Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Cam Bốt đang lún sâu vào khủng hoảng chính trị

Bất chấp nỗ lực hòa giải của Quốc vương Sihamoni, cả phe đối lập lẫn đảng đang cầm quyền của thủ tướng Hun Sen cùng không nhượng bộ. Thủ đô Phnom Penh bị tê liệt vì các cuộc biểu tình rầm rộ đòi điều tra độc lập về những hành vi gian lận trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 28/07/2013. Chính quyền Cam Bốt bị tố cáo sử dụng vũ lực.

Nhiều tu sĩ Phật giáo cũng tham gia cuộc biểu tình của đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt (đối lập) tại Phnom Penh ngày 16/09/2013.
Nhiều tu sĩ Phật giáo cũng tham gia cuộc biểu tình của đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt (đối lập) tại Phnom Penh ngày 16/09/2013. REUTERS/Athit Perawongmetha
Quảng cáo

Thủ tướng Hun Sen và đối thủ chính trị từ lâu năm của ông là lãnh đạo đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt, Sam Rainsy, vào sáng nay (16/09/2013) gặp lại nhau lần thứ nhì ở Quốc hội nhằm tháo gỡ bế tắc đã kéo dài từ cuối tháng 7/2013 tới nay.

Trước mắt phe đối lập vẫn không công nhận kết quả bầu cử chính thức được công bố hôm 08/09, theo đó đảng Nhân dân Cam Bốt đang cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen giành được 68 ghế tại Quốc hội. Còn đảng do ông Sam Rainsy lãnh đạo, là đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt chỉ có 55 đại biểu.

Phe đối lập dọa tẩy chay phiên họp đầu tiên vào ngày 23/09 của Quốc hội vừa được bầu lên. Đảng này tố cáo chính quyền của Thủ tướng Hun Sen gian lận bầu cử và Phnom Penh phải cho mở một cuộc điều tra độc lập về những hành vi đáng nghi ngờ trong cuộc tuyển cử cuối tháng 7 vừa qua.

Về phần mình, đảng Nhân dân Cam Bốt cho tới nay vẫn làm ngơ trước đòi hỏi kiểm lại phiếu của đối lập. Thủ tướng Hun Sen cảnh báo là ông sẽ thành lập chính phủ mới cho dù đảng đối lập có tẩy chay khóa họp sắp tới của Quốc hội Cam Bốt đi chăng nữa.

Một cuộc đọ sức giữa hai bên đang diễn ra trên đường phố : một tuần lễ sau khi kết quả bầu cử chính thức Cam Bốt được công bố, đảng đối lập tổ chức một đợt phản kháng mới, được dự trù kéo dài ba ngày kể từ ngày kể từ hôm qua 15/09/2013.

Trong ngày đầu tiên,phong trào đã huy động được 20.000 người xuống đường, và theo hãng Reuters có mặt tại chỗ, suốt đêm hôm qua, dù không được phép tập hợp, khoảng 1.000 người đã cắm trại ngay trong công viên Tự do ở Phnom Penh để tiếp tục thách thức chính quyền.

Về phía chính quyền, cho tới hôm nay, lực lượng an ninh duy trì các rào cản trên các trục lộ chính dẫn vào phủ thủ tướng hay nhà riêng của ông Hun Sen.

Trong đợt biểu tình hôm qua, một thanh niên bị thiệt mạng, và nhiều người bị thương. Theo lời ông Ou Virak chủ tịch Trung Tâm Nhân Quyền Cam Bốt, một tổ chức phi chính phủ có uy tín, được AFP trích dẫn, nạn nhân đã bị bắn vào đầu, nhiều người khác bị các lực lượng an ninh Cam Bốt dùng đạn thật bắn bị thương.

Đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt trực tiếp tố cáo cảnh sát sử dụng vũ lực nhắm vào người biểu tình. Đương nhiên lực lượng an ninh Cam Bốt bác bỏ những cáo buộc trên.

Theo một số nhà phân tích được Reuters trích dẫn, có nhiều khả năng đối lập Cam Bốt tiếp tục gây áp lực làm tê liệt tình hình chính trị ở Cam Bốt. Đây sẽ là bước đầu của một cuộc « chiến tranh cân não » để đến một lúc nào đó buộc đối phương phải nhượng bộ.

Thủ tướng Hun Sen, 61 tuổi, đã liên tục lãnh đạo đất nước từ 28 năm qua. Đảng Nhân dân Cam Bốt của ông luôn tự hào là bảo đảm cho Cam Bốt được ổn định cả về phương diện chính trị lẫn kinh tế.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, nạn tham nhũng hoành hành, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn cũng như chính sách trưng thu đất đai của nông dân để phục vụ lợi ích đầu tư bất động sản của các quan chức trong chính quyền đã gây nhiều phẫn nộ trong công luận Cam Bốt.

Chưa ai biết được khủng hoảng chính trị Cam Bốt sẽ kéo dài bao lâu, nhưng một số người cho rằng, Thủ tướng Hun Sen sẽ khó có thể tiếp tục bịt miệng phe đối lập.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.