Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

« Những vỏ bọc mới » của chế độ độc tài Bắc Triều Tiên

Kim Jong Un, nhà lãnh đạo của chế độ Bắc Triều Tiên, tuyên bố rằng người dân sẽ không còn phải « thắt lưng buộc bụng » nữa. Nếu như nhiều khu phố mới được xây dựng tại Bình Nhưỡng, hố ngăn cách giữa giới đặc quyền và những người bị bỏ rơi ngày càng sâu. Đề tài này được phụ trang Địa-Chính trị của báo Le Monde phản ảnh qua chùm bài viết mang chủ đề « Những vỏ bọc mới của chế độ độc tài Bắc Triều Tiên ».

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (P) thăm một cơ sở sản xuất thực phẩm của quân đội. (Ảnh do KCNA công bố ngày 1711/2013)
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (P) thăm một cơ sở sản xuất thực phẩm của quân đội. (Ảnh do KCNA công bố ngày 1711/2013) REUTERS
Quảng cáo

Trong bài viết đề tựa « Bắc Triều Tiên, các ‘điều chỉnh’ nhỏ nhoi của Kim Jong-un », Philippe Pons - đặc phái viên của tờ báo, nhận thấy là cuộc sống tại thủ đô có vẻ như đang thay da đổi thịt. Một Bình Nhưỡng bảnh bao với nhiều khu phố mới, các khu giải trí, những đại lộ với những dải cỏ được cắt tỉa bằng phẳng, được bảo trì cẩn thận và lượng xe ô-tô lưu thông ngày càng đông đúc. Tác giả tự hỏi : Phải chăng tất cả những hình ảnh đó đang gợi nhắc đến « một ngôi làng Potemkine », nghĩa là một sự ảo giác ?

Bởi vì, chỉ cần rời xa một chút khu đô thị phồn hoa đó, quang cảnh đã thay đổi : Những con đường với các lề đường lồi lõm, các tòa nhà cũ kỹ, hư nát, đám đông buôn bán dọc theo những con lộ tối tăm. Tình trạng đình trệ và khan hiếm lương thực thấy rõ nhất tại các thành phố tỉnh.

Theo tác giả, thời hoàng kim của Bắc Triều Tiên tập trung chủ yếu vào những năm 1970. Những năm đó, các lãnh vực giáo dục, kinh tế và cơ sở hạ tầng gần như đạt đến đỉnh cao. Thế nhưng, sự sụp đổ của Liên Xô đã làm cho nền kinh tế đất nước kiệt quệ trong những thập niên tiếp theo. Mà đỉnh điểm là nạn đói khủng khiếp kéo dài từ năm 1994-1998 đã cướp đi mạng sống của 600.000 người trong Tổng số 24 triệu dân.

Kinh tế chính phủ và hệ thống bao cấp sụp đổ đã làm nảy sinh ra một nền kinh tế « ngầm », nền tảng của nền kinh tế « thị trường », giúp duy trì phần nào sự sống còn nền kinh tế đất nước. Bất chấp sự kiểm soát gắt gao và sự trấn áp của chính phủ, nền kinh tế đó vẫn sinh sôi và giúp cho đất nước tồn tại.

Kinh tế phát triển kèm theo bất bình đẳng xã hội tăng theo

Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2011, để tạo một diện mạo hiện đại mới cho đất nước, nhà lãnh đạo trẻ đã cho tiến hành một loạt cải tổ nội các : bổ nhiệm lại ông Pak Pong-ju vào vị trí Thủ tướng - người đã từng thực hiện chương trình cải cách năm 2002, cách chức gần phân nửa quan chức cao cấp trong quân đội và của Đảng. Một mặt, các biện pháp trên nhằm củng cố quyền lực cho nhà lãnh đạo trẻ. Mặt khác, sự việc cho thấy không chỉ Kim Jong-un muốn trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, ông còn muốn tập trung chủ yếu vào việc cải thiện điều kiện sinh sống của người dân.

