Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HÀN QUỐC

Bán đảo Triều Tiên trong tình trạng chiến tranh lạnh

Đại hội lần thứ 10 của Hội đồng Đại kết các Giáo hội (COE) đang diễn ra tại Hàn Quốc. Các đại biểu tham dự đã đến cầu nguyện hòa bình cho hai miền Triều Tiên tại vùng ranh giới phi quân sự và nhiều địa điểm gắn liền với cuộc chiến tranh Triều Tiên hồi những năm 1950. 

Hàn Quốc phô trương hai loại tên lửa hành trình Hyunmoo 01/10/2013 - REUTERS /Kim Hong-Ji
Hàn Quốc phô trương hai loại tên lửa hành trình Hyunmoo 01/10/2013 - REUTERS /Kim Hong-Ji
Quảng cáo

Trong dòng sự kiện đó, nhật báo Libération đăng bài khám phá về khu vực được cho là phi quân sự, nhưng lại có hoạt động quân sự căng thẳng giữa hai miền. Bài viết chạy dòng tựa đáng chú ý : « Giới tuyến đầy căng thẳng ».

Tờ báo đề cập đến khu vực phi quân sự giữa hai miền (DMZ) Triều Tiên. Khu vực này thuộc phía bắc huyện Dương Khẩu (Yanggu), trải dài từ đông sang tây bán đảo Triều Tiên, rộng 4km dọc theo vĩ tuyến 38. Khu vực phi quân sự được thiết lập theo Hiệp định Đình chiến năm 1953. Trên nguyên tắc, binh lính hai bên lùi cách ranh giới 2km, tạo thành bề rộng 4km cấm mọi hoạt động quân sự.

Thế nhưng, trên thực tế, khu vực đáng lẽ được bình yên theo đúng cái tên « phi quân sự » lại là nơi đầy căng thẳng. Binh lính hai bên luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Một quân nhân miền Nam kể rằng, binh lính miền Bắc luôn tìm đủ mọi cách xâm nhập, và trong nhiều năm qua đã đào đến 2052 km đường hầm với mưu đồ lén tấn công miền Nam. Tại vùng ranh giới này, quân đội miền Nam đã thu giữ được rất nhiều vũ khí quân dụng qua nhiều trận đọ sức với miền Bắc. Quân nhân miền Nam luôn có tâm lý đề phòng và sẵn sàng chiến đấu với « những kẻ thù đáng sợ » miền Bắc.

Quân nhân Hàn Quốc nói trên còn cho biết : « Chúng tôi phải luôn sẵn sàng đối phó với tình trạng xấu nhất, vì người miền Bắc có thể tấn công bất cứ lúc nào ». Một sĩ quan lãnh đạo của quân nhân này còn nói thêm : « Ở khu vực này, mối đe dọa là hiện hữu. Chúng tôi luôn trong tình trạng báo động». Họ sợ là có lí do, bởi đã nhiều lần miền Bắc đột nhiên pháo kích, như hồi năm 2000, hay vụ gần đây nhất là vào năm 2010.

Trong tình trạng căng thẳng đó, quân đội miền Nam tại đây thường xuyên luyện tập tác chiến. Dân chúng của khu vực này chỉ có 21 000 người, nhưng số lượng quân nhân tại đây đã lên đến 17 000 người. Khu vực đồi núi giáp ranh lúc nào cũng được bao bọc bằng kẽm gai, bằng chiến hào, công sự…Kèm theo bài viết, tờ báo đăng ảnh ba quân nhân miền Nam đang đi tuần tra dọc theo tuyến ranh giới có hàng rào thép gai cao vút. Một bức ảnh khác cho thấy, hai quân nhân Hàn Quốc đang tập dượt tấn công miền Bắc tại đỉnh núi giáp biên.

Thực trạng này là một cơ sở để Libération nhận định rằng hồi chiến tranh Triều Tiên, Dương Khẩu là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt nhất, rồi 60 năm sau, khu vực này đã rơi vào tình trạng chiến tranh lạnh. Trong số ba lễ hội quần chúng lớn nhất ở đây, đã có đến 2 lễ hội có mục đích tái hiện chiến tranh Liên Triều.

