Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - MÊHICÔ

Thương mại Trung Quốc bành trướng tại Mêhicô

Thời sự Châu Á hôm nay 25/10/2013, gần như vắng bóng trên các báo Pháp, chỉ có duy nhất một bài trên tờ Libération tựa đề : « Với Dragon Mart, Trung Quốc tự ban cho mình một thương điếm tại Cancun ». Nhật báo Pháp đã nêu bật phản ứng bất bình của cư dân địa phương thành phố du lịch hàng đầu của Mêhicô này trước sự bành trướng thương mại của Trung Quốc.

Trung tâm thương mại "Con Rồng" ở Cancun, Mêhicô ( Ảnh: Internet)
Trung tâm thương mại "Con Rồng" ở Cancun, Mêhicô ( Ảnh: Internet)
Quảng cáo

Dragon Mart là tên gọi một trung tâm thương mại khổng lồ mà Trung Quốc vừa được phép xây dựng, bất kể phong trào phản đối của người dân tại chỗ.

Theo Emmanuelle Steels, thông tín viên Libération tại thành phố Mêhicô, cách nay vài tuần lễ, dự án Dragon Mart – tạm dịch là Chợ Rồng – đã được tòa thị chính thành phố Cancun cấp giấy phép xây dựng trong sự bàng hoàng và phẫn nộ của rất nhiều thành phần dân chúng địa phương, từ giới kinh doanh, buôn bán, cho đến các tổ chức bảo vệ môi trường. 

Dragon Mart là một trung tâm trưng bày và buôn bán sản phẩm Trung Quốc khổng lồ, thuộc hạng lớn nhất thế giới ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, có chức năng biến thành phố du lịch nổi tiếng bên bờ biển Caribê này thành tủ kính thương mại của Trung Quốc trên toàn Châu Mỹ. 

Trải rộng trên một diện tích gần 600 hecta, trung tâm này sẽ bao gồm 3000 cơ sở thương mại, cùng với các kho hàng, văn phòng làm việc, khu giải trí vui chơi và nhà ở cho các nhân viên người Trung Quốc của trung tâm. Với kinh phí đầu tư ban đầu lên đến 180 triệu đô la, Dragon Mart sẽ là nơi buôn bán mọi loại hàng hóa, từ máy móc, vật liệu xây dựng, cho đến tủ bàn, đồ chơi hay thực phẩm… 

Đối với chính quyền địa phương, Dragon Mart là một cơ may tuyệt vời cho kinh tế thành phố Cancun, cho đến nay chủ yếu sống nhờ ngành du lịch, với khoảng 17 triệu du khách hàng năm, mang lại 10 tỷ đô la. Trên giấy tờ, trung tâm thương mại Chợ Rồng sẽ tạo thêm 8000 công ăn việc làm cho thành phố.

Thế nhưng, đó chính là một trong những điểm bị đả kích. Con số hàng ngàn chỗ làm nói trên che giấu một thực tế : Đại đa số sẽ do người Trung Quốc đảm nhiệm, chỉ có một vài công việc là được dành cho người bản xứ mà thôi, và đó là những công việc thuộc loại lương thấp. 

Bên cạnh đó, nguy cơ bị hàng hóa Trung Quốc giá rẻ tràn ngập đã được các doanh nghiệp Mêhicô nêu bật. Ông Rafael Ortega, Chủ tịch Phòng Thương mại Cancun tuyên bố : « Chúng tôi sợ rằng nền thương mại địa phương sẽ bị tiêu vong ». Hạ viện Mêhicô, ngày 10/10 cũng ghi nhận : « Dragon Mart bao hàm những hành vi bán phá giá, trong một ốc đảo thương mại Trung Quốc (…) vốn không dùng đến nhân công tại chỗ ». 

Đối với giới bảo vệ môi trường, dự án Chợ Rồng về lâu về dài sẽ gây ra những tổn hại vĩnh viễn về mặt sinh thái. Bà Alejandra Serrano, thuộc Trung tâm Mêhicô về Quyền Môi trường tại Cancun báo động : « Các công trình xây dựng sẽ nằm ngay bên trên hệ thống nước ngầm của bán đảo Yucatan, cách vùng bãi đá ngầm tự nhiên được bảo tồn không đầy 4 cây số ». 