Philippe Pons nhìn nhận là, kinh tế đất nước có vẻ như đang thoát khỏi cảnh túng thiếu một cách chậm chạp : Tăng trưởng kinh tế năm 2012 đạt 1,3% nhờ được mùa và xuất khẩu khoáng sản như sắt, than và kim loại « hiếm » sang Trung Quốc. Sự xuất hiện của nền kinh tế tiền tệ thay cho tem phiếu. Nhiều loại ngoại tệ lưu thông trên thị trường (euro, đô-la, nhân dân tệ Trung Quốc và đối với người nghèo là đồng won Triều Tiên). Hay như sự hiện diện của các dòng sản phẩm cao cấp, công nghệ cao và dịch vụ như điện thoại di động, máy tính bảng màn hình cảm ứng, điện thoại thông minh, xe ô-tô nhãn hiệu nước ngoài, xe taxi (mới có gần đây), hàng quán v.v...

Theo tác giả, tất cả những điều đó phản ảnh một sự đa dạng xã hội ngày càng lớn và sự xuất hiện của một tầng lớp đặc quyền mới, khá giả hơn đang lan rộng ngoài cả tầng lớp lãnh đạo truyền thống.

Dù vậy, tác giả cũng nhận thấy là đại đa số người dân vẫn sống trong cảnh thiếu thốn (lương thực, thuốc men, nhiên liệu sưởi cho mùa đông). Nạn khan hiếm đó lệ thuộc nhiều vào tầng lớp xã hội. Sự phát triển của nền kinh tế trên thực tế là thị trường đã làm mất đi bản chất một xã hội « quân bình ». Tầng lớp đặc quyền giờ đây tiêu xài mà không cần giấu giếm. Hố sâu giữa những kẻ được hưởng lợi và những người luôn trong cảnh thiếu thốn ngày càng lớn.

Từ đó, tác giả bài viết nhận thấy là những kẻ trung thành với chế độ chính là « tầng lớp trung lưu », đang được hưởng những cải thiện đó. Theo đánh giá của tác giả, duy chỉ có 1% hay 2% dân tỵ nạn tại Hàn Quốc thuộc giới trí thức mà thôi.

Cải cách ruộng đất chớm nở

Để chống lại nạn khan hiếm lương thực, thực phẩm, Philippe Pons trong một bài viết khác cho hay là « nhiều cải cách ruộng đất đang chớm nở ».

Tình trạng Bắc Triều Tiên thiếu lương thực, người dân nhất là trẻ em, bị suy dinh dưỡng là một thực tế toàn thế giới đều biết. Theo đánh giá của một số tổ chức Liên Hiệp Quốc, đa số người dân Bắc Triều Tiên hiện có mức khẩu phần 390 gramme/ ngày, thấp hơn khuyến cáo của tổ chức Chương trình Lương thực Liên Hiệp Quốc (600gr/ngày).

Tuy nhiên, tờ báo cũng thấy là tình hình đã khá hơn trước. Mức thiếu hụt lương thực giảm từ 760 ngàn tấn xuống còn 550 ngàn tấn trong hai năm qua. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cũng giảm, từ 32% (2009) xuống còn 27,9% trong năm 2012.

Một chuyên gia nước ngoài, có kinh nghiệm về nông nghiệp tại Bắc Triều Tiên, cho rằng quốc gia có đủ các yếu tố để cải thiện tình hình : Mở rộng diện tích canh tác, nâng cao năng suất canh tác bằng cách sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, trồng rừng để tránh thiên tai và tránh làm nghèo đất canh tác, …

Bên cạnh đó, chính quyền còn đưa ra một số biện pháp linh hoạt, khuyến khích sự năng động của người dân : Xóa bỏ chế độ bao cấp chuyển sang tự cung, tự cấp, phát triển các khu chợ trao đổi tực tiếp hàng hóa giữa các nông trang tập thể và thử nghiệm mô hình « nông trang cá nhân » : Tức là mỗi tổ lao động (4-5 người) chịu trách nhiệm khai thác mảnh đất do chính quyền địa phương giao (đất đai vẫn thuộc sở hữu Nhà nước).

