Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Một Hồng vệ binh khơi lại vết thương của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc

Trung Quốc năm 1970, như bao thiếu niên cùng lứa với mình, Trương Hồng Binh bị cuốn vào cuộc Cách mạng Văn hóa, đã không ngần ngại đem mẹ đẻ ra đấu tố. 40 năm sau khi bà mẹ bị hành quyết, nhân vật Hồng vệ binh năm ấy trong tuần qua đã công khai kể lại trên báo chí chính thức về giai đoạn bi thương đó với một nỗi ân hận khó có thể nguôi được.

Một màn đấu tố trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc (DR)
Một màn đấu tố trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc (DR)
Quảng cáo

Cuộc Cách mạng Văn hóa mà tên gọi chính xác là cuộc « Đại cách mạng Văn hóa vô sản » do lãnh đạo đảng Công sản Trung Quốc Mao Trạch Đông, khởi xướng và chỉ huy từ ngày 16 tháng 5 năm 1966, với mục tiêu chính thức là loại bỏ những phần tử "tư sản tự do" để tiếp tục sự nghiệp đấu tranh của tầng lớp cách mạng.

Tuy nhiên, mục đích chính của cách mạng này được hiểu là một cách để Mao Trạch Đông lấy lại quyền kiểm soát tối cao trong đảng. Cuộc thanh lọc nội bộ củng cố quyền lực cá nhân đó đã làm đảo lộn mọi mặt của đời sống chính trị văn hóa xã hội ở Trung Quốc. Ngoài ra , Cách mạng Văn hóa còn mà thay đổi toàn bộ nền tảng giá trị đạo đức của toàn xã hội nước này một cách sâu sắc và toàn diện.

Trong bầu không khí hỗn loạn bạo lực, những thanh thiếu niên trong các đội Hồng vệ binh bị nhồi nhét đầy đầu tinh thần cách mạng vô sản triệt để đã say sưa tấn công các phần tử phản cách mạng, tiểu tư sản trí thức. Một khi đã đứng vào hàng ngũ của cách mạng rồi, những thanh niên đó không từ một ai dù đó là hàng xóm, anh em họ hàng hay bố mẹ đẻ.

Tất cả đều có thể bị đưa ra đấu tố và tận diệt mọi mầm mống mà họ cho là phản cách mạng. Chỉ trong vòng có vài năm, vô số người vô tội đã bị tù đầy, thủ tiêu, bị bức tử khiến cho biết bao gia đình tan nát. Không có con số chính thức nào được công bố nhưng một nhà sử học phương Tây đưa ra con số 500 nghìn người chết chỉ riêng trong năm 1967, thời điểm khốc liệt nhất của cuộc Cách mạng văn hóa.

Trương Hồng Binh giải thích trong cuộc phỏng vấn trên nhận báo Beijing News số ra hôm 07/08/2013 vừa qua rằng : « tất cả mọi người đều bị lôi cuốn vào phong trào, bạn có muốn cũng không thể tránh được. Mọi khái niệm về sự tử tế hay cái đẹp trong tôi đều bị xóa sạch làm lại từ đầu ».

Điều đau đớn nhất đó là ông Trương, khi đó vẫn còn là một thiếu niên, đã tố mẹ đẻ của mình phê bình Mao Trạch Đông. Hậu quả là các đồng đội của con trai, những Hồng vệ binh hừng hực tinh thần cách mạng, đã kéo tới nhà bắt bà đi. Bà bị hành quyết 2 tháng sau đó.

Phải mất nhiều năm sau, khi cuộc Cách mạng Văn hóa đã lùi vào quá khứ thì một phiên tòa ở tỉnh An Huy mới xóa tội cho mẹ đẻ của ông. Còn Trương Hồng Binh thì đến giờ mới dám phá vỡ sự im lặng, nhìn nhận lại hành động thất đức của mình. Ông thổ lộ : « Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mình về hành động đó ».

Ngoài Trương Hồng Binh, một số nhân chứng sống từng tham gia tích cực vào cuộc Cách mạng văn hóa gần đây cũng đã bắt đầu lên tiếng ăn năn thú tội, khơi lại vết thương của một thập kỷ (1966-1976) hỗn loạn và tàn khốc trong lịch sử cận đại Trung Quốc và nhất là họ đều tỏ ra ăn năn hối hận về những việc làm của mình trong quá khứ.

Ông Ôn Thanh Phục, một cựu Hồng vệ binh ở Tỉnh Hồ Nam tháng trước đã ân hận kể lại những hành động trong thời Cách mạng văn hóa. Ông nói : « Nếu tôi không xin lỗi bây giờ thì sẽ là quá muộn ».

Theo nhà sử học Đinh Học Lương, thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông thì rất đông người dân Trung Quốc bày tỏ sự khen ngợi đối với những nhân chứng cho dù có thể họ sẽ bị đưa ra xét xử trước công lý vì những tội ác trong quá khứ.

Hồi đầu tháng Tư năm nay, một người đàn ông 80 tuổi ở một tỉnh miền đông Trung Quốc đã bị kết án ba năm rưỡi tù vì phạm tội giết người trong cuộc Cách mạng văn hóa từ năm 1967. Phiên tòa hiếm hoi này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhà sử học họ Đinh khẳng định dù sao thì những lời thú tội của các nhân chứng có « tác động tích cực, góp phần hơn nữa vào việc xây dựng một xã hội trên cơ sở Nhà nước pháp quyền ».

Tuy nhiên, đây lại luôn là một vấn đề rất nhạy cảm đối với các thế hệ lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi Mao qua đời năm 1976, đảng đã quy trách nhiệm về những năm tháng tàn khốc của cuộc Cách mạng văn hóa cho « bè lũ bốn tên » cầm đầu là Giang Thanh, vợ Mao.

Vậy nhưng người ta không hề thấy trong đó bóng dáng của người « Cầm lái vĩ đại » Mao Trạch Đông, người đã phát động và lãnh đạo cuộc Cách mạng văn hóa. Từ đó đến nay ,đảng Cộng sản Trung Quốc đã qua nhiều thế hệ lãnh đạo, nhưng Bắc Kinh vẫn chủ trương né tránh không muốn đi vào chi tiết một thời kỳ lịch sử hỗn loạn do chính những người cộng sản phát động.

Những nhân chứng của cuộc cách mạng ngày đó nay hối hận, ăn năn về một thời nông nổi của mình để có thể làm vơi đi những dằn vặt, mặc cảm tội lỗi. Nhưng đó chỉ là vấn đề của một vài cá nhân bị sai khiến. Một câu hỏi lớn được đặt ra là đến bao giờ đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn tự cho mình là lực lượng lãnh đạo duy nhất của xã hội, mới dám đối mặt với thực tại lịch sử này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.