Tại một khu vực mà chính quyền địa phương từng nhắm mắt làm ngơ cho các nhà thầu xây dựng hàng loạt khách sạn ngay bên trên những khu rừng tràm ven biển có chức năng chống sói mòn bờ biển và chống bão, khuyến cáo của giới bảo vệ môi trường hầu như không được lắng nghe. 

Trong lúc Bộ Môi trường Mêhicô không chịu cho ý kiến về tác động sinh thái của dự án Dragon Smart, đùn đẩy trách nhiệm cho bang Quintana Roos và thành phố Cancun, ban lãnh đạo trung tâm Chợ Rồng – một liên doanh Trung Quốc-Mêhicô – phản bác : « Giới bảo vệ sinh thái tố cáo chúng tôi phá hoại môi trường, trong khi mà chúng tôi chưa hề khởi công xây dựng ». 

Châu Âu phẫn nộ vì bị Mỹ nghe lén 

Việc Thủ tướng Đức bị tình báo Mỹ nghe lén điện thoại, là sự kiện được theo dõi và bình luận nhiều nhất hôm nay, bên cạnh các hồ sơ về nước Pháp : Thất nghiệp tăng lên trở lại trong tháng 9, với thêm 60.000 người tìm việc làm, thuế đánh vào tiền tiết kiệm, cuộc tranh luận trên vấn đề nhập cư… 

Về hồ sơ Mỹ Đức, các báo Pháp chạy hầu như cùng một hàng tựa, nhấn mạnh trên cơn tức giận của Đức và Châu Âu đối với các hành vi nghe trộm của Mỹ. 

Le Monde nhận thấy đang nổ ra khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ và các đồng minh. Vấn đề Mỹ nghe trộm được đưa ra trong cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu, trong hai ngày 24-25/10, tuy nhiên tờ báo cũng thấy rằng không phải quốc gia nào cũng có phản ứng mạnh. 

Nếu Pháp – cũng bị nghe lén - muốn điều chỉnh lại hợp tác an ninh với Mỹ, thì những quốc gia như Hà Lan, và nhất là Anh Quốc, không vội lên tiếng tố cáo hay đưa ra yêu sách. Tờ báo còn trích lời một viên chức ngoại giao cao cấp của Anh, cho rằng vấn đề an ninh quốc gia không nằm trong phạm vi trách nhiệm của Châu Âu, mà mỗi thủ đô tự yêu cầu Mỹ giải thích khi có vấn đề. 

Libération - dành 2 trang báo cho sự kiện - cũng nhận thấy là Châu Âu tìm cách làm cho cho người ta nghe thấy mình, nhưng những phản ứng bất bình sẽ không dẫn đến đâu, ngoại trừ thống nhất được với nhau, đưa ra được một thỏa thuận bảo vệ các dữ liệu. 

Tờ báo cũng chạy một tựa hóm hỉnh về sự kiện điện thoại di động bà Merkel bị nghe lén, nói rằng : « Đến lượt Merkel bị mắc lưới (tình báo) NSA ». Tờ báo khẳng định là do chính mình bị nghe lén, Thủ tướng Đức không thể giảm nhẹ xì căn đan và tiếp tục vị nể đông minh Mỹ nữa. 

Báo kinh tế Les Echos cũng cùng nhận định, nêu bật « Châu Âu cho thấy nỗi tức giận », nhưng chỉ có Paris và Berlin hội ý với nhau. Theo tờ báo, trong phần trả đũa của Berlin, từ nay hiệp định tự do mậu dịch Mỹ Đức sẽ nằm trong ‘tầm nhắm’. 

Le Figaro cũng nêu bật phản ứng : « Paris và Berlin đoàn kết trước hành vi gián điệp của Mỹ », với bức ảnh Tổng thống Pháp Hollande nắm tay Thủ tướng Đức Merkel, vẻ thông cảm. Tờ báo cũng trích thành tựa lời của Thủ tướng Đức : « Giữa bạn bè, không thể làm như thế ». 

