Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Đồng rupee trượt giá, dấu hiệu kinh tế Ấn Độ bị hụt hơi

Đăng ngày:

Trong 8 tháng đầu năm 2013, đồng rupee của Ấn Độ mất giá 20 % so với đô la. Tăng trưởng kinh tế bị chựng lại và hiện tượng vốn đầu tư ồ ạt tháo rút khỏi Ấn Độ là hai nguyên nhân làm suy yếu đồng tiền của nền kinh tế lớn thứ ba tại châu Á này. Vì sao đồng tiền của Ấn Độ bị mất giá mạnh. Phải chăng đây là dấu hiệu nền kinh tế đang trỗi dậy này bắt đầu bị hụt hơi ? Chính quyền New Delhi cần phải làm những gì để tái lập niềm tin của thị trường ?

Một nhân viên vận chuyển tiền bên trong ngân hàng, Agartala, thủ phủ tiểu bang Tripura, đông bắc Ấn Độ, 22/08/2013.
Một nhân viên vận chuyển tiền bên trong ngân hàng, Agartala, thủ phủ tiểu bang Tripura, đông bắc Ấn Độ, 22/08/2013. REUTERS/Jayanta Dey
Quảng cáo

Ngày 22/08/2013 đơn vị tiền tệ của Ấn Độ xuống thấp đến mức kỷ lục : 65,04 rupee đổi lấy 1 đô la. Sự kiện này làm rúng động các thị trường tài chính quốc tế. Nghi ngờ về tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế đứng thứ 10 trên toàn cầu càng lớn.

Là một trong 5 cột trụ của nhóm BRICS và là một thành viên của G20, nhưng trong năm 2012 tỷ lệ tăng trưởng của Ấn Độ đã rơi xuống mức thấp nhất từ một thập niên qua, chỉ đạt 5 %. Trong vỏn vẹn hai tài khóa, tỷ lệ tăng trưởng của Ấn Độ chỉ còn bằng một nửa so với đỉnh cao của tài khóa 2010.

Thậm chí theo thẩm định của ngân hàng Pháp, BNP Paribas, thì GDP của ông khổng lồ Nam Á này trong tài khóa 2013 còn không đạt nổi 4 %. Đây sẽ là tỷ lệ tồi tệ nhất từ năm 1992 tới nay. Trong khi đó theo lời bộ trưởng Tài chính Chidambaram, tổng sản phẩm nội địa Ấn Độ cần tăng trưởng tối thiểu 8 % một năm để bảo đảm công việc làm cho những người vừa gia nhập thị trường lao động và cải thiện đời sống cho 1/5 dân số Ấn Độ hiện sống dưới ngưỡng nghèo khó.

Không một nhà kinh tế nào trong số hơn 30 chuyên gia được hãng thông tấn Reuters tham khảo tin rằng toàn cảnh kinh tế của Ấn Độ sớm được cải thiện. Chỉ số tin tưởng của các doanh nhân Ấn Độ đang rơi xuống vực sâu. Thủ tướng Manmohan Singh không có được đa số rộng rãi ở Quốc hội để mạnh dạn tiến hành các chương trình cải tổ.

Điều này đã làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài như nhận định của thông tín viên đài RFI, Sébastien Farcis, từ Bombay :

« Gần đây nhất, một trong những tập đoàn hủy bỏ chương trình đầu tư vào Ấn Độ lại chính là Arcelor Mittal. Tập đoàn công nghiệp sắt hàng đầu của thế giới này do một người Ấn Độ đứng đầu, đó là ông Lakshmi Mittal. Arcelor từ năm 2006 đã ráo riết tìm cách mở nhà máy luyện kim đầu tiên tại Ấn Độ. Tổng trị giá dự án đầu tư lên tới 9 tỷ euro. Nếu được thực hiện, thì đây là một trong những kế hoạch đầu tư nước ngoài lớn nhất trên quê hương thánh Gandhi trong những năm gần đây.

