Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Các thành phố ma thách thức kế hoạch của nhà cầm quyền

Trong mục quốc tế, nhật báo Le Figaro cho biết hàng chục dự án đô thị hóa khổng lồ không tìm được dân cư tới sống. Dưới tựa đề : «Trung Quốc : các thành phố ma thách thức kế hoạch của nhà cầm quyền », đặc phái viên của báo phản ánh thực tế tại thành phố Kinh Tân.

Thành phố Kinh Tân.
Thành phố Kinh Tân. DR
Quảng cáo

Minh họa cho bài báo là bức ảnh trung tâm thành phố Kinh Tân hiện đại, hoành tráng nhưng vắng lặng. Được xây dựng năm 2005, Kinh Tân nằm ở vị trí lý tưởng, giữa hai thành phố năng động là Bắc Kinh và Thiên Tân, với mục đích trở thành khu đô thị của tầng lớp trung lưu mới. Với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, chủ thầu Trung Quốc Hopson hứa hẹn đây là quần thể villa lớn nhất châu Á, với chất lượng cuộc sống cao, cho khoảng 500 ngàn dân.

Phóng viên miêu tả những công trình đồ sộ được xây tại đây : hơn 8 000 biệt thự được xây theo kiểu vùng Địa Trung Hải xen giữa những sân golf và các khu mua sắm. Thế nhưng, từ sau khi xây xong, Kinh Tân là một thành phố ma cao cấp. Một nhân viên bất động sản tại đây cho biết có rất ít người mua. Niềm hi vọng mong manh của ông là bán nhà làm nhà nghỉ cho các gia đình tại Bắc Kinh, cách Kinh Tân 110 km. Những căn hộ được thiết kế theo kiến trúc châu Âu cũng khó tìm được người mua. Chỉ khoảng 10% tổng số nhà ở đây là có người sống.

Kinh Tân nằm trong danh sách khoảng mười thành phố ma mọc lên tại Trung Quốc, do hậu quả từ cuộc bùng nổ bất động sản và những tham vọng vô mực của nhà cầm quyền địa phương và chủ thầu. Tác giả liệt kê các khu đô thị với các tòa nhà chọc trời trống rỗng, như khu Ordos ở Nội Mông với quy mô cho một triệu dân, hay thành phố vệ tinh Thiết Lĩnh tại tỉnh Liêu Ninh với dự tính đón khoảng 340 000 dân.

Ông chủ của Hopson lên án chính quyền địa phương đã thất hứa. Họ không cho xây dựng đường cao tốc và các cơ quan hành chính. Thực ra, thất bại này hé lộ một thực tế cay đắng cho các nhà cầm quyền Trung Quốc : xây dựng cơ sở hạ tầng không còn đủ sức để thu hút dân cư, thương mại và việc làm như thành công trong thời kỳ tăng trưởng mạnh trong những năm 1990.

Đây là một lời cảnh báo cho bộ máy của Chủ tịch Tập Cận Bình tại thời điểm một chính sách đô thị hóa mới, với quy mô lớn sắp được tung ra. Để xóa bỏ hình ảnh tăng trưởng giảm xuống dưới ngưỡng 8%, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố sách lược đô thị hóa đầy tham vọng nhằm tạo thêm chín thành phố mới và dần chuyển khoảng 250 triệu nông dân tới các khu đô thị này. Bằng cách nâng tỉ lệ đô thị hóa lên 52%, tương đương với 700 triệu người, nhà cầm quyền hi vọng thúc đẩy tiêu thụ và tạo thêm việc làm mới.

Tác giả mượn lời một giáo sư Trung Quốc tại Đại học Nhân dân để kết luận bài báo. Theo ông : « Phải ngừng việc xây dựng các thành phố, trái lại, phải nâng cao mức sống tại nông thôn để ngăn việc di cư của của nông dân. Quá trình đô thị hóa chỉ tạo nên rối loạn xã hội ». Thủ tướng Lý Khắc Cường tỏ ra cẩn trọng và đã đẩy việc công bố chiến lược chi tiết của mình vào mua thu tới.

Các tập đoàn châu Âu nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh

Vẫn liên quan tới Trung Quốc, nhưng chuyên về kinh tế, báo Le Monde quan tâm tới mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các doanh nghiệp châu Âu có mặt tại quốc gia lớn nhất thế giới này. Từ sau vụ xì-căng-đan của tập đoàn dược phẩm Anh quốc GSK, « Các tập đoàn châu Âu nằm trong vòng ngắm của Bắc Kinh ». Đây cũng là tiêu đề của bài phóng sự của phóng viên tờ Le Monde tại chỗ.

