Vào nội dung chính
NĂNG LƯỢNG - KHÍ HẬU

Trung Quốc làm dịu cơn khát năng lượng bằng thủy điện

Để phục vụ cho nền kinh tế đang rất khát năng lượng, để phục vụ cho hơn 1,3 tỷ dân số, Bắc Kinh làm đủ mọi cách để tìm năng lượng. Một trong những nguồn năng lượng quan trọng của nước này là thủy điện. Với tham vọng thủy điện khổng lồ, Bắc Kinh đã lao vào công cuộc đắp đập ngăn sông, bất chấp mọi hậu quả về môi trường và dân sinh. Phản ánh chủ đề này, nhật báo Le Monde đăng bài đáng chú ý : «Trung Quốc cuồng đập thủy điện ».

Tại Trung Quốc, nhiều đập thủy điện được xây dựng tại những nơi có nguy cơ động đất cao. Ảnh AFP
Tại Trung Quốc, nhiều đập thủy điện được xây dựng tại những nơi có nguy cơ động đất cao. Ảnh AFP
Quảng cáo

Le Monde cho biết, Bắc Kinh đã đặt chỉ tiêu đầy tham vọng cho ngành thủy điện của nước này, đó là : Đến năm 2015, 15% năng lượng tiêu thụ của Trung Quốc sẽ được sản xuất từ năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu dựa vào thủy điện.

Hiện tại, công suất thủy điện Trung Quốc đạt 190 000 MW, và dự tính sẽ được tăng lên mức 380 000 MW. Ở mức này, chỉ riêng ngành thủy điện cũng đã giúp ngành năng lượng tái tạo đạt mức 10% tổng mức năng lượng tiêu thụ trên cả nước. Trên lý thuyết, với mức dự tính trên, Bắc Kinh đã khai thác đến 71% tiềm năng thủy điện quốc gia.

Một chuyên gia của tập đoàn năng lượng Alstom của Pháp hoạt động tại Trung Quốc cho biết, tốc độ tăng trưởng của thủy điện Trung Quốc mà 15 GW/năm. Con số này vượt xa các khu vực khác : Bắc Mỹ là 1,9 GW, Nam Mỹ là 1,8 GW, Châu Âu là 0,5 GW, còn Châu Phi cũng chỉ có 0,3 GW.

Để thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng nêu trên, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tăng cường quá trình đắp đập ngăn sông để xây dựng các công trình thủy điện qui mô, bất chấp cái giá phải trả về môi trường (tác động khí hậu, đất lở...) và việc một số lượng rất lớn người dân phải dời đi nơi khác.

Ngoài đập thủy điện lớn nhất thế giới là đập Tam Hiệp, Le Monde còn nhắc đến hai đập thủy điện khổng lồ khác được xây dựng dọc theo sông Dương Tử, khu vực tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên với công suất cả hai trên 20 000 MW.

Đề cập đến các tập đoàn nước ngoài có mặt trong các dự án thủy điện của Trung Quốc, Le Monde nhắc đến tập đoàn Alstom của Pháp, Andritz của Áo và Voith của Đức. Tuy nhiên, sau quá trình hợp tác với các tập đoàn nước ngoài, phía Trung Quốc cũng đã thu được nhiều kinh nghiệm đáng kể, và đã dần lớn mạnh để vươn lên, dần chiếm lĩnh thị trường nội địa. Hai tập đoàn Trung Quốc đang nổi lên là Harbin Electric (Cáp Nhĩ Tân) và Dongfang Electric (Đông Phương), hiện chiếm lĩnh đến 40% thị trường thủy điện tại Trung Quốc.

Quân nổi dậy Syria : vàng thau lẫn lộn

Trong bối cảnh Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đồng thuận ra nghị quyết về hồ sơ vũ khí hóa học của Syria, thì nhật báo Libération cung cấp thêm một chi tiết khác cho thấy, trong cuộc chiến Syria, không phải vũ khí hóa học là mối hiểm họa duy nhất đối với người dân.

Tờ báo dành trọn trang nhất đăng dòng tựa : « Syria : cuộc sống thường nhật trong thời chiến ». Tờ báo cho biết, một đặc phái viên người Syria của tờ báo đã thực hiện một phóng sự hiện trường tại thành phố Raqqa, miền Tây Bắc Syria. Nữ phóng viên đã nhờ vào tấm khăn che mặt của phụ nữ Hồi Giáo để qua mắt các lực lượng địa phương.