Arcelor đã ký kết nhiều hợp đồng với chính quyền địa phương để xây dựng nhà máy đó. Nhưng thủ tục hành chính rườm rà, Arcelor chờ đợi mãi vẫn chưa được cấp đất để khởi động chương trình xây dựng nhà máy và vẫn chưa được giấy phép để khai thác mỏ ở bang Odisha. Dù vậy tập đoàn công nghệ thép Arcelor vẫn không tuyệt vọng và đã có gắng tìm cách thuyết phục các đối tác Ấn Độ để được mở hai nhà máy nhỏ hơn tại hai địa bàn khác.

Arcelor Mittal không phải là một trường hợp cá biệt. Gần như cùng lúc Arcelor quyết định dời lại dự án đầu tư 9 tỷ ở bang Odisha, thì tập đoàn sắt Posco của Hàn Quốc cũng đã thông báo hủy bỏ chương trình đầu tư tại Ấn Độ vì những lý do tương tự.

Không chỉ có ngành luyện kim của Ấn Độ làm các nhà đầu tư nản lòng. Nhiều lĩnh vực khác, từ ngân hàng - như trong trường hợp của UBS và Morgan Stanley- đến hãng chế tạo trong thiết bị viễn thông Augere Wireless của Anh cùng đều đình chỉ các dự án hợp tác với Ấn Độ. Nội trong một năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn đã giảm đi mất 27 %.

Vậy thì đâu là nguyên nhân dẫn đến việc các nhà đầu tư nước ngoài lần lượt rút vốn khỏi Ấn Độ hay dời lại các dự án thâm nhập thị trường đông dân thứ nhì trên thế giới này ?

Đương nhiên nạn tham nhũng và guồng máy hành chính rườm rà là những yếu tố khiến Ấn Độ mất đi sức thu hút. Nhưng thêm vào đó do kinh tế sa sút và đang chựng lại trong thời gian gần đây đã khiến các tập đoàn đa quốc gia phải xét lại dự án đầu tư vào Ấn Độ.

Hãng xe hơi Peugeot của Pháp chẳng hạn, cách nay hai năm đã thông báo xây dựng một nhà máy sản xuất ở miền bắc Ấn Độ. Nhưng rồi Peugeot đã hồi lại kế hoạch này do những khó khăn mà bản thân tập đoàn đang gặp phải trên thị truờng châu Âu. Tuy vậy ai cũng biết là trong lúc mà thị trường xe hơi Trung Quốc tăng trưởng đến 20 % một năm thì Peugeot đã không ngần ngại dành ưu tiên cho Trung Quốc.

Dù sao đi chăng nữa, một trong những trở ngại hàng đầu khi muốn mở địa bàn hoạt động tại Ấn Độ vẫn là làm thế nào để được cấp nhà đất hòng xây dựng cơ sở sản xuất. Luật nhà đất của Ấn Độ hiện hành từ thời thuộc địa, không còn phù hợp với thực tế ngày nay. Bên cạnh đó là nạn tham nhũng hoành hành. Để được việc thì phải biết chi tiền hối lộ các quan chức địa phương ở mỗi cấp lớn hay nhỏ. Theo bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về điều kiện thuận lợi để làm ăn, trên tổng số 185 quốc gia Ấn Độ đứng hạng thứ 173 ».

Tham nhũng

Nạn tham nhũng, các hành vi hối lộ làm xấu đi hình ảnh của Ấn Độ trong mắt các nhà đầu tư. Gần đây, Quốc hội vừa thông qua chương trình hỗ trợ lương thực được coi là « quy mô nhất và tham vọng nhất » từ trước tới nay. Đó là một chương trình trị giá 230 tỷ rupee, tương đương với gần 4 tỷ đô la - để trợ cấp gạo và lúa mì cho 70 % dân số Ấn Độ, tức 810 triệu con người.

Chính phủ bị chỉ trích đưa ra một biện pháp lấy lòng dân để mua chuộc lá phiếu cử tri vài tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội vào mùa xuân 2014. Nhưng bên cạnh đó không một cơ quan nghiên cứu kinh tế nào tin tưởng vào hiệu quả của chương trình trợ cấp lương thực đó.

