Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - NHẬT BẢN

Seoul khuyến cáo lãnh đạo Nhật không nên tới đền Yasukuni

Hôm nay, 13/08/2013, trước dịp kỷ niệm ngày đế quốc Nhật bại trận cách đây gần 70 năm, Seoul nhắc lại yêu cầu các lãnh đạo chính quyền Nhật Bản không nên đến thăm ngôi đền Yasukuni, nơi có thờ các tội phạm chiến tranh.

Cảnh chính khách Nhật đến đền  Yasukuni, ngày 18/10/2012
Cảnh chính khách Nhật đến đền Yasukuni, ngày 18/10/2012 REUTERS/Kyodo
Quảng cáo

Trao đổi với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai-Young nói : « Một lần nữa chúng tôi nhấn mạnh rằng các chính trị gia đứng đầu Nhật Bản không nên viếng thăm đền Yasukuni ». Ông Cho Tai-Young nhấn mạnh : « Chính phủ và nhân dân chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho những chuyến viếng thăm như vậy ».

Mỗi dịp 15/08 hàng năm, quan hệ Nhật Bản với các nước láng giềng Đông Bắc Á, như Hàn Quốc và Trung Quốc lại trở nên căng thẳng, với việc một số lãnh đạo Nhật viếng thăm đền Yasukuni. Đền Yasukini là nơi thờ gần 2,5 triệu sinh linh chiến binh Nhật Bản tử trận trong Thế chiến II và các cuộc chiến tranh trước đó. Đặc biệt Yasukuni là nơi thờ cúng 14 tội phạm chiến tranh thuộc hàng cao cấp nhất, bị tòa án quân sự quốc tế kết tội « phạm tội ác chống lại hòa bình », được bí mật đưa vào đền này vào cuối những năm 1970, để thờ cúng như các liệt sĩ hy sinh vì tổ quốc. Yasukuni vì vậy được coi là biểu tượng còn lại của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.

Hàn Quốc và Trung Quốc nhấn mạnh rằng, các chuyến viếng thăm chính thức của lãnh đạo Nhật Bản tới ngôi đền này là một sự xúc phạm có tính toán của Tokyo đối với các nước từng chịu nhiều đau khổ trong thời kỳ bị đế quốc Nhật xâm lược.

Đầu tháng 8/2013, thủ tướng Nhật Shinzo Abe – thuộc phái dân tộc chủ nghĩa cứng rắn - tuyên bố sẽ không tới đền vào dịp này. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 12/2012, thủ tướng Nhật tránh xa ngôi đền tai tiếng, nhưng vẫn bảo vệ quyền được thăm đền của các thành viên chính phủ. Theo tờ Japan Times, nữ bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính Tomomi Inada thông báo sẽ tới đền Yasukuni vào dịp này.

Nhiều người Hàn Quốc cho rằng Tokyo chưa chuộc lại được những hành động bạo lực do quân đội và chính quyền Nhật gây ra trong thời kỳ Nhật đô hộ Hàn Quốc (1910-1945).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.