Vào nội dung chính
THÁI LAN - CHÍNH TRỊ

Cảnh sát Thái Lan để cho người biểu tình tiến vào trụ sở chính phủ

Hai ngày trước sinh nhật quốc vương Thái Lan, tình hình tại thủ đô Bangkok lắng dịu sau việc cảnh sát Thái Lan bất ngờ tháo gỡ rào cản bên ngoài phủ Thủ tướng và trụ sở cảnh sát vào sáng nay (03/12/2013). Phe đối lập tiếp tục đòi thủ tướng Yingluck từ chức, trong lúc bà đã rời khỏi Bangkok, đến Hua Hin tiếp kiến nhà vua.

Đoàn biểu tình xâm chiếm tòa nhà chính phủ Thái Lan, Bangkok, 03/12/2013.
Đoàn biểu tình xâm chiếm tòa nhà chính phủ Thái Lan, Bangkok, 03/12/2013. REUTERS/Dylan Martinez
Quảng cáo

Tường trình của thông tín viên đài RFI, Frédéric Belge từ thủ đô Bangkok :

« Cảnh sát Thái Lan buông vũ khí đã tạo bất ngờ trong hàng ngũ người biểu tình. Phe chống chính phủ và nhất là lãnh đạo của phong trào, Suthep Thaugsuban, hô hào chiến thắng. Tuy nhiên phát biểu vào sáng nay, ông Suthep khẳng định chiến thắng này chưa trọn vẹn khi mà ‘gia đình Shinawatra vẫn còn tồn tại’. Phe đối lập Thái Lan vẫn duy trì mục tiêu đòi thủ tướng Yingluck, em gái của thủ tướng Thaksin bị lật đổ phải từ chức và Thái Lan tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Ông Suthep tỏ ra khá mệt mỏi sau một tháng liên tục đấu tranh trên đường phố. Là người từng giữ chức phó thủ tướng, Suthep Thaugsuban tuyên bố mục tiêu duy nhất mà ông theo đuổi là nhằm gạt gia đình nhà tỷ phú Thaksin Shinawatra ra khỏi guồng máy quyền lực. Bản thân ông sẽ rút lui khỏi chính trường Thái Lan và ông sẽ không tiếp tục tham gia vào các hoạt động của đảng Dân chủ.

Về phần mình, thủ tướng Yingluck không chính thức lên tiếng về tình hình ở Thái Lan trong những giờ qua. Bà đang tập trung vào việc chuẩn bị lễ mừng sinh nhật quốc vương Bhumibol. Đối với dư luận Thái, sinh nhật nhà vua ngày mồng 5 tháng 12 luôn là thời điểm để mọi người cùng bày tỏ sự tôn sùng và nghĩ đến quốc vương Bhumibol. Có triển vọng là tình hình tại Thái Lan sẽ tiếp tục lắng dịu trong một vài ngày nữa. Ít ra là để không làm xáo trộn lễ mừng sinh nhật nhà vua. Nhưng ở hậu trường thì chính phủ và phe đối lập vẫn ráo riết đàm phán, vì rạn nứt trong dư luận vẫn còn nguyên vẹn ».

Về phản ứng quốc tế, Hoa Kỳ kêu gọi đối lập Thái Lan và chính quyền của bà Yingluck đối thoại để nhanh chóng đưa quốc gia này ra khỏi bế tắc chính trị. Washington lấy làm tiếc là đã có những thiệt hại nhân mạng trong xung đột vào cuối tuần qua.

Riêng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki Moon đang dự cuộc họp tại Lima – Peru bày tỏ « quan ngại sâu sắc » trước tình Thái Lan. Ông kêu gọi giải quyết bất đồng bằng « đối thoại và một cách hòa bình (…) Tất cả các bên phải bảo đảm hoàn toàn tôn trọng các nguyên tắc của một nền dân chủ, của một nhà nước pháp quyền và quyền của con người, trong đó có cả quyền tự do ngôn luận ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.