Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - HẠT NHÂN

Nước nhiễm phóng xạ : Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật tới Fukushima

Hôm nay, 23/08/2013, một phái đoàn của Cơ quan Quản lý hạt nhân Nhật Bản và các chuyên gia tới khu nhà máy điện nguyên tử Fukushima để thanh tra những sự cố thất thoát nước bị nhiễm phóng xạ. 

Tổ máy số 3 của nhà máy hạt nhân Fukushima Daïchi, 18/07/2013.
Tổ máy số 3 của nhà máy hạt nhân Fukushima Daïchi, 18/07/2013. REUTERS/Kyodo
Quảng cáo

Phái đoàn bao gồm một thành viên cấp cao thuộc Cơ quan Quản lý hạt nhân Nhật Bản, chín cộng sự và năm chuyên gia độc lập, có mặt tại Fukushima vào lúc 11 giờ, giờ địa phương, và làm việc trên hiện trường trong khoảng một tiếng rưỡi.

Các chuyên gia muốn nhìn tận mắt những khu vực nước bị nhiễm phóng xạ và những hiện tượng bất bình thường kể từ khi xẩy ra việc thất thoát khoảng 300 tấn nước bị nhiễm xạ ở mức độ cao. Lượng nước này vốn được tích trữ trong một bể chứa 1000 tấn.

Nước bị nhiễm phóng xạ thất thoát ra bên ngoài từ lâu, nhưng chỉ được phát hiện vào hôm thứ Hai, 19/08 vừa qua, lan rộng và trải dài trên một diện tích lớn, thậm chí chảy ra tới Thái Bình Dương.

Cơ quan Quản lý hạt nhân Nhật Bản đánh giá sự cố này là “nghiêm trọng” và sau khi tham khảo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - AIEA, ngày 21/08, đã quyết định nâng mức báo động lên cấp 3 trên bậc thang đánh giá các sự cố nguyên tử - Ines. Mức báo động cấp 3 có nghĩa là xẩy ra hiện tượng phát tán một khối lượng lớn chất nhiễm phóng xạ.

Tepco, tập đoàn khai thác khu nhà máy điện Fukushima cho biết đã kiểm tra 300 bể chứa nước nhiễm xạ tương tự nhưng không phát hiện có rò rỉ. Tuy nhiên, cũng có hai điểm thất thoát nước nhiễm xạ rất nhiều được phát hiện, ở gần hai bể chứa.

Một vấn đề khác mà phái đoàn chuyên gia muốn thẩm định, đó là khối lượng rất lớn nước nhiễm xạ, từ hai năm qua, đã thẩm thấu xuống lòng đất trong khu vực giữa các tòa nhà có lò phản ứng nguyên tử và biển, và lượng nước đổ ra biển. Hôm nay, việc lắp đặt hệ thống hút nước bị phóng xạ trong khu vực gần bờ biển đang được tiến hành. Nước sẽ được khử phóng xạ và dùng vào việc làm nguội các thanh nhiên liệu tại ba trong số sáu lò phản ứng.

Cho dù giới chuyên đánh giá rằng các sự cố thất thoát nước nhiễm xạ không gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường biển, so với mức phóng xạ phát thải khi xẩy ra thảm họa Fukushima ngày 11/03/2011 vì sóng thần, thế nhưng điều này đang gây nhiều lo ngại cho dân chúng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.