Vào nội dung chính
INDONESIA - ÚC

Indonesia không nhận thuyền nhân do Úc cứu vớt

Hai nước láng giềng Úc và Indonesia đôi co nhau trên số phận của một nhóm thuyền nhân. Một chiến hạm Úc, sau khi cứu cấp một chiếc tàu gỗ gặp nạn ngoài khơi đảo Java đã tìm cách đưa 60 thuyền nhân về đất liền của Indonesia. Tuy nhiên Jakarta tuyên bố không nhận các thuyền nhân tìm đường tỵ nạn, đúng theo chính sách của Indonesia.

Thuyền nhân xin tỵ nạn bị kẹt tại Surabaya, đảo Java - REUTERS /Sigit Pamungkas
Thuyền nhân xin tỵ nạn bị kẹt tại Surabaya, đảo Java - REUTERS /Sigit Pamungkas
Quảng cáo

Trung tướng Angus Campbel, chỉ huy trưởng lực lượng Úc đặc trách ngăn chận làn sóng thuyền nhân đến Úc cho biết một tàu tuần của Úc đã cứu cấp một chiếc tàu chở thuyền nhân đang gặp nạn ở một địa điểm cách đảo Java của Indonesia 43 hải lý. Tuy nhiên, khi Úc đề nghị đưa những thuyền nhân về Indonesia, nơi mà những người muốn sang Úc tìm đất sống sử dụng như trạm trung chuyển, thì chính phủ Indonesia từ chối một cách giận dữ.

Hôm nay, 08/11/2013, Bộ trưởng điều hợp Chính trị, Tư pháp và An ninh Indonesia, ông Djorko Suyanto tuyên bố : « chính phủ Indonesia không bao giờ chấp thuận nguyện vọng hay chính sách này của Úc. Úc có trại tạm trú ở Nauru và Papua New Guinea thì hãy đưa thuyền nhân đến đó ». Bộ trưởng Indonesia nhìn nhận là trong quá khứ, nhiều lần nhận thuyền nhân do Úc cứu trợ , vì tàu của họ bị chìm hay có người bị thương tích cần cứu chữa.

Một viên chức cao cấp khác của Indonesia cho biết thêm là hai bên « đang thương lượng » về vấn đề thuyền nhân.

Quan hệ Úc-Indonesia căng thẳng từ khi ông Tony Abbott, một nhân vật bảo thủ lên làm thủ tướng Úc với chính sách được mô tả là « chận làn sóng thuyền nhân từ trạm trung chuyển » và chỉ trích Jakarta dung thứ cho các nhóm buôn người tổ chức vượt biển để kiếm tiền.

Bang giao đã căng thẳng thêm sau khi một nhật báo Úc tiết lộ các phái bộ ngoại giao Úc có tham dự vào các hoạt động của tình báo Mỹ nghe lén chính phủ Indonesia. Đại sứ Úc tại Jakarta đã bị mời lên Bộ Ngoại giao Indonesia nghe phản đối.

Mỗi năm, hàng ngàn thuyền nhân đa số là người Iran, Afghanistan đã đến Indonesia và sau đó được các đường dây vượt biển chở sang Úc xin tỵ nạn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.