Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - LHQ

Ban Ki Moon bị trách hiểu lầm quan điểm của Nhật

Hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau tuyên bố của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, kêu gọi Tokyo thành khẩn suy ngẫm về quá khứ quân phiệt của mình để cải thiện quan hệ với các láng giềng, chính quyền Nhật Bản hôm nay 27/08/2013 đã chính thức phản ứng. Theo Tokyo, ông Ban Ki Moon đã hiểu sai quan điểm của Nhật Bản, và sẽ yêu cầu ông giải thích về tuyên bố đó.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon - REUTERS /C. Platiau
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon - REUTERS /C. Platiau
Quảng cáo

Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga nhắc lại là thủ tướng Shinzo Abe đã kêu gọi Hàn Quốc và Trung Quốc mở đối thoại với Tokyo mặc dù giữa đôi bên vẫn còn các vấn đề tồn đọng. Theo ông Suga, « chắc chắn là phát biểu của ông Ban Ki Moon được đưa ra trên cơ sở một sự hiểu biết không đầy đủ về quan điểm của Nhật Bản ». 

Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản còn nói thêm là Tokyo sẽ yêu cầu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc giải thích về câu nói của ông theo đó lãnh đạo Nhật phải « tự soi rọi (lịch sử nước mình) một cách rất sâu sắc ». 

Xin nhắc lại là hôm qua, 26/08, tại Seoul, phát biểu trước báo chí sau chuyến thăm 5 ngày, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon – nguyên là Ngoại trưởng Hàn Quốc - đã nói : « Tôi rất lấy làm tiếc là căng thẳng vẫn dai dẳng (giữa 3 quốc gia Đông Bắc Á) do những vấn đề lịch sử và những lý do chính trị khác... Điều chúng ta cần là giới lãnh đạo chính trị chứng tỏ quyết tâm. Cần có một sự đánh giá đúng đắn về lịch sử ». 

Phát biểu của ông Ban Ki Moon đã được đưa ra vào lúc quan hệ giữa Tokyo với cả Seoul lẫn Bắc Kinh đều căng thẳng do tranh chấp chủ quyền biển đảo. Chính quyền Shinzo Abe lại tỏ thái độ cứng rắn, và đã làm cho các láng giềng bất bình bằng một số cử chỉ nhân ngày kỷ niệm Nhật đầu hàng 15/08 vừa qua : Để cho hai bộ trưởng Nhật đến đền thờ Yasukuni, trong lúc chính ông Abe không đến nhưng đã cho mang lễ vật đến đấy. Dưới mắt Hàn Quốc và Trung Quốc, đền Yasukuni là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật. 

Hơn nữa, trong bài diễn văn rất được theo dõi nhân dịp đó, ông Shinzo Abe cũng không một lời nhắc đến các khổ đau mà quân đội Nhật hoàng đã gây ra trong nửa đầu thế kỷ 20, khác hẳn với những người tiền nhiệm của ông trong hai thập niên gần đây. Bắc Kinh và Seoul đã lên tiếng và cũng kêu gọi Tokyo nhìn lại lịch sử của mình một cách đúng đắn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.