Tình báo Nga tung hoành trở lại tại Châu Âu 

Nhân dịp này Le Figaro cũng nhìn xem các quốc gia khác hành động như thế nào, đặc biệt chú ý đến Nga và Trung Quốc. Trước tiên là Nga : Le Figaro nhận thấy là tình báo Nga đã trở lại và tăng cường hoạt động ở Châu Âu sau một thời gian có vẻ ngủ thiếp đi sau khi Liên Xô sụp đổ. Các cơ quan tình báo Nga đã hoạt động mạnh lên từ khi Vladimir Putin nắm quyền. 

Trích dẫn một số chuyên gia, tờ báo, cho biết là hoạt động hiện nay của tình báo Nga ở Châu Âu không kém thời chiến tranh lạnh, đặc biệt ở những quốc gia Đông Âu cũ. Việc Châu Âu mở rộng ra các nước miền Đông Âu trước đây đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động của họ. 

Các mạng lưới được khởi động lại ở Ba Lan, nhiều viên chức Bulgari, Hungary... làm việc cho Ủy Ban Châu Âu, cho NATO... đã bị phát giác là làm việc cho Nga. 

Tình báo Nga chú ý đến những lãnh vực nào ? Theo Le Figaro, Nga đặc biệt nhòm ngó các địa hạt như vũ khí, hàng không không gian, hạt nhân, và họ rất tinh vi trong việc nghe trộm qua phương tiện điện tử. 

Theo Le Figaro, tình báo Nga cũng gia tăng hoạt động ở Châu Á, và nêu bật hai quốc gia, Việt Nam và Malaysia. Tuy nhiên tờ báo công nhận là ngoại trừ các nước cộng hòa Liên Xô cũ, hoạt động này còn kém quy mô thời Xô Viết. 

Trung Quốc : Tình báo trở thành môn « thể thao quốc gia » 

Dưới tựa đề : « Tình báo phục vụ cho tăng trưởng kinh tế », Le Figaro cho biết là hoạt động tình báo đã được Trung Quốc xây dựng thành « môn thể thao quốc gia ». 

Ở trong nước, có cả một đạo binh để theo dõi công dân Trung Quốc, nhất là cư dân mạng. Le Figaro trích số liệu báo chí Trung Quốc, cho biết là có khoảng 2 triệu công an trên mạng theo dõi số 500 triệu cư dân mạng. 

Còn ở ngoài Trung Quốc, bên cạnh việc theo dõi các nhà ly khai lưu vong, hay thành viên Pháp luân công, thì tình báo là một vũ khí phục vụ công cuộc phát triển kinh tế. Các đạo quân gọi là « cá lặn sâu – chen diyu » chuyên truy tìm bí mật công nghiệp và quân sự. 

Theo Le Figaro trụ sở Bộ An ninh Quốc gia, gần quãng trường Thiên An Môn, là ‘tâm chấn’ của các hoạt động tình báo Trung Quốc. Thiết lập lại từ thời Đặng Tiểu Bình vào năm 1983, bộ này bao gồm các cơ quan phản gián và tình báo quốc ngoại, với mục tiêu công khai là hỗ trợ công cuộc phát triền kinh tế. 

Mục tiêu bị nhắm hàng đầu là phương Tây, Hoa Kỳ, Canada, Đức, Anh, Pháp... và cả Nga. Trên mặt công nghiệp, cũng như quân sự, nhiệm vụ của tình báo Trung Quốc là thu lượm thông tin, giúp đất nước bắt kịp chậm trễ về công nghệ học. 

Những vụ nghe lén, tấn công tin tặc đã bị nêu lên hàng loạt trong thời gian qua. Le Figaro trích lại môt câu chuyên ‘vui’, xẩy ra cách đây không lâu : Một lãnh đạo công ty Pháp hoạt động tại Trung Quốc, có một lần đã nói chuyện qua điện thoại với lãnh đạo công ty mẹ của mình ở Pháp bằng tiếng Pháp. 

Giữa câu chuyên tự nhiên ông nghe thấy yêu cầu bằng tiếng Anh : « In English, please ! » - tức là « Xin hãy nói tiếng Anh ». Thì ra vì nhân viên nghe trộm không hiểu tiếng Pháp nên đã lộ diện, và thẳng thắn đưa ra yêu cầu này. 

Giờ đây, theo Le Figaro, với hoạt động của Cơ quan tình báo Mỹ NSA ngày càng được phơi bày ra ánh sáng, Trung Quốc cảm thấy bớt lẻ loi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.