Vào nội dung chính
NAM Á

Bangladesh : Ba triệu công nhân dệt may được chủ hứa tăng lương

Chủ nhân xưởng dệt may tại Bangladesh hôm nay 29/09/2013, đã cam kết tăng lương cho hơn 3 triệu công nhân, ngay sau quyết định của một ủy ban chính phủ. Họ loan báo sẵn sàng tăng lương cho công nhân theo quy định của ủy ban này, cho dù trước đây vẫn khẳng định không thể tăng quá 20% trên mức lương tối thiểu 38 đô la hàng tháng.

Hơn 50.000 công nhân dệt may Bangladesh biểu tình đòi tăng lương tại Dacca ngày 21/09/2013.
Hơn 50.000 công nhân dệt may Bangladesh biểu tình đòi tăng lương tại Dacca ngày 21/09/2013. REUTERS/Andrew Biraj
Quảng cáo

Theo AFP, thông báo trên được đưa ra sau cuộc họp kéo dài đến tối hôm qua với lãnh đạo của hơn 40 công đoàn đại diện cho công nhân tại 4.500 nhà máy dêt may ở Bangladesh. Đây là quốc gia đứng thứ nhì thế giới sau Trung Quốc gia công trong ngành dệt may.

Chính phủ Bangladesh đã thông báo trước đây là lương công nhân sẽ được tăng kể từ tháng 11/2013, tức một tháng sớm hơn thời hạn dự kiến, nhưng tăng bao nhiêu thì chưa rõ. Các công đoàn đòi mức lương tối thiểu phải là 100 đô la/tháng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may và Xuất khẩu Bangladesh, Atiqul Islam : « Chúng tôi sẵn sàng tăng lương theo mức quy định của chính phủ cho dù cao hơn 20%, nhưng chúng tôi cũng hy vọng là mức lương tăng có lợi cho cả hai bên ».

Công nhân dệt may Bangladesh đã đình công suốt 5 ngày trong tuần này đòi tăng lương. Phần lớn các nhà máy đã bắt đầu hoạt động trở lại vào ngày 26/09 vừa qua, sau khi các công đoàn cho biết đã nhận được đảm bảo rằng lương hướng sẽ được tăng lên.

Về phần mình, chính phủ Bangladesh lên tiếng đe dọa sẽ thẳng tay đàn áp các phong trào đấu tranh mới trong ngành, vì như lời bộ trưởng Nội vụ Khan Alamgir : « Ngành dệt may là công nghiệp quốc gia, những người hoạt động có hại cho ngành là làm tổn hại đến đất nước ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.