyền thống, Libération cho rằng chính sự biến mất của Liên bang Xô Viết đã sản sinh ra một khoảng trống mà giới cầm quyền Nga hiện nay cần phải lấp đầy bằng dựa vào các giá trị đạo đức, tôn giáo và gia đình. Trong chiều hướng này, chính phủ cho công bố bản báo cáo trong năm nay, định nghĩa « khái niệm chính sách gia đình của quốc gia hướng đến năm 2025 ». Theo đó, dự thảo nhấn mạnh đến việc làm tăng giá trị về gia đình đông đúc, về sự đoàn kết giữa các thế hệ cũng như hôn nhân tôn giáo. Libération nhấn mạnh là khái niệm « hôn nhân tôn giáo » cho đến nay vẫn chưa được chính phủ công nhận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.