Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Xây dựng để tham ô : Quả bom làm tiêu tan sự nghiệp Thị trưởng Nam Kinh

Sự kiện Thị trưởng Nam Kinh bị cách chức, bắt giam và điều tra tội tham nhũng làm dư luận địa phương hả dạ. Quý Kiến Nghiệp là quan chức lãnh đạo cao cấp thứ 11 bị mất chức trong chiến dịch chống tham ô.Tuy nhiên, người dân Trung Quốc không nuôi ảo tưởng về cái gọi là « quyết tâm bài trừ tham nhũng » của một chế độ chính trị thối nát từ bên trong.

Thị trưởng Nam Kinh Quý Kiến Nghiệp  trong lần tham dự  Đại hội thể thao trẻ 2010 tại Singapore - REUTERS /Issei Kato
Thị trưởng Nam Kinh Quý Kiến Nghiệp trong lần tham dự Đại hội thể thao trẻ 2010 tại Singapore - REUTERS /Issei Kato
Quảng cáo

Cách nay đúng một tháng, người dân Nam Kinh đã chào mừng tin Thị trưởng Quý Kiến Nghiệp bị cách chức và bị điều tra về tội tham ô. Được bổ nhiệm làm Thị trưởng Nam Kinh, năm 2010, ông Quý Kiến Nghiệp nhanh chóng nổi danh qua các công trình xây dựng khổng lồ.

Chỉ trong vòng vài tháng, hàng ngàn cây ngô đồng hàng trăm năm của thủ phủ tỉnh Giang Tô và cũng là cố đô của Trung Quốc đã bị đốn sạch nhường chỗ cho đường xe điện đón chào Đại hội Thể thao trẻ 2014. Cũng trong khuôn khổ này, Thị trưởng Nam Kinh tiến hành xây dựng hàng loạt vận động trường, trung tâm thi đấu, hội trường quốc tế… biến Nam Kinh thành một bãi hầm hố, chiến trường.

Bực tức vì diện mạo truyền thống của cố đô bị biến dạng, 8 triệu dân địa phương tặng cho ông Thị trưởng biệt danh « Oát thổ cơ = xe đào hố » và nhiều cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra trong năm 2011. Vì sao Thị trưởng Quý Kiến Nghiệp hăng say đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản như thế ? Theo AFP, thứ nhất, đây là con đường tiến thân huy hoàng trong thể chế độc đảng Trung Quốc và thứ hai, mỗi dự án là một cơ hội tham ô.

Cuối cùng Ban kỷ luật đảng Cộng sản thông báo cách chức ông Quý Kiến Nghiệp hồi giữa tháng 10 năm 2013 với lý do « vi phạm kỷ luật », một thuật ngữ ám chỉ tội tham ô.

Tại Nam Kinh, tin này đã làm dân chúng hài lòng. Tuy nhiên, không ai mang ảo tưởng vào lời cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình diệt trừ tham ô từ « hổ đến ruồi ».

Được phóng viên AFP hỏi ý kiến, một tài xế taxi cho rằng « tất cả cán bộ đều tham nhũng và nhiều như cá dưới sông. Có bắt được một con thì sẩy hàng ngàn con khác ». Một người khác giải thích : Chẳng qua là Quý Kiến Nghiệp gặp vận xui. Một kẻ tham ô bị diệt thì sẽ có một tên tham nhũng khác thay thế.

Theo người dân địa phương, một trong những lý do Thị trưởng Nam Kinh bị mất chức là vì ông thuộc « băng nhóm » của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân mà nhiều nhân vật đã bị thanh trừng hoặc bị điều tra trong chiến dịch « bài trừ tham nhũng ». Dư luận Trung Quốc đặt nghi vấn phải chăng ban lãnh đạo mới đang đặt « băng Thượng Hải » của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân vào tầm đạn.

Giang Trạch Dân được xem là lãnh đạo « băng Thượng Hải », từ chức vụ Thị trưởng thủ đô kinh tế , xây dựng mạng lưới ảnh hưởng đưa phe « Thái tử đảng » từ Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai …. lên đài danh vọng. Trong khi đó, báo chí chính thức tập trung tố cáo Quý Kiến Nghiệp phạm nhiều sai trái « từ tham ô cho đến đồi trụy hoang dâm ».

Những đại công trình xây dựng luôn được trao cho một công ty thầu vây cánh ở Từ Châu để chia chác tiền hoa hồng từ khi Quý Kiến Nghiệp làm Phó Bí thư đảng ủy Dương Châu, leo dần lên chức Thị trưởng Nam Kinh.
Tân Hoa xã đặt câu hỏi là tại sao Quý Kiến Nghiệp luôn có hành vi bê bối, sai trái mà vẫn thăng quan tiến chức không bao giờ bị thanh tra, kiểm điểm ?

Tờ báo Anh ngữ China Daily thì kêu gọi là « cần phải xem xét lại cơ chế bổ nhiệm cán bộ ».

Sinh năm 1957, Quý Kiến Nghiệp gia nhập đảng Cộng sản năm 1974.Chức vụ đầu tiên là Phó Tổng biên tập báo Từ Châu. Ông lập gia đình với con gái của Phó Tỉnh ủy tỉnh Giang Tô (thủ phủ là Nam Kinh) và bước vào sự nghiệp chính trị vào năm 2001 với chiếc ghế Phó Bí thư huyện Giang Châu, quê hương của ông Giang Trạch Dân.

Đối với các nhà quan sát quốc tế, do thiếu một hệ thống tư pháp độc lập và báo chí tự do, chính phủ Trung Quốc « chỉ đập được ruồi » mặc dù tạo ra tiếng vang trong vụ án Bạc Hy Lai.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.