Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Thương mại quốc tế : Sức tăng khó cưỡng của đồng nhân dân tệ

Từ khi khu vực Mậu dịch tự do thí điểm Thượng Hải được thành lập ngày 29/09 vừa qua, đồng nhân dân tệ Trung Quốc không ngừng tăng giá. Hiện tại, đây là đồng tiền trao đổi thứ hai trên thế giới, chỉ sau đồng đô la Mỹ và đứng trước cả đồng euro.

REUTERS /Petar Kujundzic
REUTERS /Petar Kujundzic
Quảng cáo

Hai tờ báo Le Monde và Les Echos quan tâm tới sự kiện này trong số ra ngày hôm nay. Chuyên trang « Kinh tế » của tờ Le Monde nhận định : « Sức tăng khó cưỡng của đồng nhân dân tệ trong thương mại thế giới ». Tác giả bài báo cho biết, hiện nay, 16% mậu dịch nước ngoài của Trung Quốc đã được niêm yết bằng đồng nhân dân tệ.

Con số này sẽ tăng lên tới 30% từ nay tới năm 2020. Như vậy, đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền thứ hai trong các hoạt động thanh toán thương mại đối với nhập khẩu, chỉ sau đồng đô la Mỹ. Còn trên toàn bộ thanh toán thương mại quốc tế, đồng nhân dân tệ vẫn chỉ chiếm 2%.

Cả hai tờ Le Monde và Les Echos đều nhận định kết quả này phản ánh nỗ lực và nguyện vọng của Bắc Kinh nhằm biến đồng nhân dân tệ thành một trong những đồng tiền lớn trong trao đổi thương mại quốc tế. Theo phân tích của Les Echos, Bắc Kinh tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng đô la.

Thế nhưng, hai vấn đề nổi cộm đang khiến nhà cầm quyền Trung Quốc phải suy nghĩ. Vấn đề thứ nhất liên quan tới biến động của đồng đô la và chi phí giao dịch chuyển đổi. Cả hai yếu tố này đều tác động tới các công ty Trung Quốc có giao dịch với quốc tế.

Vấn đề thứ hai là việc tích trữ đồng đô la tại Ngân hàng trung ương kéo theo thặng dư thương mại Trung Quốc. Với dự trữ ngoại tệ trị giá hơn 3 600 tỉ đô la, Trung Quốc sẽ là nạn nhân đầu tiên nếu đồng đô la bị xuống giá.
Chính vì thế, Trung Quốc đang từng bước tiến hành quốc tế hóa đồng tiền của mình.

Việc đầu tiên là quốc gia này đã cho phép niêm yết một số giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, tiếp theo là thành lập các khối thị trường chung sử dụng đồng tiền này, mà ưu tiên là khu vực Hồng Kông. Song song, Bắc Kinh cũng đã dần dần tiến hành quốc tế hóa tài chính bằng cách tạo một vài trường hợp ngoại lệ đối với đồng tiền quốc gia vẫn trong tình trạng « nội bất xuất, ngoại bất nhập ».

Cuối cùng, thời gian vừa qua, Bắc Kinh không ngừng ký kết các hiệp ước thương mại song phương với các nước châu Á hay Nam Mỹ, và gần đây nhất là thỏa thuận giữa hai Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương châu Âu được ký kết hồi tháng 10 vừa qua.

Đánh giá triển vọng của đồng nhân dân tệ trong trao đổi thương mại quốc tế, báo Le Monde nêu lên nhận định của các chuyên gia kinh tế của Natixis. Theo họ, con đường phía trước của đồng nhân dân tệ vẫn còn dài vì « trọng lượng của nó trên thị trường tài chính vẫn còn yếu so với đồng đô la ».

Để cạnh tranh với đồng đô la, đồng nhân dân tệ phải đảm bảo được ba điều kiện. Trước tiên, nó phải hoàn toàn hoán đổi được với các tiền tệ khác. Tiếp theo, lĩnh vực tài chính Trung Quốc, hiện còn bấp bênh, cần phải phát triển hơn nữa. Cuối cùng, đất nước phải mở rộng thị trường của mình cho vốn quốc tế.

Dân số Ấn Độ, phước lành hay tai họa ?