Trung Quốc : Giới chuyên gia vẫn nghi kỵ các chương trình cải cách

Hội nghị Trung ương 3 của đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc đã hơn một tuần nay với nhiều cam kết cải cách kinh tế và xã hội. Thế nhưng, giới chuyên gia quốc tế đón nhận các chương trình đó một cách rất thận trọng. Báo Le Monde trong bài viết đề tựa « Tại Trung Quốc, các cải cách kinh tế sẽ còn lâu », trích dẫn các nhận định của nhà nghiên cứu Joel Ruet, thuộc Viện phát triển bền vững và quan hệ quốc tế Pháp.

Trung Quốc có lẽ đã có một « lộ trình » hướng đến kinh tế thị trường, để tiến hành một chương trình cải cách « có tầm quan trọng đáng kể » như những gì Đặng Tiểu Bình đã làm ? Le Monde tỏ ra không chắc chắn.

Bởi vì, các cuộc tranh luận vẫn luôn được giữ bí mật, không một chi tiết cụ thể nào được tiết lộ ra ngoài liên quan đến các chương trình như thành lập khu vực trao đổi tự do tại Thượng Hải, tăng mức đầu tư nước ngoài từ 10% lên 15% trong các doanh nghiệp quốc doanh. Nói tóm lại, đổi công nghệ nước ngoài để vào thị trường Trung Quốc. Tờ báo đánh giá, điều này chẳng có gì là mới mẻ cả.

Trên bình diện xã hội cũng vậy, ngoài những lời lẽ sáo mòn, như tăng sức mua của những người có thu nhập trung bình, giảm cách biệt giàu nghèo và phát triển bền vững môi trường, hội nghị lần này cũng không đem lại một làn gió mới nào về an sinh xã hội.

Còn về lộ trình cho cải cách kinh tế thì sao ? Chuyên gia Joel Ruet đánh giá các số liệu của hai cố vấn Trầm Liên Đào (Andrew Sheng) và Tiếu Cảnh (Xiao Geng) dường như hơi bị thổi phồng. Hai nhà cố vấn Trung Quốc này cho rằng Tổng thu nhập quốc nội phải dựa nhiều vào năng suất kinh tế hơn là giá trị bất động sản. Và mức năng suất này có thể đạt đến tỷ lệ 261% của Tổng sản phẩm nội địa.

« Quyền lực mềm Trung Quốc » khó hấp dẫn thế giới

Trên bình diện văn hóa, Hội nghị Trung ương lần 3 khẳng định tham vọng biến Trung Quốc thành một « cường quốc văn hóa » toàn cầu. Thế nhưng, đối với nhật báo Công giáo La Croix, « Quyền lực mềm Trung Quốc không mấy hấp dẫn thế giới ».

Ít lâu sau khi Hội nghị Trung ương lần 3 kết thúc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố : « Cần phải tăng cường trao đổi văn hóa với các nước khác, củng cố khả năng giao tiếp và biến văn hóa Trung Quốc trở nên toàn cầu ». Tư tưởng này đã từng được cựu Chủ tịch Hồ Cầm Đào nhắc đến khi còn tại vị, cho rằng Trung Quốc cần gia tăng « quyền lực mềm ».

Từ nhiều năm gần đây, Bắc Kinh đã chi ra hàng tỷ nhân dân tệ cho « quyền lực mềm » tại nhiều nước đang phát triển, trên nhiều lãnh vực : Y tế, giáo dục, thể thao, trao đổi học bổng, đường xá, dạy tiếng Hoa miễn phí…

Hàng trăm viện Khổng tử (tương đương với Alliance française hay các viện Pháp ngữ), đã được khánh thành trong thập niên vừa qua. Trong lãnh vực truyền thông, Bắc Kinh cho đầu tư ồ ạt vào kênh truyền hình nhà nước CCTV để nâng cấp kênh truyền hình lên giống như CNN của Mỹ hay BBC của Anh, và để truyền tải « quan điểm Trung Quốc » bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Tuy nhiên, La Croix nhận thấy là tuy bỏ ra những khoản đầu tư khổng lồ, Trung Quốc vẫn chưa đạt được những gì mình mong muốn. Nhãn « Made in China » thì mang nhiều tiếng xấu, trong khi ảnh hưởng văn hóa (điện ảnh, truyền hình, văn học) vẫn rất hạn chế.

