Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - INTERNET

Bắc Kinh lo sợ thất bại trong trận chiến kiểm duyệt trên mạng

Hàng loạt vụ bắt giam các blogger tỏ thái độ chống đối chính quyền thời gian gần đây cho thấy Bắc Kinh quyết tâm bịt miệng những tiếng nói đi ngược với quyền lợi của chính quyền. Nhật báo Le Monde nhận định vấn đề này trong bài xã luận : « Trung Quốc kiểm soát người sử dụng internet » và phân tích chi tiết hơn trong bài : « Tencent, kiểm duyệt thường nhật ».

REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Bài xã luận cho biết chính quyền Trung Quốc muốn kiểm soát khoảng không gian tự do mà hàng triệu blogger đang từng bước chiếm được. Hoạt động của họ ngày càng tỏ ra chỉ trích và gay gắt hơn. Chính vì thế, từ đầu mùa hè vừa qua, nhà cầm quyền quyết định thực hiện chiến dịch đe dọa bằng việc bắt giam hàng loạt blogger có tiếng.

Bắc Kinh sử dụng những biện pháp cũ như công bố trên phương tiện thông tin đại chúng những blogger bị giam trong tù tỏ ra ăn năn hối hận (như trường hợp mới đây của một người Mỹ gốc Trung, ông Charles Xue/Tiết Tất Quần -một blogger chuyên về bình luận chính trị có đến hơn 10 triệu bạn đọc). Đây là cách hiệu quả nhất để hăm dọa những blogger khác trên mạng Trung Quốc. Tuần vừa qua, nhà cầm quyền tỏ ra cứng rắn hơn khi công bố một quy chế mới với hình phạt ba năm tù đối với những người truyền tải « những thông tin sai » hay « tin đồn » trên blog được hơn 5.000 người xem hay hơn 500 lần tweet.

Xã luận Le Monde nhận định những biện pháp trên như đang chứng minh Đảng Cộng sản Trung Quốc lo sợ thất bại ngay trên trận chiến kiểm soát ý kiến trên mạng. Trong nhiều công bố của mình, Đảng chủ trương đánh giá mạng internet là phương tiện được các thế lực phương tây thù địch với cơ quan lãnh đạo Trung Quốc trợ cấp và giật dây.

Đảng cầm quyền song song tiến hành hai chiến dịch : Chống tham nhũng và kiểm soát mạng internet. Nhưng chính những blogger đã cung cấp thông tin về tài sản của các cán bộ cao cấp của Đảng lại là những người lo sợ nhất. Một số người cho rằng nhà cầm quyền hiện nay cũng lo lắng như những người tiền nhiệm của mình. Một mặt, họ bận tâm củng cố quyền lực, mặt khác tiến hành thắt chặt kiểm soát chính trị trên toàn đất nước.

Trong bài: « Tencent, kiểm duyệt thường nhật », Le Monde trích những lời kể từ một kỹ sư trẻ Trung Quốc làm việc cho nhà mạng khổng lồ Tencent (trong tiếng Hoa là "Đằng Tấn"), nổi tiếng với dịch vụ chát online QQ. Giấc mơ được làm trong một công ty công nghệ cao nay trở thành một « công việc bẩn thỉu », theo đúng lời kể của kỹ sư trẻ trên. Các nhóm của Tencent phải gắn những phương tiện kiểm duyệt vào các ứng dụng hay diễn đàn thảo luận mà họ phát triển. Đây là điều kiện để công ty có thể khai thác được thị trường 591 triệu khách hàng internet. Ngược lại, các nhà mạng khổng lồ Trung Quốc phải tỏ ra nhiệt tình trong việc kiểm duyệt ngay trong trứng nước những ý kiến của người sử dụng. Họ phải tránh mọi xì-căng-đan có thể xảy ra bằng việc loại bỏ các bài đăng trên blog của những người dám tỏ ra chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc, lịch sử sóng gió của Đảng này hay những nhà lãnh đạo.

Tất cả các dịch vụ của Tencent, dù là một trang Web hay một ứng dụng, mở cho công chúng đều quay trở lại máy chủ để lọc tin. Việc thanh lọc trên cho phép cập nhật cơ sở dữ liệu những cụm từ bị cấm. Nếu người sử dụng nhấn tìm trên mạng những từ này, trên trang sẽ hiện lên câu : « Kết nối bị ngắt ». Vì thể không thể nói là một từ bị kiểm duyệt do nội dung chính trị. Sau khi mở một diễn đàn đề cập tới một vấn đề bị cấm, cho dù tác giả có xóa đi thì lịch sử của cuộc tranh luận vẫn được lưu trong máy chủ từ ba đến sáu tháng. Nhà cầm quyền có thể truy cập toàn bộ nội dung và như thế, họ biết hết về tác giả.