Quay sang nước láng giềng đông dân thứ hai (sau Trung Quốc), năm 2013, quốc gia Nam Á này có hơn 1,2 tỉ người, chiếm 17,39% dân số thế giới. Theo dự đoán, dân số Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2030 để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Dù người Ấn Độ coi việc tăng dân số là phước lành cho quốc gia, các bất cập xã hội và kinh tế không ngừng xuất hiện khiến chính phủ nước này đau đầu tìm cách giải quyết. Thực trạng này được tờ Les Echos phản ánh trong bài phóng sự : « Dân số Ấn Độ, phước lành hay tai họa ? »

Hiện tại, tình hình sinh sản tại quốc gia này đang giảm. Như vậy, lượng người phụ thuộc vào người lao động (trẻ em và người già) cũng giảm đi. Tuy nhiên, tình trạng trên sẽ không kéo dài vì, số lượng người sinh trong giai đoạn bùng nổ dân số sẽ già đi và sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế Ấn Độ.

Quốc gia Nam Á này cho rằng bùng nổ dân số trong ba thập niên vừa qua là một lợi thế cho đất nước. Thế nhưng, để những công dân này có ích cho xã hội, họ phải khỏe mạnh, được giáo dục và đào tạo tốt và phải có việc làm cho họ. Rất nhiều điều kiện mà Ấn Độ chưa thể đảm bảo được.

Tác giả bài báo đưa ra con số cụ thể để chứng minh. Về sức khỏe, 63 trên 1 000 trẻ em chết trước 5 tuổi (trong khi đó, con số này tại Trung Quốc là 18), do thiếu ăn, suy dinh dưỡng… Về giáo dục, chỉ 62% người Ấn Độ trên 15 tuổi biết đọc và viết. Nếu như ở bậc tiểu học, toàn bộ trẻ em tới trường, thì tới bậc phổ thông, con số này giảm xuống còn 60% và 16,2% ở bậc đại học.

Vấn đề đào tạo nghề cũng có nhiều thiếu sót, đặc biệt với một số ngành kỹ thuật hay thợ lành nghề vì người Ấn Độ coi thường những công việc này. Bộ trưởng Bộ Phát triển Nguồn nhân lực đang cố gắng thực hiện chính sách giáo dục phổ thông và đào tạo nghề tại cùng một trường để thu hút những thanh niên có ý định bỏ học sớm.

Vấn đề tạo việc làm cho những thanh niên bắt đầu gia nhập thị trường lao động cũng là một bài toán khó cho nhà cầm quyền. Trong vòng mười năm tới, mỗi tháng, quốc gia này cần phải tạo ra khoảng một triệu việc làm mới. Đây lại là một thách thức mới vì đất nước còn thiếu cơ sở hạ tầng, tình trạng quan liêu, nền công nghiệp phát triển dưới mức cần thiết ...

Vấn đề cuối cùng là phụ nữ tham gia thị trường lao động. Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, số lượng phụ nữ đi làm rất đông, ví dụ như tại Trung Quốc tỉ lệ này là 67,7%, song tại Ấn Độ, chỉ 29% phụ nữ trên độ tuổi 15 tham gia lao động.

Mặc dù còn nhiều bất cập, các chuyên gia vẫn lạc quan trước sự bùng nổ dân số tại đây. Một nhà kinh tế tại Ngân hàng thế giới đánh giá : « Ấn Độ sẽ thu hút việc làm vì chính tại đây các cơ hội nảy sinh ». Còn Bộ trưởng Bộ Phát triển Nguồn nhân lực Ấn Độ tỏ ra tin tưởng : « Chúng tôi có nguồn lao động lớn nhất thế giới.

Điều này tạo một lợi thế rất lớn, với điều kiện là chúng tôi giáo dục và đào tạo họ theo yêu cầu. Nếu chúng tôi thành công, đây sẽ là một cơ may lớn cho Ấn Độ. Nếu thất bại, nguy hiểm sẽ vô cùng : khi người ta có một lượng lớn nam thanh niên lo sợ và không việc làm, điều này sẽ dẫn tới tình huống bạo lực. Chính vì thế, đây không chỉ là thách thức xã hội và kinh tế, mà còn là vấn đề an ninh quốc gia ».

Khủng hoảng chính trị tại Thái Lan

Vẫn liên quan tới thời sự châu Á, cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan đang làm tê liệt chính phủ nước này từ hơn một tuần nay vẫn được các nhật báo Pháp theo dõi và bình luận.

Tờ Le Monde đánh giá : « Khủng hoảng tại Bangkok, triệu chứng của những rạn nứt xã hội Thái Lan ». Những mất cân bằng xã hội và kinh tế là lý do giải thích mối hận thù của người dân tỉnh lẻ luôn có cảm giác bị bỏ rơi trong guồng máy phát triển.

Chính phủ cấp 70% ngân sách cho Bangkok và các vùng phụ cận. Trong khí đó, miền Đông Bắc, chiếm tới 1/3 trên tổng số 70 triệu người Thái, chỉ nhận được 6%. Một số chính trị gia và doanh nhân Thái Lan bắt đầu lo lắng nếu khủng hoảng còn kéo dài và tình hình bất ổn này sẽ đe dọa tới nền kinh tế của nước này.

