Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc: Tập Cận Bình lập tổ đặc nhiệm điều tra Chu Vĩnh Khang

Theo báo South China Morning Post trên mạng, đề ngày hôm nay, 21/10/2013, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định lập một đơn vị đặc biệt, do một Thứ trưởng Công an, đứng đầu để điều tra cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang về tội tham nhũng, không tôn trọng kỷ luật nội bộ của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Phó Chánh Hoa (Ảnh: Internet)
Ông Phó Chánh Hoa (Ảnh: Internet)
Quảng cáo

Theo các nguồn tin của Bộ Công an và các tổ chức theo dõi tệ nạn tham nhũng, lãnh đạo ngành Công an, ông Phó Chánh Hoa (Fu Zhenghua), sẽ báo cáo trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Phó Chánh Hoa cũng là người đầu tiên, trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng một lúc giữ các chức vụ lãnh đạo cảnh sát vũ trang Bắc Kinh, ủy viên Thường vụ Đảng bộ Bắc Kinh và Thứ trưởng Bộ Công an.

Việc bố trí như vậy là không bình thường, phản ánh sự nhậy cảm của trường hợp ông Chu Vĩnh Khang, đồng thời cho thấy rõ mối quan tâm của ông Tập Cận Bình đối với hồ sơ này. Các quan chức mắc tội tham nhũng thường do Ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) xử lý, họ bị biệt giam trong hệ thống giam giữ ngoài luật pháp, mang tính nội bộ, được gọi là « song quy – shuanggui », để thẩm vấn đương sự, trước khi giao cho bên Công an và tư pháp.

Tuy nhiên, có ít nhất ba nguồn tin riêng biệt có thông tin về các vụ thẩm vấn gần đây liên quan đến vụ tham nhũng của ông Chu Vĩnh Khang, cho biết là cảnh sát đóng vai trò hàng đầu trong những trường hợp như vậy.

Có thể là ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), lãnh đạo Ban Thanh tra và Kỷ luật Trung ương (CCDI) muốn cảnh sát, cơ quan có kinh nghiệm hơn trong các vụ điều tra tội phạm, đứng ra xử lý vụ Chu Vĩnh Khang thay vì giao cho CCDI mà thẩm quyền và phương pháp của Ban này hiện đang có vấn đề.

Theo một nguồn tin thì các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc không hài lòng về cung cách làm việc của CCDI và cảnh báo về các hành động lạm dụng có thê xẩy ra trong quá trình điều tra.

Tuy nhiên, cho đến nay, khó mà biết được liệu việc lập một tổ điều tra đặc biệt như vậy, do một quan chức Công an cao cấp lãnh đạo, sẽ trở thành một mô hình. Nguồn tin này cho biết : « Nhiều quan chức trong CCDI vốn là lãnh đạo các cục vụ được điều chuyển đến và họ có rất ít kinh nghiệm điều tra và giải quyết các vụ phạm tội. Các ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đồng ý sử dụng cảnh sát để tiến hành điều tra vì họ nghĩ rằng cảnh sát chuyên nghiệp hơn ».

Một nguồn tin khác, trích dẫn các quan chức của CCDI và cảnh sát, nói : « Ông Tập Cận Bình trao nhiệm vụ cho ông Phó Chánh Hoa đồng phối hợp các cuộc điều tra liên quan đến ông Chu Vĩnh Khang, trong lúc ông Vương Kỳ Sơn giám sát chung các trường hợp và hoạt động chống tham nhũng. Ông Phó Chánh Hoa lãnh đạo một tổ cảnh sát nhỏ, chủ yếu lấy từ Văn phòng Cảnh sát Bắc Kinh, để điều tra về những trường hợp như đối với ông Vũ Bình (Wu Bing) hay ông Quách Vĩnh Tường (Guo Yongxiang) ».

Ông Vũ, một tỷ phú ở Tứ Xuyên, bị nghi ngờ có quan hệ gần gũi với các cộng sự của gia đình ông Chu Vĩnh Khang, đã bị bắt hồi đầu tháng Tám, ở Bắc Kinh. Ông Quách, nguyên Phó Chủ tịch Tứ Xuyên, đã được lên chức khi ông Chu Vĩnh Khang được đề cử, đã bị giam giữ từ tháng Sáu với tội danh « vi phạm nghiêm trọng kỷ luật » - một cụm từ để chỉ tham nhũng.

Ông Phó Chánh Hoa, 58 tuổi, mới được phong làm Thứ trưởng trong tháng Tám sau khi ông Chu Vĩnh Khang về hưu. Ông Chu, trước kia phụ trách an ninh quốc gia, đã lãnh đạo ngành công an và các cơ quan thực thi pháp luật trong gần một thập niên.

Ông Phó Chánh Hoa cũng là người đã chỉ huy vụ trấn áp gây nhiều tranh cãi, nhắm vào các bình luận gia có ảnh hưởng trên internet, ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch của ông Tập Cận Bình nhằm chiếm lĩnh mặt trận truyền thông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.