Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - ASEAN

Tiến trình dân chủ hóa của Miến Điện được ASEAN tưởng thưởng

Tại Thượng đỉnh Brunei, 10/10/2013 Hiệp hội các nước Đông Nam Á - ASEAN chấp thuận trao cho Miến Điện chiếc ghế Chủ tịch luân lưu 2014.Chính quyền Miến Điện giành được chiến thắng ngoại giao ngoạn mục, thành quả của chính sách dân chủ hóa được tiến hành từ tháng 3/2011. Tuy nhiên, bầu cử Tổng thống 2015 mới là cuộc trắc nghiệm thật sự, đo lường thiện chí của quân đội.

Tổng thống Miến Điện Thein Sein (T) trong lễ tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN 2014, Brunei, 10/10/2013
Tổng thống Miến Điện Thein Sein (T) trong lễ tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN 2014, Brunei, 10/10/2013 REUTERS
Quảng cáo

Vào năm 2006, chính quyền quân sự Miến Điện bất lực nhìn chiếc ghế Chủ tịch luân lưu ASEAN vuột khỏi tay họ. Trong nhiều năm dài, số phận ngục tù của lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, các cuộc trấn áp biểu tình bằng bạo lực đã làm cho Miến Điện trở thành nguồn cội gây bối rối cho ASEAN nhiều nhất, mặc dù tình trạng nhân quyền của hai thành viên khác là Lào và Việt Nam cũng không tốt đẹp gì.

Bị cộng đồng quốc tế tẩy chay, cấm vận, tập đoàn quân sự đã chọn con đường cải cách.Tháng 03/2011, chính quyền « dân sự » thay thế tập đoàn tướng lãnh qua một cuộc bầu cử bị chỉ trích là dàn dựng vì không có đối lập tham gia. Tuy nhiên, sau đó, chính quyền mới do tướng về hưu Thein Sein lãnh đạo đã lần lượt bỏ kiểm duyệt báo chí, trả tự do hàng ngàn nhà đối lập mà đứng đầu là bà Aung San Suu Kyi. Tháng 04/2012, qua bầu cử bổ sung, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ chiếm hết 43 ghế.

Bảy năm sau, quốc gia từng bị xem là « kẻ hủi » của Đông Nam Á được hoan nghênh như một tấm gương dân chủ. ASEAN chấp thuận cho Miến Điện làm chủ tịch luân lưu khối này nhiệm kỳ 2014.

Tổng thống Thein Sein trong phần cám ơn đã tuyên bố chủ đề của nhiệm kỳ 2014 là « tiến tới tương lai trong sự đoàn kết và phú cường ».

Cựu tướng Thein Sein được cộng đồng quốc tế khen ngợi như một Michael Gorbachev của Miến Điện và đa số các nước Tây phương đã bãi bỏ cấm vận để tưởng thưởng chính sách dân chủ hóa sinh hoạt chính trị, tái lập tự do báo chí, thả tù chính trị và bầu cử tự do lần đầu tiên sau 40 năm quân phiệt.

Ngay Philippines, thành viên ASEAN từng phản đối Miến Điện mạnh mẽ nhất cũng đã khen ngợi chế độ hiện nay. Tổng thống Aquino nhận định là quân đội Miến Điện đã từ bỏ một phần đặc quyền.

Trong thông điệp tại hội nghị Brunei, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon kêu gọi « ASEAN và tất cả thành viên Liên Hiệp Quốc phải khuyến khích chính quyền Miến Điện tiến xa hơn trên con đường dân chủ. Chức vụ chủ tịch ASEAN (2014) và tổng tuyển cử 2015 sẽ là cột mốc quan trọng cho tương lai Miến Điện ».

Tuy nhiên, quân đội Miến Điện và đảng Đoàn kết và Phát triển vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ sinh hoạt kinh tế và chính trị quốc gia làm giảm đi phần nào hy vọng đổi mới chính trị thật sự.

Trong một cuộc tiếp xúc với sinh viên Brunei, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhận định « cải cách ở Miến Điện chưa đầy đủ ». Còn giới bảo vệ nhân quyền thì chỉ trích ASEAN xem nhẹ giá trị nhân quyền khi trao cho Miến Điện chiếc ghế Chủ tich. Phụ tá Giám đốc Human Rights Watch Phil Robertson nhận định, trừ môt vài biệt lệ , ASEAN vẫn còn là một « nhóm chế độ thường xuyên vi phạm nhân quyền » .

Đối với phe đối lập, chướng ngại cốt lõi cản đường dân chủ là bản Hiến pháp do tập đoàn quân sự soạn thảo trước khi rút lui vào hậu trường sau nửa thế kỷ cấm quyền từ 1962 đến 2011.

Bản Hiến pháp này cho phép quân đội giữ 25% số ghế dân biểu tại Quốc hội. Điều 3 cấm mọi công dân có người phối ngẫu hoặc có con mang quốc tịch nước ngoài không được ứng cử Tổng thống.

Điều luật này nhằm loại bà Aung San Suu Kyi ra khỏi cuộc đua 2015.

Con đường dân chủ hóa Miến Điện còn quá nhiều bất trắc, mặc dù theo giới thân cận của Tổng thống Thein Sein, ông nghiên về giải pháp tu chính Hiến pháp để tháo gỡ các chướng ngại này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.