Báo L’Humanité phân tích một lý do khác khiến khủng hoảng chính trị tại Thái Lan có thể trở nên căng thẳng hơn. Vấn đề kế vị tại nước này cũng là chủ đề tranh cãi trong nội bộ hoàng gia và dân chúng. Hoàng tử sẽ kế tục là người thân cận của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Theo thông tin của hai tờ L’Humanité và Libération, các cuộc biểu tình tại Bangkok sẽ tạm ngưng trong khoảng thời gian kỉ niệm sinh nhật lần thứ 86 của vua Thái Lan. Nhân dịp này, chính phủ đã tỏ ra nhượng bộ bằng cách để hàng nghìn người biểu tình vào trụ sở của chính phủ nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai phe « Áo đỏ » và « Áo vàng ».

Tờ Le Figaro nhận định : « Thái Lan trong ngõ cụt chính trị », sau hơn mười ngày chìm trong khủng hoảng. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía quân đội, thường đóng vai trò công lý hòa bình, cho nền chính trị Thái để tìm ra lối thoát. Nhưng lần này, quân đội cũng đang trong tình trạng chia rẽ và, cho tới hiện nay, vẫn từ chối đứng về phe nào mà muốn để cho các chính trị gia tự giải quyết vấn đề này.

Khủng hoảng chính trị tại Ukraina

Tình hình căng thẳng tại Ukraina do các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn là chủ đề được ưu tiên quan tâm trên các số báo ra ngày hôm nay.

Trong bài : « Tại Kiev, “cuộc cách mạng ở thượng tầng tìm cách gặp cuộc cách mạng ở hạ tầng” », báo Le Monde thông tin, ngày 02 tháng 12 vừa qua, từ Armenia, tổng thống Nga Putin công bố : « sự kiện đang diễn ra tại Ukraina giống một cuộc tàn sát hơn là một cuộc cách mạng ». Ông cũng khẳng định : « Các hành động đã được chuẩn bị từ bên ngoài Chúng ta thấy là các nhóm có tổ chức đã tham gia như thế nào để làm lung lay chính phủ hợp pháp ».

Nga tỏ ra không chắc chắn trong việc thuyết phục tổng thống Ukraina không xích gần Liên hiệp châu Âu. Đây là nhận định của tờ La Croix. Theo đó, những lời hứa của tổng thống Nga với Kiev (như cho vay tín dụng, giảm giá khí đốt…) sẽ phải trả giá đắt vì chính nền kinh tế Nga cũng đang sụt sùi và tình trạng ngân sách cũng chẳng khả quan.

Diễn biến của cuộc biểu tình được báo Le Figaro tường trình lại trong bài : « Phe đối lập cắm trại tại trung tâm Kiev ». Còn các tờ Les Echos và Libération thông tin : « Tại Ukraina, chính phủ thoát khỏi bản kiến nghị bất tín nhiệm » sau khi bản kiến nghị này đã không được Nghị viện thông qua.

Theo tờ Les Echos, mặc dù đất nước vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng chính trị, tổng thống Ukraina vẫn quyết định duy trì chuyến công du bốn ngày tại Trung Quốc. Đây là đối tác quan trọng của Ukraina và chính phủ nước này trông đợi rất nhiều vào tính năng động của Trung Quốc, đặc biệt trong ngành nông nghiệp.

Tháng 9 vừa qua, hai bên đã thông báo một thỏa thuận giữa hai nước đã được ký kết. Theo đó, Ukraina cam kết cung cấp 100 000 ha đất nông nghiệp chất lượng cao trong vòng 5 năm với trị giá ước tính khoảng 2,6 tỉ đô la, biến Ukraina trở thành nhà cung cấp đất nông nghiệp lớn nhất cho Trung Quốc.

Dù là quốc gia đông dân nhất thế giới (chiếm khoảng 20% dân số), nhưng Trung Quốc chỉ chiếm 9% đất nông nghiệp. Trước đó, hồi tháng 3, Ukraina đã nhận một khoản vay từ chính phủ Trung Quốc, lên tới 1,5 triệu đô la để xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn ngũ cốc trong cả năm 2013. Tổng cộng, trong vòng hai năm 2012-2013, Trung Quốc đã cho Ukraina vay 10 tỉ đô la.

Thế nhưng, tình hình tài chính của đất nước vẫn trong giai đoạn nguy kịch, vì Ukraina vừa phải trả khoản nợ 17 tỉ đô la và vừa phải thanh toán hóa đơn khí đốt cho năm 2014.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.