Sau vụ phát giác GSK, Bắc Kinh sờ gáy một loạt các nhà sản xuất dược phẩm khác : giữa tháng 7 là công ty Sanofi của Pháp, cuối tháng 7 là Novartis của Thụy Sĩ. Hai tập đoàn lớn này đang bị tố cáo chi 200 000 euros vào năm 2007 cho các bác sĩ của 79 bệnh viện công tại Trung Quốc. Những tên tuổi lớn khác trong lĩnh vực này cũng bị thanh tra Trung Quốc thăm viếng trong khuôn khổ một cuộc điều tra lớn về giá thuốc của 60 công ty nội địa và ngoại quốc.

Một nhà phân tích cho biết : « Đây là một lĩnh vực mà mọi người đều biết là rất tham nhũng… Những công ty nước ngoài có lợi thế, trong khi đó người Trung Quốc lại muốn ưu ái các nhà vô địch quốc gia của mình ». Cuộc phản công vào các nhà sản xuất dược phẩm không phải là trường hợp ngoại lệ. Nó nằm trong chiến dịch chống tham nhũng do chính quyền khởi xướng từ sau Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 18. Cho tới nay, chiến dịch này chủ yếu rờ tới những nhà lãnh đạo trong bộ máy hành chính và các công ty nhà nước. Tuy nhiên, nó bắt đầu lan tới lĩnh vực kinh doanh.

Ngoài dược phẩm, bài báo liệt kê thêm các lĩnh vực và công ty bị Ủy ban quốc gia Phát triển và Cải cách trừng phạt do thông đồng giá, trong đó có các công ty sản xuất sữa bột cho trẻ em và sáu công ty đồ trang sức Trung Quốc. Còn hồi tháng giêng vừa qua, sáu nhà sản xuất màn hình phẳng, trong đó có Samsung và LG cũng bị nộp phạt.

Người dân Trung Quốc luôn có cảm giác bị « móc túi ». Trận chiến nhằm vào các tập đoàn lớn với mục đích giảm giá thuốc và tạo nhiều khả năng cạnh tranh hơn. Lĩnh vực y tế là thách thức lớn đối với chính phủ và là trung tâm của nhiều xì-căng-đan lớn. Theo giáo sư khoa học kinh tế Willy Lam của Đại học Hồng Kông, nhắm vào các công ty dược phẩm đa quốc gia là phục vụ cho nguyện vọng quốc gia của bộ máy nhà nước hiện nay. Thế nhưng, ông cho rằng Bắc Kinh cũng sẽ dễ bị kết tội là quy trách nhiệm cho những công ty nước ngoài những vấn đề mà mình không giải quyết được.

Với các tập đoàn nước ngoài, thị trường Trung Quốc tăng trưởng một cách ấn tượng. Họ có trong tay bản quyền thuốc, trong khi đó các công ty Trung Quốc bán thuốc cùng hoạt chất (generic) và độc quyền thuốc cổ truyền. Các tập đoàn quốc tế này phàn nàn thời gian chờ đợi quá trình phê chuẩn quá lâu và tốn kém để nhập thuốc vào Trung Quốc và họ thường phải thông qua các nhà phân phối địa phương để bán thuốc cho bệnh viện. Ngoài ra, các công ty này cũng được chính quyền nhiệt tình khuyến khích sản xuất thuốc và chuyển một phần bộ phận nghiên cứu và phát triển của họ sang Trung Quốc. Dĩ nhiên, điều này sẽ làm suy yếu thành quả công nghệ của họ.

Năm 2010, Ủy ban quốc gia Phát triển và Cải cách đã khởi xướng dự án thử nghiệm đấu thầu danh mục 300 loại thuốc chủ yếu cho các bệnh viện tại nông thôn. Thế nhưng, dự định phổ cập dự án này tới các khu vực đô thị vào năm 2012 của cơ quan này đã khiến các tập đoàn nước ngoài và các công ty nội địa phẫn nộ. Hiện giờ, Bắc Kinh đang tìm giải pháp khác.

Nhà tu hành Pháp gặp gỡ giáo dân tại Trung Quốc

Nhật báo công giáo La Croix quan tâm tới vấn đề tôn giáo tại Trung Quốc. Thường vào mùa hè hàng năm, các linh mục Pháp tới thăm cộng đồng Thiên chúa giáo, chính thức hay hoạt động ngầm, tại Trung Quốc. Theo chân các nhà tu hành Pháp trong chuyến đi này, phóng viên tường thuật chuyến đi năm nay dưới tiêu đề : « Các linh mục Pháp gặp gỡ giáo dân tại Trung Quốc ».