Theo thẩm định của chính một cơ quan nhà nước Ấn Độ, sẽ có tới 58 % lương thực của chương trình hỗ trợ lương thực nói trên không đến được tay người dân nghèo cần giúp đỡ do lúa, gạo và nông phẩm bị các cán bộ điều hành ăn bớt, ăn chận.

Một thí dụ khác về tình trạng tham nhũng ở Ấn Độ : vào cuối tháng 8/2013, chính phủ đã thông qua một chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở trị giá 27 tỷ đô la và đầu tư hơn 1 000 tỷ đô la vào các dự án xây dựng cầu đường, hải cảng từ nay cho đến năm 2017. Thế nhưng không ai quên rằng, mới chỉ hồi tháng 5 vừa qua, chính bộ trưởng bộ Đường Sắt Ấn Độ đã ra tòa và bị xử vì một vụ tai tiếng tham nhũng, nhận hối lộ hàng tỷ euro !

Đồng rupee mất giá lợi và hại đối với Ấn Độ

Ấn Độ hiện có một khoản dự trữ ngoại tệ trên dưới 280 tỷ đô la, vừa đủ để trang trải nợ công và các khoản hàng nhập khẩu trong vòng 6 tháng. Cán cân thương mại và ngân sách của nhà nước bị thâm hụt nghiêm trọng nhưng trong hơn một chục năm qua, nhưng cả hai khoản thâm hụt đó đã phần nào được bù đắp lại nhờ vốn quốc tế ồ ạt đổ vào quốc gia đông dân thứ nhì của địa cầu.

Nhưng trong gần hai thập niên qua kể từ đầu những năm 1990, các chương trình cải tổ về thuế khóa, về cơ cấu và kể cả trong lĩnh vực lao động của Ấn Độ đã gây thất vọng. Với thâm hụt gần 90 tỷ đô la một năm trong cán cân thanh toán, Ấn Độ là quốc gia có mức mất cân bằng vào bậc nhất của thế giới.

Với một đơn vị tiền tệ bị mất giá đến 1/5 so với đồng đô la Mỹ, ngành xuất khẩu Ấn Độ kỳ vọng được tiếp sức để vươn ra các thị trường nước ngoài. Nhưng nhìn chung, cán cân thương mại của Ấn Độ sẽ bị xấu đi. Đây chính là lý do vì sao Ngân hàng trung ương Ấn Độ đang bị bó tay. Một lúc New Delhi cần ngăn chặn sự chảy máu vốn đầu tư làm mất giá đồng rupee, mặt khác tăng lãi suất sẽ làm nản lòng các hoạt động đầu tư trong nước, tác động trực tiếp đến đà tăng trưởng vốn đã yếu kém của Ấn Độ.

Nếu chỉ nhìn riêng vào cán cân thương mại, nhập siêu của Ấn Độ đã lên hơn 200 tỷ đô la một khi đồng rupee mất giá là gây thêm gánh nặng cho New Delhi, thâm hụt ngoại thương càng lớn.

Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia về tình hình Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng Kinh tế và Thông tin Quốc tế CEPII, ông Jean Joseph Boillot phân tích :

« Ngân hàng trung ương Ấn Độ hiện đang đứng trước hai sự chọn lựa : Một mặt để chống lại hiện tượng đồng tiền quốc gia bị mất giá và thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại Ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất chỉ đạo. Có như thế mới thuyết phục được tư bản quốc tế đổ vào nền kinh tế nước này. Thế nhưng mặt khác, khi mà lãi suất ngân hàng tương đối cao – như là trường hợp hiện nay, khi lãi suất đang ở mức hơn 10 % - thì đó là một trở lực, làm nản lòng các nhà đầu tư và về lâu về dài, dẫn tới tình trạng suy thoái kinh tế.

