Vào nội dung chính
THÁI LAN - CAM BỐT

Tranh chấp Preah Vihear : Phán quyết của Tòa án Quốc tế nhìn từ Thái Lan

Phán quyết của Tòa án Quốc tế La Haye ra hôm 11/11/2013 về tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Cam Bốt xung quanh khu đến Preah Vihear đã gây lên những phản ứng khác nhau tại Thái Lan. Chính phủ cố gắng làm dịu căng thẳng, trong khi đó dư luận công chúng lo ngại vì cảm thấy đã bị mất đi một phần lãnh thổ.

Lính Cam Bốt tuần tra trong khu vực đền Preah Vihear, ngày 09/02/2011
Lính Cam Bốt tuần tra trong khu vực đền Preah Vihear, ngày 09/02/2011 REUTERS/Damir Sagolj
Quảng cáo

Thông tín viên Arnaud Dubus từ Bangkok

Arnaud Dubus, thông tín viên tại Bangkok phân tích:

Arnaud Dubus : Tòa án đã quyết định mũi đất trên đó tọa lạc đền Preah Vihear thuộc về Cam Bốt. Đây là vùng đất có diện tích chưa đầy một km2. Phần gianh giới mũi đất về phía tây bắc và phía tây này nằm trên một quả đồi mà Thái Lan gọi là Phu Ma kheua, còn Cam Bốt thì gọi là Phnom Trap. Người Cam Bốt đòi chủ quyền trên quả đồi này, nhưng Tòa án La Haye cho biết không thể tuyên bố về vấn đề này. Vấn đề trên quả đồi vẫn còn để ngỏ. Hiện quân đội hai nước Thái và Cam Bốt vẫn đóng ở khu vực trên. Tất nhiên, Tòa án rất thận trọng vì việc phân định biên giới không thuộc thẩm quyền của Tòa. Việc này phải do hai nước thương lượng với nhau.

RFI : Những khái niệm của phán quyết mang tính rất kỹ thuật, khó có thể diễn giải rõ ràng. Điều này có gây nhầm lẫn, khó hiểu ở Thái Lan?

Arnaud Dubus : Có, về phía Thái Lan, vấn đề này được đề cập đến như sau : Liệu quyết định của Tòa là một thất bại cho Thái Lan hay một chiến thắng hoặc một chiến thắng nửa vời ? Ban đầu, áp lực của báo chí quốc tế và một bộ phận báo chí trong nước đã đưa tin theo hướng Thái lan đã mất một phần lãnh thổ và như vậy sẽ là một thất bại.

Thực ra, quân đội Thái Lan đang chiếm giữ một phần mỏm đất đã được Tòa án Quốc tế yêu cầu rút quân và họ sẽ phải tháo gỡ một phần hàng rào dây kẽm mà họ đã dựng lên tại đó. Trong chừng mực nội dung của phán quyết được phân tích sâu hơn, báo chí và một vài bộ phận dân chúng hiểu rằng Cam Bốt vẫn còn lâu mới đạt được những gì họ muốn. Nhất là họ vẫn chưa được thừa nhận chủ quyền trên quả đồi Phu Ma Kheua hay còn gọi là Phnom Trap. Phần lớn khu vực tranh chấp rộng 4,6 km 2 vẫn còn ở trong tình trạng mù mờ, tất nhiên, kèm theo đó là nguy cơ đụng độ quân sự.

RFI : Dân chúng Thái lan phản ứng ra sao ?

Arnaud Dubus : Hiển nhiên, đại đa số người dân Thái tỏ thái độ thất vọng, vì họ cảm thấy lãnh thổ bị mất. Cần phải nhắc lại là người Thái Lan, đặc biệt trong tầng lớp ưu tú, không bao giờ chấp nhận phán quyết năm 1962 của Tòa án Quốc tế , theo đó, ngôi đền Preah Vihear thuộc về Cam Bốt. Chính nhà Vua Thái đã áp đặt giới quân sự cũng như phe theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của nước này, phải chấp nhận quyết định nói trên. Từ đó đến nay, giới ưu tú Thái Lan vẫn giữ quan điểm cho rằng, nếu ngôi đền thuộc về Cam Bốt thì phần đất phía dưới và xung quanh ngôi đền phải thuộc về Thái Lan. Một quan điểm được cho là hoàn toàn phi lý.

Phán quyết của Tòa đưa ra hôm thứ Hai, 11/11/2013 vì thế được ví như một mũi dao đâm sâu thêm vào vết thương cũ. Nhưng cũng cần phải nói thêm là người Thái nói chung không quan tâm nhiều đến vụ đền Preah Vihear như người Cam Bốt. Với họ, đó chỉ là vài hecta bụi rậm, họ còn nhiều việc khác phải làm lúc này, đặc biệt là chiến dịch chống chính phủ, chống lại gia đình nhà Shinawatra đang cầm quyền. Chiến dịch này đang bùng phát mạnh mẽ.

RFI : Dường như chính phủ Thái chơi bài hòa dịu, lý do gì có thể giải thích cho thái độ này của chính phủ ?

Arnaud Dubus : Chính phủ biết là vụ tranh chấp đền Preah Vihear được đối lập mà đại diện là đảng Dân chủ sử dụng như một công cụ để lật đổ chính quyền. Thủ tướng Yingluck Shinawatra rất cẩn thận giải thích rằng quyết định của Tòa không gây bất lợi cho Thái Lan và cần phải tiếp tục hợp tác với Cam Bốt để đạt được những tiến bộ trên vấn đề phân định biên giới. Bà không hề nói đến việc phản đối quyết định của Tòa án. Người ta có thể đánh giá đó là một thái độ khá hợp lý của chính phủ Thái lan. Một số nhóm dân tộc cực đoan từ nhiều tháng nay vẫn kêu gọi khôgn công nhận Tòa án Quốc tế, một cơ quan tư pháp cao nhất của Liên Hiệp Quốc.

Ngoài ra, Thái Lan cũng sắp sửa làm Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2016. Đây là một cộng đồng kinh tế , chính trị và văn hóa-xã hội. Vì thế sẽ đáng tiếc khi mà Thái lan và Cam Bốt lao vào cuộc đấu khẩu hoặc đụng độ quân sự.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.