Ngay từ năm 1949, các nhà tu hành ngoại quốc bị đuổi hết khỏi Trung Quốc. Cuối những năm 1980, sau cuộc Cách mạng Văn hóa, các linh mục từ nước ngoài bắt đầu quay lại đây, thường là người gốc Á, nhưng cũng có một số linh mục phương Tây, trong đó có Pháp. Họ hay tới vào dịp mùa hè hoặc với tư cách khách du lịch sau khi nhận lời mời của các giáo xứ địa phương, thường cách xa Giáo hội chính.

Phóng viên nêu một số ví dụ của các nhà tu hành Pháp tới Trung Quốc thuyết giáo. Các cuộc gặp gỡ nói chung diễn ra suôn sẻ dưới sự giám sát kín đáo của chính quyền. Nếu như giới tăng sĩ của Giáo hội ngầm vẫn có thể bị bỏ tù thì các nhà truyền đạo Pháp không bị nguy cơ này. Một linh mục Pháp cho biết : « Điều này, ai cũng hiểu tại Trung Quốc, chính quyền cho truyền giáo nếu họ kiểm soát được… Nhưng nếu một linh mục nước ngoài làm quá, ông ta sẽ bị trục xuất hay bị cấm vào lãnh thổ Trung Quốc ». Đây là trường hợp của khoảng mười hai linh mục phương Tây trong vòng năm năm trở lại đây.

Tác giả bài báo cũng nêu lên một số điểm chính liên quan tới Giáo hội Trung Quốc. Giáo dân Trung Quốc đi lễ chui dưới thời Chủ tịch Mao. Từ năm 1949 và sau khi thành lập Cộng hòa Dân chủ Trung Hoa, Giáo hội tại nước này bị chia thành hai nhánh : Giáo hội chính thức là Hội tín đồ Công giáo yêu nước Trung Hoa được thành lập năm 1957, đây là hội duy nhất được chế độ công nhận. Bên cạnh đó là Giáo hội ngầm, trung thành với Giáo hội tại Roma. Cho tới nay, mối quan hệ giữa chính phủ Trung Quốc với tòa thánh Vatican luôn trong tình trạng căng thẳng. Tại quốc gia đông dân nhất này, có khoảng 10 đến 12 triệu giáo dân.

Hàn Quốc bị mất điện sau một vụ xì-căng-đan

Quay sang nước láng giềng Hàn Quốc, báo Le Monde cho biết quốc gia này đang chịu cảnh mất điện luân phiên trong bài : « Hàn Quốc bị mất điện sau một vụ tai tiếng ». Người dân bắt đầu chịu cảnh nóng nực của mùa hè và thực hiện những biện pháp tiết kiệm điện.

Nhân viên công sở được khuyến khích dùng thang bộ thay vì thang máy. Các nhà máy công nghiệp được yêu cầu giảm bớt 15% mức tiêu thụ điện của mình ở một số giờ. Tuy nhiên, những biện pháp bắt buộc của chính phủ vẫn không đủ. Ngày 16/08 vừa qua, thêm lần nữa, Công ty Điện lực Hàn Quốc (Kepco) thông báo khả năng thiếu điện. Việc cung cấp điện cho cường quốc kinh tế đứng thứ 11 thế giới vẫn là vấn đề đau đầu từ mùa xuân vừa qua. Thời điểm này, sáu trên hai mươi ba lò phản ứng trên toàn quốc ngừng hoạt động, thêm vào đó, từ đầu tháng 8, hai nhà máy nhiệt điện cũng ngừng sản xuất.

Quyết định tạm ngừng này không phải chỉ do vấn đề kỹ thuật, mà do hậu quả của xì-căng-đan tham nhũng đang làm lung lay ngành năng lượng hạt nhân. Sau vụ các bộ phận bị làm giả xảy ra năm 2012, ngành công nghiệp này lại bị lên án sử dụng chứng chỉ an toàn giả. Một cuộc điều tra được tiến hành hồi tháng Tư vừa qua đã phát giác các chi tiết nhạy cảm, trong đó có dây cáp, được lắp đặt tại 14 lò phản ứng là dựa trên giấy tờ giả. Vụ việc có lẽ xảy ra từ nhiều năm, liên quan tới khoảng 50 công ty. Cán bộ của các doanh nghiệp phụ trách xây dựng và kiểm tra an toàn tại các nhà máy điện nguyên tử này nhận được lệnh nhắm mắt làm ngơ từ chính công ty mẹ, Korea Hydro & Nuclear Power, một chi nhánh của Công ty Điện lực Kepco.