GDP của Ấn Độ tăng với nhịp độ khoảng từ 4 đến 5 % vào năm ngoái. Đây là một tỷ lệ quá kém cỏi để cho phép chính quyền trung ương thu hẹp bội chi ngân sách. Cũng phải nói là tỷ lệ thâm hụt ngân sách của New Delhi đã vượt quá ngưỡng 10 % GDP. Đây là một gánh nặng đối với chính phủ và Nhà nước chờ đợi kinh tế Ấn Độ khởi sắc trở lại để thu thêm thuế, hòng giải quyết nợ công và bội chi ngân sách.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng trung ương trong thế của một nhà làm xiếc đi dây : vừa phải thu hút chú ý của các nhà đầu tư ngoại quốc nhưng đồng thời cũng phải duy trì lãi suất ở một mức độ vừa phải – tức là không quá cao – tránh để phương hại đến tăng trưởng và đầu tư nội địa »

Do để ngăn chặn bớt đà tuột dốc của đồng tiền quốc gia, tuần trước Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã tung ra 80 tỷ roupee, tương đương với khoảng 940 triệu euro, để mua vào đồng rupee. Ngoài ra định chế này cũng đang mua vào công trái phiếu và thắt lại phần nào van tín dụng để giữ giá cho đồng roupee.

Thế nhưng các tín hiệu trái ngược nhau của các giới chức tiền tệ Ấn Độ không đủ sức trấn an thị trường. Chuyên gia kinh tế Jean Joseph Boillot phân tích thêm về hiện tượng đồng tiền Ấn Độ bị trượt giá :

« Trên thực tế đồng rupee đang cao giá hơn so với trị giá thực của nó. Từ gần một chục năm qua, cách biệt về lạm phát của Ấn Độ so với tỷ lệ lạm phát trung bình của thế giới ở vào khoảng 8 %. Lạm phát của Ấn Độ cao hơn nhiều nơi khác. Điều đó cũng có nghĩa là hàng sản xuất bằng đồng rupee trở nên đắt đỏ. Đó chính là nguyên nhân thứ nhất dẫn tới thâm hụt cán cân thương mại của Ấn Độ.

Tuy nhiên trong một thời gian dài thâm hụt cán cân thương mại đã được nguy trang do các luồng vốn đầu tư quốc tế dồn dập đổ vào Ấn Độ. Vấn đề chỉ được phơi bày ra ánh sáng khi mà tư bản chảy ngược lại về xuất xứ, chủ yếu là đổ lại về Mỹ. Trong bối cảnh đó, hiện tượng đồng rupee bị mất giá không khiến tôi lo ngại bằng việc cả ba yếu tố không hay cùng đang dồn về Ấn Độ một lúc. Tức là cùng thời điểm, chính quyền New Delhi phải đối phó với hiện tượng chảy máu vốn đầu tư nước ngoài, đồng tiền quốc gia mất giá và tăng trưởng kinh tế bị chựng lại. Đồng rupee đột ngột giảm giá tạo ra hiện tượng lạm phát trên thị trường nội địa Ấn Độ - lạm phát trong tháng 8/2013 vượt quá ngưỡng 10 %- bởi vì Ấn Độ lệ thuộc vào hàng nhập. Tôi muốn nói tới năng lượng, lương thực, thực phẩm. Chính vì vậy Ngân hàng trung ương Ấn Độ bắt buộc phải can thiệp để hãm bớt đà tuột dốc của đồng rupee »

Vậy câu hỏi then chốt Ngân hàng Trung ương Ấn Độ có thể can thiệp được đến đâu để ổn định lại đồng rupee ? Chuyên gia Boillot thuộc Trung tâm nhiên cứu CEPII của Pháp trả lời :

« Điều duy nhất Ngân hàng trung ương Ấn Độ có thể làm được là sử dụng khoản dự trữ ngoại tệ đang có, tức trên dưới 280 tỷ đô la để mua đồng rupee vào, hòng hãm bớt đà giảm giá của đồng tiền quốc gia. Thế nhưng đây cũng chỉ là một biện pháp phải sử dụng một cách thận trọng, tránh để tạo ra không khí hoảng loạn … Chính vì thế mà định chế tài chính này đã thông báo nhiều biện pháp khác, chẳng hạn như giới hạn khối lượng tiền mà người Ấn Độ có thể đem ra ngoại quốc, hay đánh thuế vàng nhập vào thị trường nội địa do đây là một trong những nguyên nhân chính gây thâm hụt cán cân thương mại cho Ấn Độ.