Cam Bốt : Hai lãnh đạo Khmer Đỏ không nhận tội

Nhìn sang Cam Bốt, nhật báo La Croix đăng bài cho biết : «Những lãnh đạo cuối cùng của Khmer Đỏ không nhận tội ». Tờ báo đề cập đến phiên tòa xét xử hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ là Nuon Chea, 87 tuổi, và Khieu Samphan, 82 tuổi.

Hai người này bị buộc tội « phạm tội ác chống lại nhân loại » trong hồ sơ diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ (1975-1979). Tuy nhiên, bất chấp nhiều nhân chứng và vật chứng, hai bị cáo này vẫn kiên quyết không nhận tội, mà đổ tội cho cấp trên và cấp dưới.

La Croix cho biết, trong phiên tòa này, luật sư của hai bị cáo đã tìm cách « làm mất uy tín » của một tòa án « nửa Cam Bốt, nửa quốc tế ». Một cố vấn của bị cáo Nuon Chea còn cho rằng, phiên tòa là phục vụ cho lợi ích của bên chiến thắng, của Mỹ và các đồng minh. Tờ báo cho biết thêm, bên công tố đề nghị các bị cáo tù chung thân. Thế nhưng, bản án chính thức của phiên tòa vừa qua phải chờ đến năm sau.

Pháp : Thương tiếc hai nhà báo bị sát hại tại Mali

Vụ hai nhà báo Đài Phát thanh Quốc tế Pháp - RFI, Ghislaine Dupont và Claude Verlon, bị bắt cóc và sát hại tại Mali tiếp tục là chủ đề nóng trên báo chí Pháp hôm nay. Nhật báo Le Monde đăng bài chạy tựa trên trang nhất : « Mali : những nguyên nhân của một thảm kịch ».

Tờ báo đăng ảnh quân đội Pháp khiêng quan tài hai nhà báo tại sân bay thủ đô Bamako để đưa về Pháp. Tờ báo dành bài khá dài bàn về những nguyên nhân có thể của vụ việc. Điểm đáng chú ý là Le Monde lấy được lời chứng của chính tài xế chở hai nhà báo khi bị sát hại, và lời chứng của lãnh đạo một nhóm Hồi giáo địa phương mà hai nhà báo vừa phỏng vấn xong. Kèm theo là những thông tin do dân địa phương cung cấp. Các thông tin cho thấy, hai nhà báo đã bị bốn tên khủng bố bắt cóc mang ra khỏi thành phố Kidal và sát hại sau đó khoảng 100 phút.

Tại thành phố Kidal, ngoài quân đội Mali, còn có sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc và khoảng 200 quân nhân Pháp. Thế nhưng, bọn bắt cóc đã chọn đúng thời điểm là vào 1 giờ trưa, mà vào giờ này thì tại địa phương thời tiết vô cùng nóng bức, và cũng là giờ ăn và nghỉ trưa của lực lượng đảm bảo an ninh. Chưa hết, dù có phát hiện, thì lực lượng Liên Hiệp Quốc hay Pháp cũng khó đuổi bắt được do không rành đường xá tại đây bằng kẻ bắt cóc.

Bàn về nguyên nhân, tờ báo đề cập đến nhiều giả thuyết, trong đó nhấn mạnh đến việc có thể chính phủ Pháp đã bỏ ra một số tiền lớn để chuộc tự do cho bốn người Pháp cách đây mấy hôm, và các lực lượng Hồi giáo cực đoan địa phương đã có mâu thuẫn trong sự chia chác nên đã ra tay sát hại nhà báo Pháp để cảnh báo.

Một điểm đáng chú ý nữa là Le Monde trích dẫn lời một chuyên gia về Mali nhấn mạnh rằng khu vực Kidal hiện tại đang ở trong một tình trạng vô cùng bất ổn, chính phủ vừa được bầu tại Mali không hề kiểm soát được vùng này, trong khi lại có quá nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan khác nhau đang hoành hành. Le Monde cho biết thêm, chính phủ Pháp đã cho rằng, thủ phạm chính là chi nhánh Al Qaida tại Bắc Phi (AQMI).

