Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - THỂ THAO

Tokyo được chọn tổ chức Thế vận hội 2020

Lo ngại về Fukushima không làm tiêu tan hy vọng của Tokyo được tổ chức Thế vận hội 2020. Sau 56 năm, Tokyo lại được vinh dự đón lá cờ Olympic. Thủ tướng Abe kỳ vọng đây là sự « tái sinh » sau động đất và sóng thần năm 2011. Báo chí Trung Quốc bị đả kích đưa tin thất thiệt khi loan báo Istanbul được chọn đón mừng Olympic 2020.

Mừng Tokyo được chọn làm nơi đăng cai Thế Vận Hội 2020, trước Trụ sở chính quyền Tokyo, 08/09/2013.
Mừng Tokyo được chọn làm nơi đăng cai Thế Vận Hội 2020, trước Trụ sở chính quyền Tokyo, 08/09/2013. REUTERS/Yuya Shino
Quảng cáo

Vào lúc 20 giờ quốc tế ngày 07/09/2013, tại Buenos Aires, Ủy ban Thế vận Quốc tế CIO chính thức thông báo Tokyo được chọn để tổ chức Olympic 2020. Thủ đô Tây Ban Nha, Madrid, bị loại ngay từ vòng một cuộc bỏ phiếu. Thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và Tokyo tiếp tục vào chung kết.

Ở vòng cuối cùng, Tokyo đã giành được 60 phiếu ủng hộ, trong lúc thành phố Istanbul chỉ thuyết phục được 36 thành viên của Ủy ban Thế vận Quốc tế. Những lo ngại từ nhà máy điện Fukushima đã không gây trở ngại cho đơn xin tổ chức Olympic 2020 của Tokyo. Trong lịch sử của Thế vận hội, đến nay Tokyo là thành phố châu Á duy nhất được vinh dự đón lá cờ Thế vận lần thứ nhì. Lần trước là vào năm 1964.

Trong khi đó tại Trung Quốc, báo chí chính thức của Bắc Kinh lại loan báo là Tokyo đã bị loại và vinh dự đón Thế vận hội Olympic 2020 về tay Istanbul. Trên trang mạng internet, Tân Hoa Xã cho biết Ủy ban Thế vận Quốc tế tin tưởng vào Thổ Nhĩ Kỳ. Còn đài truyền hình nhà nước của Trung Quốc thì khẳng định là Tokyo đã bị loại ngay từ vòng đầu, thua hẳn Istanbul và Madrid.

Cho dù những thông tin sai lạc nói trên đã bị rút xuống khỏi các trang internet, nhưng dân cư mạng Trung Quốc không ngớt lời chỉ trích các phương tiện truyền thông chính thống của Bắc Kinh. Trên trang tiểu blog Sina Weibo, một người bình luận là các phương tiện truyền thông của chính quyền làm « trò cười cho thiên hạ ». Một người khác thì cho rằng « những kẻ nói láo phải bị trừng phạt » : bình luận viên này muốn nói, chính quyền Trung Quốc luôn viện cớ phao tin thất thiệt để trừng phạt những các blogger, thì bây giờ luật chơi đó cũng phải được áp dụng với các phương tiện truyền thông chính thức.

AFP lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên báo chí chính thức của Trung Quốc bị hớ. Vào năm ngoái tờ Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc, đã từng lấy lại tin từ một tờ báo châm biếm của Mỹ bình chọn lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un, là « nhân vật sexy » nhất của năm 2012.

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.