Sự can thiệp đó của Ngân hàng trung ương đã giúp Ấn Độ tránh bị lạm phát ngựa phi. Nhưng theo tôi, ngoài ra New Delhi cần nhanh chóng giải quyết bội chi ngân sách, đồng thời cộng đồng quốc tế cần phối hợp chặt chẽ hơn về chính sách tiền tệ, tránh để tiếp diễn hiện tượng vốn chảy ngược từ các nước đang trỗi dậy về các nền kinh tế phát triển như là Hoa Kỳ hay châu Âu. Đây là việc làm cần thiết vì hiện tượng tư bản chảy ngược đó không có lợi cho một ai cả ».

Dù sao đi chăng nữa, có một thực tế không thể chối cãi đó là hiện tượng đồng rupee bị mất giá buộc 300 triệu người dân Ấn Độ trong tầng lớp trung lưu phải giảm mức độ chi tiêu.

Nhiều sinh viên nuôi mộng đi du học nước ngoài phải xét lại các phương tiện tài chính khi mà đồng tiền quốc gia đang mất giá đến gần 25 % so với đồng đô la trong tám tháng đầu năm 2013. Khối lượng xe hơi bán ra trên thị trường Ấn Độ cũng đã giảm đi đáng kể trong 9 tháng liên tiếp do giá xăng, dầu trở nên quá đắt với một đồng tiền quốc gia bị mất giá. Các công ty du lịch Ấn Độ chờ đợi lượng du khách Ấn đi tham quan nước ngoài trong năm nay giảm đi tới 20 %.

Một số hàng nhập từ nước ngoài vốn được người dân Ấn Độ ưa chuộng và dễ dàng mua sắm bỗng dưng trở thành những mặt hàng sa sỉ. Nhiều cửa hàng hạng sang ở các trung tâm thương mại tại Bombay hay New Delhi đã phải đóng cửa. Nhưng không chỉ thế, một số các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, phân bón, dầu ăn, trong nhưng tháng vừa qua tại Ấn Độ cũng đã tăng vọt. Cụ thể là xăng tăng 10 % nội trong tháng 7, khi giá đồng rupee cứ tiếp tục giảm từ kỷ lục này đến kỷ lục khác.

Nhìn rộng ra hơn, Ấn Độ không phải là quốc gia đang trỗi dậy duy nhất trông thấy đơn vị tiền tệ của mình trượt giá. Brazil cũng trong hoàn cảnh tương tự. Chính sách tiền tệ của cả Ấn Độ lẫn Brazil đều bị những quyết định của Ngân hàng trung ương Âu, Mỹ, đặc biệt là của Hoa Kỳ chi phối. Đây chính là lý do khiến từ mùa xuân vừa qua, 5 thành viên nhóm BRICS đã tuyên bố ý định thành lập ngân hàng phát triển và một quỹ dự trữ ngoại tệ riêng cho Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Mục tiêu đơn giản là tránh để đơn vị tiền tệ của những quốc gia này bị động vì những quyết định đến từ Washington hay Bruxelles. Các bên sẽ họp riêng bên lề thượng đỉnh G20 tại Saint-Petersbourg tuần này để thúc đẩy hai kế hoạch nói trên.

Nhưng bên cạnh đó, thì không thể chối cãi là đà tăng trưởng của các nước đang vươn lên, từ Ấn Độ đến Brazil, Trung Quốc đều đang bị chựng lại và tất cả các thành viên trong nhóm BRICS cùng đang đi tìm một làn gió mới để thúc đẩy tăng trưởng trở lại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.