Trên bình diện khoa học, các viện nghiên cứu hay các trường đại học Trung Quốc vẫn tự hỏi ngày nào sẽ được một giải Nobel về hóa học, vật lý hay y học… Một thăm dò do đài BBC thực hiện hồi tháng Sáu năm nay còn cho thấy hình ảnh của Trung Quốc mất đi đến 8 điểm so với năm 2012.

Theo Joseph Nye, giáo sư đại học Havard, công cuộc xây dựng « quyền lực mềm » phải có sự kết hợp giữa Nhà nước và « những cá nhân, lãnh vực tư và xã hội dân sự ». Không chỉ có nhiều tiền và quyết tâm chính trị, « quyền lực mềm » Trung Quốc chỉ nở rộ khi có sự tự do sáng tạo, một yếu tố không thể nào thiếu được.

John F. Kennedy, một vị Tổng thống với những mặt đối lập

Chỉ còn một ngày nữa là đến ngày giỗ thứ 50 của John F. Kennedy, vị Tổng thống Mỹ bị ám sát vào ngày 22/11/1963, tại Dallas. Báo chí Pháp hôm nay có nhiều bài viết và phỏng vấn về vị Tổng thống đã đi vào « huyền thoại » này.

Nhật báo công giáo La Croix có bài phỏng vấn với ông Philippe Labro, nhà báo và nhà văn, tác giả của tiểu thuyết « On a tiré sur le président » (tạm dịch là Họ đã bắn vào Tổng thống). Ngoài việc trình bày lý do tại sao ông viết quyển sách này và những nhận định của ông về sự kiện, tác giả còn giải thích cho La Croix biết tại sao ông chọn giả thuyết thủ phạm là một tay súng đơn độc. Trong khi mà từ nhiều thập niên qua, nhiều giả thuyết cho rằng đây lại là một âm mưu.

Báo Les Echos thì có bài nhận định đề tựa « 50 năm sau, những bài học từ Kennedy ». Theo tác giả Dominique Moisi, John F.Kennedy được lòng dân nhờ ba yếu tố chính : Uy tín cá nhân, cách xử lý khủng hoảng tên lửa tại Cuba, và cam kết trao thêm quyền công dân cho người da màu. Trên phương diện tình cảm, gương mặt trẻ trung của ông gợi nhắc một giai đoạn mà ở đó, một chính trị gia có thể làm cho ta mơ tưởng đến một thế giới tốt hơn. Dù đã 50 năm trôi qua, J.F.Kennedy vẫn tiếp tục làm mọi người mơ tưởng. Ông cho rằng JFK không chỉ hiện thân cho sự đoạn tuyệt mà còn là sự tiếp nối. Và những yếu kém cá nhân không thể nào làm xóa mờ sự cao cả của người thuộc công chúng.

Trái với các đồng nghiệp, tờ Libération lại chạy tựa rằng : « John Kennedy là một vị Tổng thống tầm thường ». Tờ báo có dịp trao đổi với Seymour Hersh, nhà phê bình người Mỹ, tác giả của quyển sách « Bộ mặt thật của phe Kennedy », xuất bản vào năm 1997. Libération cho biết, khó chịu trước những lời ca tụng đang làm sống lại huyền thoại của vị Tổng thống trẻ, ông Seymour Hersh đã vén màn về những mối liên hệ của gia đình Kennedy với các tổ chức tội phạm mafia, sự lệ thuộc của JFK vào thuốc ngủ hay những cuộc truy hoan tại hồ bơi của Nhà Trắng. Ông cũng chỉ rõ cho thấy những điểm yếu cá nhân đè nặng lên suốt gia đoạn làm Tổng thống, được thêu dệt bằng những lời dối trá.

Theo ông Seymour Hersh, trong những điểm xấu xa mà ông đưa ra, điều tệ hại nhất là cách giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba và cuộc chiến Việt Nam.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.