Về phần mình, nhật báo Le Figaro cũng chạy tựa trên trang nhất cho chủ đề này. Tờ báo nhấn mạnh đến cuộc điều tra truy tìm hung thủ và cho biết, có 5 kẻ tình nghi đã bị quân đội Pháp bắt giữ.

Tờ báo cũng đăng bài nhận định chỉ trích truyền thông Pháp và chính phủ Pháp. Đối với truyền thông Pháp, bài nhận định cho rằng, không nên mỗi lần có chuyện bắt cóc là rầm rộ đăng bài một cách quá mức, dẫn đến việc vô tình làm « quảng cáo » cho quân khủng bố. Đối với chính phủ Pháp, bài nhận định nhấn mạnh đến việc có lời đồn cho rằng phía Pháp đã trả đến 20 triệu euro tiền chuộc cho bọn bắt cóc trong khu vực. Nếu cứ tiếp tục cung cấp tiền như vậy, thì sẽ càng cỗ vũ cho bọn bắt cóc. Tóm lại, theo bài viết, nổi tiếng và kiếm được tiền chuộc là hai mục tiêu chính của bọn bắt cóc khủng bố.

Nhật báo Libération cũng dành một bài khá dài cho chủ đề hai nhà báo, nhấn mạnh đến việc khu vực Kidal đang « vượt tầm kiểm soát » của chính phủ Mali như lời tổng thống Mali thừa nhận. Tờ báo cho biết thêm, quá trình rút bớt quân Pháp khỏi Mali sẽ như dự định, tức giảm từ 3000 quân trong hiện tại xuống còn 1000 trong năm tới. Nhưng để lấp khoảng trống đó, trước khi rút quân, Pháp sẽ tăng cường hỗ trợ chính phủ Mali giành quyền kiểm soát thật sự khu vực Kidal.

Ý : Phục hội chậm hơn dự kiến

Nhìn sang Ý-một trong những tâm chấn của cơn khủng hoảng tài chính tại Châu Âu, nhật báo kinh tế Les Echos đăng bài cho biết : «Kinh tế phục hồi chậm hơn dự kiến ». Theo số liệu công bố hôm qua của Viện thống kê quốc gia Ý, thì tăng trưởng bình quân cho cả năm 2013 có thể sẽ là -1,8% GDP, trong khi dự báo của chính phủ Ý là -1,7% GDP. Theo viện nói trên thì năm tới, tăng trưởng của ý sẽ đạt 0,7%, trong khi dự báo của chính phủ Ý lên đến 1,1%.

Thêm vào bối cảnh không sáng sủa đó là tình trạng thất nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục trầm trọng thêm. Thống kê cho thấy, hồi tháng 9, tỷ lệ thất nghiệp của Ý là 12,5%, tức là mức cao nhất kể từ đầu năm 2004. Đối với độ tuổi từ 15-24, thì tỷ lệ thất nghiệp lên đến 40,4%. Nhìn chung, một chuyên gia nhận định : « Dấu hiệu bình ổn của nền kinh tế Ý còn quá yếu để có thể hy vọng cho tình hình thất nghiệp được cải thiện ».

Cộng đồng Pháp ngữ : Tăng từ 200 triệu lên 700 triệu

Cuối cùng, đến với cộng đồng Pháp ngữ, nhật báo Le Monde có bài cho biết cộng đồng này sẽ tăng lên đến 700 triệu vào năm 2050. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ- Francophonie, thì vào năm 2012, số người sử dụng tiếng Pháp trên thế giới là 220 triệu người, và sẽ tăng lên 700 triệu vào năm 2050.

Như vậy, tiếng Pháp sẽ cùng với tiếng Anh và tiếng Hoa là ba ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Trong đó, sử dụng tiếng Pháp nhiều nhất là ở Châu Phi (chiếm 9/10 người sử dụng tiếng Pháp).

Le Monde nhấn mạnh, 700 triệu người sẽ là một thị trường đầy tiềm năng của Pháp trong lĩnh vực công nghiệp nghe nhìn, xuất bản và giáo dục…

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.