Raqqa có khoảng 200 000 dân, đã rơi vào tay quân nổi dậy từ 6 tháng nay. Bài phóng sự kể về đời sống thường nhật ở đây, theo đó, người dân phần thì chịu những đợt tấn công oanh kích của quân đội chính phủ, phần thì khổ sở vì sự hà khắc của các lực lượng nổi dậy chiếm đóng, những lực lượng mà hiện tại có nhiều thành phần Hồi Giáo cực đoan và khủng bố.

Bài phóng sự cho biết, quân đội nổi dậy đã « mở rộng vòng tay » đón các nhóm võ trang Hồi Giáo cực đoan và hiếu chiến. Hiện tại, các lực lượng này đang dần tăng ảnh hưởng, và đối đầu trực tiếp với quân nổi dậy.

Bên cạnh bài phóng sự, Libération còn dành bài xã luận nhận định rằng, tình hình chiến sự tại Syria ngày càng phức tạp, cuộc sống người dân như đi vào ngõ cục. Tờ báo còn cho biết thêm, các lực lượng Hồi Giáo cực đoan hiếu chiến đã dần phân chia một phần lãnh thổ với một lực lượng nổi dậy rất « mong manh ». Các nhà báo nước ngoài khi vào lãnh thổ Syria, nếu không bị chính quyền gây khó dễ, thì cũng có nguy cơ bị bắt cóc bởi quá nhiều « nhóm mafia hay các nhóm Thánh chiến ».

Libération đăng một số hình ảnh minh chứng về cảnh hoang tàn của chiến tranh, trong đó có một bức ảnh về một đền thờ Hồi Giáo tại Raqqa. Điểm đáng chú ý là phía trước đền thờ này là một chiến binh Hồi Giáo tay đang cầm một khẩu súng trường.

Iran thân Mỹ : Israel buồn

Vừa qua, tại Hoa Kỳ, phái đoàn Iran đã có những động thái ngoại giao mang tính hòa dịu với phương Tây trên hồ sơ hạt nhân của chính phủ Teheran. Trong khi đó thì Israel lấy làm khó chịu. Nhật báo cánh tả Libération nhận định : « Iran mỉm cười tại Liên Hiệp Quốc, khiến Israel phải nghiến răng ».

Bên lề cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã tham dự cuộc hợp với người đồng cấp Mỹ John Kerry, và các ngoại giao của Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức. Các bên đã đồng ý sẽ tổ chức cuộc đàm phán thực chất về tham vọng hạt nhân của Iran tại Geneva vào ngày 15 và 16/10 tới. Ngoại trưởng Iran và ngoại trưởng Mỹ cũng đã bắt tay thân thiện sau cuộc họp.

Tổng thống tân nhiệm Iran, ông Hassan Rohani, đã có bài diễn văn mang tính hòa dịu trên hồ sơ hạt nhân trước Đại Hội Đồng. Hôm qua, trước khi rời Hoa Kỳ, tổng thống Iran Hassan Rohani cũng đã có cuộc điện đàm mang tính lịch sử với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Trong khi đó, thủ tướng Iran, ông Benyamin Nétanyahou cho rằng, ông Rohani đang giở trò để kéo dài thời gian chứ không thật lòng muốn từ bỏ hạt nhân. Ông Nétanyahou còn nhấn mạnh : chỉ có tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran mới có thể buộc Teheran thay đổi lập trường. Ông Nétanyahou còn kêu gọi các nước không nên mắc bẩy của Iran như đã từng mắc bẫy Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân.

Libération nhận định về nguyên nhân phản ứng nói trên của phía Israel như sau : Việc Mỹ nhượng bộ không tấn công quân sự vào Syria trong hồ sơ vũ khí hóa học đã khiến cho Israel không vui, rồi giờ đây Israel lại càng cảm thấy bất an khi đồng minh Mỹ có động thái thân thiện với Iran. Tờ báo cho rằng : « Không có cái bóng của Mỹ, Israel bỗng cảm thấy bị cô lập ở Trung Đông ».

