Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Phiên tòa Bạc Hy Lai: “Minh bạch” trong bí mật?

Hôm nay 21/08/2013, một ngày trước phiên tòa được xem là siêu nhạy cảm xử cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, báo chí ngoại quốc đã có mặt đông đảo tại Tế Nam (Jinan), thủ phủ tỉnh Sơn Đông. Theo kênh truyền hình Phượng Hoàng, thì phiên tòa sẽ được truyền hình trực tiếp tại trung tâm báo chí.

Một phóng viên chất vấn viên công an ngay lối vào tòa án Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, nơi sắp diễn ra phiên xử Bạc Hy Lai. Ảnh chụp ngày 21/08/2013.
Một phóng viên chất vấn viên công an ngay lối vào tòa án Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, nơi sắp diễn ra phiên xử Bạc Hy Lai. Ảnh chụp ngày 21/08/2013. REUTERS/Carlos Barria
Quảng cáo

Thông tín viên Stéphane Lagarde của RFI tại Bắc Kinh nhận xét, khó thể chờ đợi có những bất ngờ trong các vụ án chính trị tại Trung Quốc:

Các nhà báo đã có mặt tại Tế Nam sáng nay không nhận thấy một hoạt động nào về mặt an ninh tòa án, có thể là dấu hiệu khởi đầu một phiên xử kín. Tất nhiên loại phiên tòa này có thể được tổ chức trễ hơn trong ngày. Chen Ziming, một chuyên gia về chính sách nội trị Trung Quốc biết được đôi điều, vì đã trải qua 16 năm trong nhà giam vì tội chống chính quyền. Ông nói:

“Trong các vụ án trước đó và nhất là phiên xử vợ Bạc Hy Lai, các phiên tòa xử kín đã được tổ chức trước khi diễn ra phiên tòa công khai, như vậy đây không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Riêng tôi thì trước phiên tòa xử tôi cách đây 20 năm, các thẩm phán đã đến trại giam nói chuyện với tôi nhiều lần trước phiên xử. Không phải những diễn biến tại tòa khiến người ta cân nhắc bản án, mà mọi việc đã được quyết định trước đó.

Người duy nhất có thể gây ngạc nhiên là chính ông Bạc Hy Lai. Người ta không thể cấm ông nói, nhưng trước khi quyết định như thế, ông cũng phải nghĩ đến gia đình mình, nhất là con trai của ông”.

Đối với đa số nhà bình luận, thì bản án sẽ được tuyên cho Bạc Hy Lai đã được thương lượng gay go trong đảng - những dàn xếp hữu nghị để cố gắng giảm đi mối bất hòa giữa các phe phái và chuẩn bị cho đại hội Đảng lần thứ 19 trong bốn năm tới.

Một điều chắc chắn là, nếu phiên tòa được truyền hình trực tiếp cho các phóng viên như báo chí Trung Quốc đã cho biết, thì đó là vì chính quyền hoàn toàn tin tưởng về diễn tiến của phiên xử”.

Còn AFP ghi nhận, việc kiểm soát lối vào tòa án có được tăng cường với quân khuyển và camera giám sát, hơn một chục người biểu tình trước tòa chống hệ thống tư pháp đã bị giải tán.

Tháng 8/2012 trong phiên tòa xử bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai, báo chí nước ngoài không được vào phòng xử. Một tháng sau đó, các phóng viên quốc tế cũng không được tham dự phiên tòa xử Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an và là cánh tay mặt của Bạc Hy Lai. Về phần báo chí Trung Quốc thì được lệnh chỉ đăng lại tin của Tân Hoa Xã đối với các vụ án nhạy cảm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.