Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Thái Lan bị tố cáo bóc lột người nhập cư trái phép

Một công trình nghiên cứu của Tổ chức Lao Động Quốc tế ILO được công bố ngày 02/09/2013 tại Bangkok lên án ngành đánh bắt cá của Thái Lan cưỡng bức lao động, sử dụng người nhập cư trái phép, đặc biệt là các công dân Cam Bốt và Miến Điện kể cả lao động trẻ em.

Tôm tươi bày bán ngoại chợ tại Thái Lan, quốc gia đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu thủy hải sản.
Tôm tươi bày bán ngoại chợ tại Thái Lan, quốc gia đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu thủy hải sản. Getty Images/Karen Trist
Quảng cáo

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tố cáo ngành ngư nghiệp của Thái Lan cưỡng bức lao động, khai thác sức lao động của trẻ em, hành hạ người nhập cư trái phép. Thái Lan là nguồn cung cấp hải sản lớn thứ ba của thế giới.

Một công trình nghiên cứu của ILO được công bố ngày 02/09/2013 tại Bangkok lên án ngành đánh bắt cá của Thái Lan cưỡng bức lao động, sử dụng người nhập cư trái phép, đặc biệt là các công dân Cam Bốt và Miến Điện kể cả lao động trẻ em.

17 % trên tổng số 600 công nhân được Tổ chức Lao động Quốc tế tham khảo ý kiến cho biết họ bị các chủ tàu Thái Lan bóc lột, bạo hành và cưỡng bức lao động. Cụ thể là họ bị chủ đe dọa cắt tiền lương, hoặc khai báo với sở di trú về sự hiện diện bất hợp pháp của những người lao động nước ngoài đến Thái Lan sinh sống.

Hơn 10 % trong số nhân chứng đã tiếp xúc với ILO cho biết họ bị đánh đập, 25 % thì bị chủ bắt làm việc suốt ngày đêm.

Trả lời báo chí trong buổi ra mắt báo cáo nói trên vào sáng nay tại Bangkok, đại diện của tổ chức ILO Max Tunon lưu ý : « Công trình nghiên cứu nói trên cho thấy ngành ngư nghiệp của Thái Lan vi phạm nghiêm trọng luật lao động quốc tế. Đa số nhân công trong ngành là những người nhập cư không có giấy phép hoạt động, do vậy họ lại càng là dễ bị bóc lột ». Tổ chức Lao động Quốc tế nhấn mạnh : Ngư dân trên tàu cá của Thái Lan làm việc trong những điều kiện « tồi tệ nhất ».

Thái Lan là nguồn cung cấp hải sản thứ ba của thế giới, xuất khẩu tới 7 tỷ đô la hàng năm. Lĩnh vực kinh tế này chiếm đến 1,2 % GDP toàn quốc.

Báo cáo của tổ chức ILO nói rõ là vào lúc các nguồn đánh bắt cá và hải sản ngày càng khan hiếm, cộng với giá xăng dầu tăng cao, các chủ tàu càng có khuynh hướng khai thác người lao động nhập cư trái phép và chỉ trả thù lao với giá rất thấp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.