Bộ phận khách hàng của công ty Tencent còn đảm nhận thêm công việc xóa những thông tin bị cho là sai lệch hoặc những chỉ trích đối với nhà cầm quyền theo yêu cầu của họ. Kỹ sư trẻ kết luận : « Nếu Bắc Kinh muốn điều gì đó biến mất, bạn phải thực hiện không chậm trễ ». Tencent muốn vươn ra quốc tế và công bố đã có hàng trăm triệu tài khoản mở từ nước ngoài, cũng như trong cộng đồng người Hoa hải ngoại. Thế nhưng, những tin nhắn mang tính nhạy cảm được đăng từ nước ngoài cũng không thoát khỏi vòng kiểm duyệt của Tencent.

Một lãnh đạo cao cấp của một nhà mạng khổng lồ khác cho biết việc kiểm soát này đè nặng lên lịch làm việc của các nhà lãnh đạo của công ty. Họ phải chứng tỏ lòng trung thành với Đảng-Nhà nước và phục tùng các nhà kiểm duyệt.

Tại Trung Quốc, bệnh tiểu đường tăng cao

Trung Quốc cũng là chủ đề được tờ Libération quan tâm, nhưng trên khía cạnh xã hội với hiện tượng bệnh tiểu đường tăng cao tại quốc gia này.

Theo con số tờ Libération đưa ra, với 11,6% dân số bị mắc bệnh này (khoảng 114 triệu người), Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ, với 11,3% dân số mắc bệnh. Chỉ trong vòng ba năm, từ 2007 đến 2010, Trung Quốc có thêm 22 triệu bệnh nhân mới. Hiện tượng này liên quan trực tiếp tới cách thay đổi thói quen ăn uống và cách sinh hoạt của người dân.

Dù bệnh này khá dễ được chuẩn đoán, thế nhưng một số bác sĩ tại các bệnh viện địa phương vẫn chưa biết cách làm. Một số chuyên gia dự đoán việc số bệnh nhân tăng nhanh sẽ rất tốn kém. Một bác sĩ Trung Quốc nhận định với hãng tin Reuteurs rằng : « Bệnh này phát triển khá nhanh trong vòng hai mươi năm trở lại đây, nhưng chỉ đến bây giờ bệnh nhân mới bắt đầu muốn được điều trị và điều này sẽ gây cháy máu tài chính cho hệ thống bảo hiểm ».

Chi phí điều trị cho một bệnh nhân mắc bệnh khá nặng có thể lên tới 18.000 nhân dân tệ (khoảng 2.170 euro) mỗi năm, gần như tương đương với một năm lương của một người thành phố. Từ năm 2009, Trung Quốc bắt đầu phát triển hệ thống bảo hiểm, song cho tới nay vẫn còn phôi thai. Hệ thống này sẽ được phổ thông tới toàn dân vào năm 2020. Thế nhưng, khoản tiền bảo hiểm được hoàn lại cho bệnh nhân rất ít ỏi. Người bệnh thường phải bỏ tiền túi để trả viện phí. Khoản tiền này thường chiếm hết khoản tiền tiết kiệm của người bệnh hay của cả gia đình họ.

Đức : Bầu cử Quốc hội

Quay sang tình hình chính trị tại Đức, báo chí Pháp ra ngày hôm nay đều quan tâm tới sự kiện bầu cử Quốc hội tại Đức sẽ diễn ra trong ngày chủ nhật tới.

Nhật báo Le Figaro công bố kết quả thăm dò ý kiến người Pháp về kết quả bầu cử tại Đức. Theo đó, khoảng 63% người Pháp ủng hộ thủ tướng Merkel và cho rằng Pháp nên theo hình mẫu kinh tế của Đức. Các tờ Les Echos và La Croix đều đăng nhiều bài báo nhận định tình hình tranh cử đang diễn ra bên kia bờ sông Rhin.

Theo các tờ báo trên, liên minh CDU-CSU đứng đầu các cuộc điều tra. Thủ tướng hiện nay dự kiến sẽ tiếp tục đứng đầu chính phủ tới năm 2017. Thế nhưng, việc thành lập chính phủ liên minh có thể sẽ phức tạp hơn.

Các tờ Les Echos và Libération dành khá nhiều trang để phân tích điển hình thành công của nền kinh tế Đức. Trong bài điều tra : « Tại Leipzig, những ''con chốt'' cho thành công của Đức », đặc phái viên của báo tại Francfort cho biết cách đây mười năm, Đức có khoảng 4 triệu người thất nghiệp và bị coi là « bệnh nhân của châu Âu ». Nhờ những cải cách tự do hóa thị trường lao động, số lượng người thất nghiệp giảm xuống dưới 3 triệu người. Đức trở thành một trong hai nước có tỉ thất nghiệp thấp nhất châu Âu (5,4%), chỉ đứng sau Áo. Thế nhưng, đằng sau kết quả có vẻ khả quan này là tình trạng bấp bênh và số lượng những công việc vặt với mức thù lao thấp cũng không ngừng tăng lên. Năm vừa qua, Đức có khoảng 8 triệu việc làm chỉ gồm những hợp đồng ngắn hạn, công việc vặt hay việc bán thời gian. Việc lạm dụng lao động tạm thời đã trở thành vũ khí cho cuộc tranh cử của bà thủ tướng sắp mãn nhiệm. Bà Angela Merkel hứa giải quyết vấn đề này trong nhiệm kì tới.

