Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Bắc Kinh khống chế chặt chẽ vụ xử Bạc Hy Lai

Ngày thứ Năm 22/08/2013, vụ xét xử cựu ủy viên Bộ Chính trị, bí thư thành ủy Trùng Khánh, Bạc Hy Lai, sẽ diễn ra tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Nhật báo Le Monde quan tâm tới sự kiện này trong bài : « Vụ xử cựu lãnh đạo Trung Quốc thất sủng Bạc Hy Lai bị chế độ Bắc Kinh khống chế chặt chẽ ».

Một cảnh sát trước cổng toà án Tế Nam, Sơn Đông, nơi sẽ diễn ra phiên xử ông Bạc Hy Lai   - REUTERS /Kim Kyung-Hoon
Một cảnh sát trước cổng toà án Tế Nam, Sơn Đông, nơi sẽ diễn ra phiên xử ông Bạc Hy Lai - REUTERS /Kim Kyung-Hoon
Quảng cáo

Cựu chính trị gia cao cấp này sẽ phải đối mặt với các tội tham nhũng, nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Vợ của ông, là bà Cốc Khai Lai, đã bị kết án tử hình vì tội giết người vào tháng 08/2012 và đang tạm hoãn thi hành án.

Tác giả bài báo phỏng vấn một số luật sư độc lập Trung Quốc để đánh giá vụ xét xử hi hữu này. Lý Trang, một luật sư nổi tiếng tại Bắc Kinh, người đã từng bị tống giam thời Bạc Hy Lai còn đương chức tại Trùng Khánh, báo trước : « Đừng trông chờ vào kết quả bất ngờ. Cứ nhìn vào các vụ án chính trị lớn trước đây. Chúng đều được sắp đặt trước ».

Ông muốn nói tới vụ « Bè lũ bốn tên » năm 1980 và hai vụ liên quan tới hai thành viên khác của Bộ Chính trị của Đảng là Bí thư thành ủy Bắc Kinh, Trần Hy Đồng, năm 1998 và vụ Bí thư thành ủy Thượng Hải, Trần Lương Vũ, năm 2006.

Luật sư Lý Tiêu Lâm, một trong hai luật sư được gia đình họ Bạc thuê bào chữa, cho biết : « Giữa chúng tôi, những nhà luật sư, chúng tôi nói về vụ này như một màn kịch ». Ông đồng thời tố cáo là đã có những dàn xếp nội bộ với ngành tư pháp.

Bất đồng nội bộ giữa hai gia đình Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai là lý do giải thích vì sao có tới mười luật sư được đề nghị bào chữa cho ông Bạc Hy Lai. Trong danh sách đề nghị, tòa án chấp nhận hai người được cho là ít thu hút sự chú ý nhất.

Là con của một cựu lãnh đạo có tiếng trong Đảng Cộng sản, Bạc Hy Lai xây dựng sự nghiệp của mình chủ yếu tại Trùng Khánh. Ông từng được coi là người hùng trong chiến dịch « bàn tay sạch » chống lại những người có « máu mặt » trong giới kinh doanh địa phương và trong ngành cảnh sát bị quy là mafia. Vì chiến dịch này, Bạc Hy Lai bị « gậy ông đập lưng ông ». Vụ bắt giam và bỏ tù luật sư Lý Trang, bị cáo buộc là đã xúi giục thân chủ của mình - một doanh nhân tại Trùng Khánh - khai man là đã bị tra tấn trong tù.

Luật sư này nhận xét : « Tôi là quân cờ domino đầu tiên. Tiếp theo là một chuỗi phản ứng ». Trong vụ xét xử luật sư nổi tiếng này, cộng đồng luật sư và trí thức Trung Quốc đã nêu lên một loạt điểm bất thường thô thiển. Ông được phục hồi. Điều ngạc nhiên là ông lại được chính gia đình Bạc Hy Lai mời bào chữa trước khi họ đổi ý.

Kinh tế Nga chững lại một cách đáng ngại

Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm tới sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, dưới tựa đề : « Kinh tế Nga chững lại một cách đáng ngại ». Các chỉ số của Nga đều bật đèn đỏ, tức là đến mức báo động. Lạm phát vẫn là mối bận tâm hàng đầu và tăng trưởng năm 2013 sẽ đạt dưới mức 2%.