Các nhà điều tra cũng phát hiện 600 triệu won tiền mặt (khoảng 404 000 euro) tại nhà một cán bộ của Korea Hydro. Khoản tiền này là của Hyundai Heavy Industries hối lộ để nhận được các hợp đồng trong lĩnh vực nguyên tử. Trước thực trạng trên, chính phủ buộc phải cho ngừng nhiều nhà máy nguyên tử. Tình hình trên có lẽ còn kéo dài vì 120 ngàn chứng chỉ an toàn được cấp từ mười năm nay đang được tiếp tục kiểm tra. Các biện pháp này vẫn không trấn an được lòng dân, đặc biệt từ sau thảm họa Fukusima. Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc đang muốn nâng sản lượng điện nguyên tử từ 29% hiện nay lên 59% vào năm 2030.

Phép mầu Mông Cổ, 900 năm sau Thành Cát Tư Hãn

Mục « Mùa hè Le Figaro » số hôm nay đề cập tới sự tăng trưởng kinh tế của Mông Cổ nằm giữa hai cường quốc lớn. Đặc phái viên của báo giúp độc giả hiểu rõ hơn tại sao đất nước nằm sâu trong châu lục châu Á lại được những người láng giềng hùng mạnh càng ngày càng quan tâm hơn trong bài « Phép mầu Mông Cổ, 900 năm sau Thành Cát Tư Hãn ».

Nổi tiếng với trữ lượng nhiên liệu than, đồng, uranium…, hoang mạc Gobi trở nên hấp dẫn đối với các tập đoàn khai thác mỏ lớn thế trên thế giới. Từ một đất nước du mục, Mông Cổ đổi diện mạo, đặc biệt là thủ đô Oulan-Bator, mang dáng dấp của một Singapore thảo nguyên. Trước đây, quốc gia này là nỗi sợ của Trung Quốc với những đội quân hùng hậu nhiều lần chiếm quốc gia phía Nam này. Từ đó, cảm giác bề trên của người Mông Cổ đối với người Trung Quốc luôn hiện hữu.

Song dường như mối quan hệ này đang bị đảo ngược từ cuộc bùng nổ nhiên liệu. Giờ đây, Mông Cổ bị phụ thuộc kinh tế vào kẻ thù truyền kiếp của mình. Vì « Phép mầu của hoang mạc Gobi » còn tùy thuộc vào nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của nền kinh tế thứ hai thế giới. Lượng sản xuất than và đồng của Mông Cổ đều được Trung Quốc tiêu thụ, với giá rẻ, do thiếu cơ sở hạ tầng đường sắt và đường bộ nên không thể xuất sang Nga hay khu vực Thái Bình Dương.

Sự phụ thuộc này rất dễ biến thành bẫy trong thời điểm hiện nay khi mà cỗ máy công nghiệp Trung Quốc đang giảm tốc. Một nhà kinh tế học Mông Cổ công nhận : « Sự chững lại của Trung Quốc là mối đe dọa thật sự. Chúng tôi phải thích ứng về mặt khả năng cạnh tranh và giá cả ». Tác giả thông tin thêm tăng trưởng GDP của Mông Cổ tăng 17,5% vào năm 2011 và 2012, con số này là 12,5%.

Xung đột căng thẳng tại Ai Cập

Tình hình xung đột căng thẳng tại Ai Cập vần là tiêu đề chính trên các trang nhất của báo chí Pháp ra ngày hôm nay. Báo Le Monde đưa tin dưới tựa đề : « Ai Cập chao đảo trong hỗn loạn ». Nhật báo kinh tế Le Figaro thông tin : « Ai Cập : quân đội cố giữ bình tình trong một đất nước bị chia rẽ ». Báo Libération nghi ngờ : « Yên lặng giả tạo tại Ai Cập ». Còn báo L’Humanité cho biết : « Luật quân sự chống Huynh Đệ Hồi giáo ». Báo Công giáo La Croix quan tâm tới sự kiện dưới góc nhìn của người dân Ai Cập đối với Huynh đệ Hồi giáo trong bài : « Ai Cập, Huynh đệ Hồi giáo bị gạt bỏ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.