Nhật báo cánh tả Libération hào phóng dành trọn 20 trang của mục « Sự kiện » để phân tích và đánh giá những thành công và hạn chế của chính sách của bà Angela Merkel. Tờ báo nhận định việc thủ tướng đương nhiệm sẽ tái cử sẽ không gây ngạc nhiên. Thế nhưng, chính phủ mới của bà sẽ phải đối mặt với tám thách thức lớn : Thách thức dân số với chính sách nhập cư và tình trạng dân số già ; thách thức ngoại giao với sự lo ngại mất vai trò lãnh đạo ; thách thức kinh tế để tiếp tục điều kì diệu của nền công nghiệp Đức ; thách thức liên hiệp châu Âu từ cuộc khủng hoảng đồng euro ; thách thức cơ sở hạ tầng với hàng loạt công trình xây dựng quy mô lớn ; vấn đề năng lượng với việc ngừng sản xuất điện hạt nhân và quay sang khai thác mỏ than ; vấn đề các đảng phái cực tả và cuối cùng là vấn đề văn hóa.

Đức Giáo hoàng Francisco trả lời phỏng vấn

Tạp chí công giáo La Civiltà Cattolica đã phỏng vấn Giáo hoàng Francisco trong vòng sáu tiếng. Hai tờ La Croix và Le Figaro quan tâm tới sự kiện này.

Cả hai tờ La Croix và Le Figaro trích đăng một phần trả lời phỏng vấn về quá trình hoạt động của Giáo hoàng, cách ngài quản lý Vatican và quan niệm của ngài về Giáo hội và con người. Thông qua buổi phỏng vấn, giáo hoàng thoải mái chia sẻ những thông tin và nhận định của ngài về nhiều lĩnh vực. Tờ Le Figaro tóm tắt những ý chính của buổi phỏng vấn dưới ba tiêu đề : tính cách của ngài, nghệ thuật quản lý Giáo hội và cải cách giám mục. Bài trích đăng trên tờ La Croix dài hơn, bao gồm mười hai câu hỏi chủ đạo.

Tổng biên tập tờ Etudes, trang báo công giáo điện tử Pháp, cho biết ý tưởng của cuộc phỏng vấn này là từ 16 tờ tạp chí văn hóa dòng Tên của châu Âu và Mỹ. Trong cuộc họp thường niên, năm nay diễn ra tại Lisbone hồi đầu tháng 6, đại diện các báo đưa ra ý tưởng phỏng vấn Giáo hoàng. Tổng biên tập tờ La Civiltà Cattolica đệ lên tòa Vatican ngày 14/06 và nhanh chóng được Giáo hoàng chấp thuận. Câu hỏi được gửi trước cho Giáo hoàng qua email. Tổng biên tập tờ La Civiltà Cattolica tiến hành phỏng vấn, sau đó viết bài tổng kết và trình Giáo hoàng đọc lại trước khi được công bố.

Thập niên 2000 là thập niên nóng nhất

Đây cũng là tiêu đề của bài báo đăng trên trang « Khoa học » của nhật báo Libération. Tờ báo cho biết các nhà khí hậu học sẽ trình bản báo cáo tại cuộc họp của Giec, sẽ diễn ra tại Stockholm vào tuần tới. Họ sẽ phải tăng cường cảnh báo về hiện trạng trái đất nóng lên. Phóng viên tờ Libération đã phỏng vấn một chuyên gia của Viện hàn lâm Khoa học để hiểu rõ hơn mức độ trầm trọng của vấn đề này.

Để độc giả hiểu được quá trình nóng lên của trái đất, bài báo cho biết từ năm 1960, việc thải khí CO2 là do đốt than, dầu mỏ, khí và sản xuất xi-măng, cũng như việc chặt phá rừng không ngừng tăng lên. Theo mô hình minh họa khí thải CO2 trong bài báo, năm 2010, khoảng 10 tỉ tấn khí CO2 được thải ra. Một phần của khí này nằm lại trong bầu khí quyển gây hiệu ứng nhà kính, một phần khác bị tích trong quyển sinh vật lục địa (cây cối và đất), phần thứ cuối cùng thì tích trong đại dương và các lớp trầm tích đại dương.

Bài báo cũng đăng bản đồ phác họa thay đổi nhiệt độ trung bình trên bề mặt trái đất trong giai đoạn 2071-2100 so với nhiệt độ tại thời kì 1971-2000 của Viện Pierre-Simon-Laplace. Theo đó, nhiệt độ trung bình sẽ tăng từ 1°C tới 8°C. Nhiệt độ trung bình tại khu vực bắc bán cầu sẽ tăng khá cao, trung bình từ 3°C đến 5°C. Bắc Băng Dương sẽ có thể có nhiệt độ trung bình tăng cao nhất, tăng thêm 8°C. Ngược lại, phía nam bán cầu sẽ có nhiệt độ trung bình tăng từ 1°C đến 3°C.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.