Dù mức tăng trưởng này vẫn cao hơn so với châu Âu, song các chuyên gia bắt đầu cảm nhận được sự suy giảm. Sản lượng công nghiệp giảm 0,7% trong vòng một năm. Từ gần bốn năm nay, đồng rúp mất giá so với đồng euro và thặng dư thương mại nhờ việc bán dầu khí. Xuất khẩu sản phẩm này cũng giảm 2,7% so với sáu tháng đầu năm 2012. Trong khi đó, hàng nhập khẩu (chủ yếu là máy móc và công cụ, được coi là điểm yếu của Nga) lại tăng lên 3,4%.

Mối bận tâm hàng đầu của chính phủ là lạm phát, vẫn còn trên ngưỡng mà Ngân hàng Trung ương đề ra là 5 tới 6%. Tháng 5 vừa qua, lạm phát lên tới mức 7,4% trước khi giảm xuống dưới 7% một tháng sau đó.

So với cùng thời điểm năm ngoái, quý hai vừa qua, GDP của Nga đạt 1,2%. Đây là chỉ số tăng trưởng thấp nhất từ cuộc khủng hoảng 2008-2009. Chính sách của Ngân hàng Trung ương không bị chỉ trích mà đây là hệ lụy của cuộc khủng hoảng tại châu Âu mà Nga có rất nhiều đối tác kinh tế chính. Ngoài ra, phải kể tới việc giảm đầu tư và chậm chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng.

Các nhà phân tích của VTB Capital, một trong những ngân hàng chính của Nga, đánh giá : « Các biện pháp phục hồi lẽ ra phải được thông qua từ hồi đầu năm » để ngăn ngừa suy thoái. Họ cũng dự đoán là tăng trưởng của Nga sẽ đạt mức 1,7% trong năm 2013. Trong khi đó, chính phủ có vẻ lạc quan hơn khi dự đoán mức tăng trưởng là 2,4%. Con số mà Ngân hàng Trung ương đưa ra là 2%.

Các con số này còn rất xa mức tăng trưởng 7% trong thập kỷ 2000-2010 và mức 5% mà Tổng thống Vladimir Poutine hứa hẹn. Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga cũng vừa công nhận rằng Nga sẽ rơi vào thời kì « trì trệ » kinh tế nhưng ông nhấn mạnh sẽ không có suy thoái.

Trái đất nóng lên, Bangladesh bị chìm

Đặc phái viên báo Libération quan tâm tới hậu quả của biến đổi khí hậu đối với Bangladesh. Ảnh hưởng của hiện tượng này tới quốc gia Nam Á như thế nào ? Tựa đề bài báo, « Trái đất nóng lên, Bangladesh bị chìm », trả lời cho câu hỏi trên.

Tác giả nêu lên số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới liên quan tới hậu quả của việc trái đất nóng lên đối với Bangladesh. Quốc gia này có tới 150 triệu dân với diện tích nhỏ hơn 3,5 lần so với nước Pháp. 80% đất nông nghiệp tại Bangladesh là đồng bằng dễ ngập lụt.

Theo báo cáo ngày 19/06 của cơ quan này, với nhiệt độ tăng thêm 2°C, « mực nước biển nâng cao đe dọa nuôi trồng thủy sản nước ngọt, lương thực của người dân, các khu đô thị và cơ sở hạ tầng ». Nếu mực nước biển tăng thêm 1 mét, Bangladesh sẽ mất 17% diện tích của mình. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), từ nay tới năm 2100, mức nước sẽ tăng khoảng từ 26 tới 88 cm.

Cứ theo chu kỳ 5 năm, 50 triệu người Bangladesh, 1/3 dân số, chịu thiên tai : băng trên núi Himalaya tan, lốc xoáy, lũ lụt, sụt lở, xói mòn… Chính phủ Bangladesh đã có những biện pháp làm giảm bớt thiệt hại về người do lốc xoáy vì dự đoán được tốt hơn.

Người dân tìm mọi cách để thích nghi với thiên tai. Họ dựng nhà sàn và thường di chuyển cùng với nhà của mình sang nơi khác khi có thiên tai. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, từ nay tới năm 2050, 9,6 triệu người Bangladesh sẽ phải di cư, trong đó 1,9 triệu người do xói mòn, 5,4 triệu người do lũ lụt và 2,3 triệu người chịu bão.

Số người di cư này thường chuyển từ vùng đất nông nghiệp này sang vùng khác. Song một số người chuyển lên sống tại các khu ổ chuột ở ngoại ô Dacca. Được biết, 35% dân số đã sống tại các khu như này, song chính phủ không có một kế hoạch nào liên quan tới việc di cư trong nước.