Vào năm 2 100, nhiệt độ trái đất tăng thêm 4,8°C

Hôm qua, ngày 27/09/2013, tại Stockholm, Thụy Điển, Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC) đã cho công bố một phần trong bản báo cáo mới nhất về hiện tượng biến đổi khí hậu với những nội dung đáng chú ý. Đây cũng là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm của báo chí Pháp hôm nay.

Nhật báo Le Monde chạy tựa lớn trên trang nhất : « Kịch bản u ám của các chuyên gia về hiện tượng trái đất nóng lên ». Nhật báo Libération đăng bài : « Biến đổi khí hậu : GIEC sôi nổi ». Nhật báo Le Figaro thì có hai bài nhấn mạnh : « Trái đất nóng lên : theo các nhà khoa học, vai trò của con người không còn gì bàn cãi » và « Hiện tượng nước biển dâng lên đe dọa hơn bao giờ hết ».

Các tờ báo cho biết, báo cáo nói trên là báo cáo thứ năm của GIEC, báo cáo gần đây nhất là vào năm 2007. Theo báo cáo lần này, từ đây đến năm 2 100, nhiệt độ trái đất có thể tăng thêm đến 4,8°C, và sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng băng tan, dẫn đến việc mực nước biển có thể tăng đến 98 cm mỗi năm. Báo cáo năm 2007 chỉ dự báo mực nước biển tăng từ 18 cm đến 59 cm.

Bàn về nguyên nhân, báo cáo nhấn mạnh đến yếu tố con người. Chính con người đã làm cho lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng lên đến mức báo động. Các tờ báo trích dẫn báo cáo nêu rõ : «Ảnh hưởng của con người đối với khí hậu là rất rõ… trong việc các đại dương và bầu khí quyển nóng lên, các dòng chảy biến đổi, việc làm giảm số lượng băng tuyết, việc tăng mực nước biển, và những diễn biến thời tiết bất thường ».

Pháp : Cấm bán hàng vào ngày chủ nhật và ban đêm ?

Liên quan đến nước Pháp, các tờ báo hôm nay chú ý đến hồ sơ các cửa hàng kinh doanh bị buộc đóng cửa vào ngày chủ nhật và ban đêm. Sự việc khiến nhiều người lao động bất mãn xuống đường biểu tình. Nhật báo cánh hữu Le Figaro đăng tựa lớn trên trang nhất : «Người ta cấm những người làm công ăn lương làm việc ».

Tờ báo đề cập đến việc hôm thứ năm rồi, các cửa hàng của hai tập đoàn Leroy Merlin và Castorama ở khu vực Paris đã bị tòa án quyết định buộc đóng cửa vào ngày chủ nhật. Trước đó, vào hôm thứ hai, cửa hàng Sophera ở đại lộ Champs-Elysées Paris bị tòa buộc không được mở cửa sau 9 giờ tối. Kết quả là hôm qua, hàng chục nhân viên của Leroy Merlin đã xuống đường biểu tình phản đối đòi quyền làm việc vào ngày chủ nhật. Sophera cũng đã đệ đơn kháng cáo.

Vụ việc đã làm nóng nghị trường Pháp. Ba nghị sĩ cánh hữu tại hạ viện Pháp đã đệ trình ba dự luật về việc cho phép các cửa hàng mở cửa kinh doanh ngày chủ nhật và ban đêm. Nhiều ý kiến trái chiều cũng đã vang lên.

Trong bài xã luận đăng trên trang nhất, tờ báo cánh hữu Le Figaro phản đối quyết định nói trên của các tòa án. Bài xã luận cho rằng, trong thời buổi Pháp đang khó khăn kinh tế và đang có mức thất nghiệp cao, thì việc cấm các cửa hàng mở cửa vào ngày chủ nhật hoặc ban đêm là không phù hợp.

Le Figaro cũng dẫn lời nhận định cho biết, công việc ở các cửa hàng vào ban đêm và ngày chủ nhật có thể tạo ra đến 100 000 việc làm. Đây quả là một con số không nhỏ trong bối cảnh người Pháp đang khổ sở vì nạn thất nghiệp. Chưa kể đến những nguồn thu không hề nhỏ từ các hoạt động kinh doanh và dịch vụ du lịch vào những ngày nghĩ cuối tuần.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.