Giáo dục đại học tại Pháp ngày càng đắt đỏ

Sắp mùa khai giảng, báo L’Humanité và Les Echos quan tâm tới vấn đề giáo dục đại học và đời sống sinh viên tại Pháp. Cả hai tờ báo đều nhất trí cho rằng : « Chí phí học tập ngày càng cao hơn ».

L’Humanité dựa trên nghiên cứu thường niên của Hiệp hội sinh viên Pháp UNEF cho biết năm 2013, sinh viên sẽ phải chi trung bình thêm 1,6% cho việc học tập của mình. Chi phí học tập sẽ chiếm 33% ngân sách của của một gia đình có thu nhập trung bình (1260 euro). 55% ngân sách của một sinh viên sẽ dành trả tiền thuê nhà. Học phí tăng thêm 1,6 % và bảo hiểm xã hội là 1,9%.

Với cải cách về quy chế học bổng dựa theo thu nhập của phụ huynh, lượng sinh viên nhận học bổng sẽ tăng thêm. Thế nhưng, tới 75% sinh viên sẽ không có một khoản trợ cấp nào. Song song với việc học, họ thường phải đi làm thêm. 55% nguồn thu nhập của sinh viên là lương từ những công việc này. Tuy nhiên, hiện tượng này lại gây ra một bất cập là 50% sinh viên đi làm thêm trên 15h/tuần thường thi trượt. Còn khoảng 180 000 sinh viên không đi làm thêm thì mắc nợ khá nhiều.

Trước thực trạng này, Hiệp hội UNEF yêu cầu chính phủ phải xem xét lại tiền hỗ trợ nhà ở cho sinh viên, đồng thời phải xây dựng thêm nhà mới với giá thuê thấp và thực hiện chính sách séc y tế cho phép sinh viên có thêm khoản bảo hiểm bổ sung vì 1/3 tổng số sinh viên không dám mua loại bảo hiểm này vì quá cao.

Vẫn liên quan tới vấn đề đời sống sinh viên, báo Les Echos đăng bài : « Chi phí đời sống sinh viên : bộ máy hành pháp được yêu cầu hành động ». Tờ báo đăng lại ý kiến phẫn nộ của chủ tịch UNEF : « Chúng ta không hiểu tại sao Nhà nước lại để cho các gia đình gánh chịu chi phí cho tương lai của đất nước, vấn đề đào tạo là của cả một thế hệ ».

Ngoài việc nêu lên các con số thống kê của UNEF, như báo L’Humanité đã đăng, tờ báo phân chia các khoản chi trong ngân sách của một sinh viên : 55% cho chỗ ở, 22% cho thực phẩm, 11% cho phương tiện đi lại và y tế, 6% cho trang bị tin học, điện thoại và internet và 6% cho hoạt động giải trí, quần áo và sách vở. Phóng viên cho biết Bộ trưởng Bộ Đại học nhắc lại rằng chính phủ đã cam kết xây thêm 40 000 chỗ ở mới cho sinh viên trong vòng 5 năm.

Hoàng tử William kể lại hạnh phúc làm cha của mình

Trang nhất nhật báo Le Figaro đăng hình gia đình hoàng gia Anh hạnh phúc minh họa cho bài báo : « Hoàng tử William kể cuộc sống làm cha của mình ». Một tháng sau khi vợ sinh con đầu lòng, hoàng tử William có buổi trả lời phỏng vấn truyền hình đầu tiên với phóng viên đài CNN.

Hoàng tử công nhận rằng cuộc sống làm cha đã khiến mình thay đổi. Ông bố trẻ cho biết công nương Kate là một bà mẹ tuyệt vời vì con của họ ngủ không nhiều lắm. Công tước xứ Cambrige cũng thổ lộ là cậu con trai bé bỏng gợi cho mình hình ảnh của chính mình hoặc hoàng tử Harry khi còn bé.

Được hỏi về cách cài nôi rất khéo léo và thành thạo vào ghế sau ô tô lúc đón vợ con ở bệnh viện về, hoàng tử William cho biết đã luyện tập một lần, vì bị ám ảnh với ý nghĩ làm rơi cái nôi hay cài nó không chắc. Ông bố bà mẹ hoàng gia trẻ muốn thể hiện hình ảnh hiện đại của mình bằng cách tự lái xe rời bệnh viện mà không cần tài xế riêng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.