Vào nội dung chính
THÁI LAN - CHÍNH TRỊ

Vua Thái bất lực trước một vương quốc phân hóa

Về các cuộc biểu tình dữ dội chống chính phủ của thủ tướng Yingluck Sinawatra, Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý của đặc phái viên tại Bangkok, với tựa đề : « Sự bất lực của vua Thái trước những người biểu tình », với nhận định lời kêu gọi hòa giải của vua Rama IX dường như không đủ khả năng để tạo lập một cuộc đối thoại giữa « phe Áo đỏ » và « phe Áo vàng ».

Những người biểu tình chống chính phủ nghỉ ngơi tại tiền sảnh trụ sở Bộ Tài chính, trước chân dung vua Bhumibol, 25/11/2013.
Những người biểu tình chống chính phủ nghỉ ngơi tại tiền sảnh trụ sở Bộ Tài chính, trước chân dung vua Bhumibol, 25/11/2013. REUTERS/Damir Sagolj
Quảng cáo

Le Figaro mở đầu với mô tả cảnh truyền hình trực tiếp vị vua Thái già nua đọc diễn văn với giọng nói thầm thì, rất khó nghe. Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ năm 2010, đúng vào dịp sinh nhật ông 86 tuổi – ngày lễ quan trọng nhất của vương quốc - vua Rama IX đã quyết định can thiệp.

Cầm quyền từ năm 1946, vua Thái Lan - nguyên thủ quốc gia nắm quyền lâu nhất trên thế giới – cho đến nay vẫn là người đứng trên tất cả mọi xung đột. Thông điệp mang tính hiệu triệu và bóng gió của vua Bhumibol được hai phe đối đầu trong cuộc khủng hoảng hiện nay giải thích theo cách hoàn toàn có lợi cho mình. Phe Áo đỏ ủng hộ thủ tướng Yingluck thì cho rằng diễn văn của nhà vua kêu gọi « tất cả làm việc cùng nhau vì lợi ích của đất nước » là một lời chỉ trích khéo léo nhắm vào phong trào nổi dậy Áo vàng. Ngược lại, phe biểu tình thì cho rằng nhà vua khuyến khích hành động để buộc thủ tướng đương nhiệm phải từ chức.

Trên thực tế, vua Bhumibol bất lực nhìn vương quốc của ông phân hóa thành hai phe, do những thay đổi kinh tế xã hội lớn lao. Phe gồm các thành phần tinh hoa truyền thống bảo hoảng lo sợ nguyên tắc bầu cử phổ thông đầu phiếu đưa « gia tộc Shinawatra » lên nắm quyền, nhờ hậu thuẫn của đông đảo nông dân nghèo vùng Đông Bắc. Thủ lãnh phong trào phản kháng - Suthep Thaugsuban, cựu phó thủ tướng – chủ trương tái lập một nền quân chủ mạnh. Nhiều thành viên phe Áo vàng lo ngại gia đình cựu thủ tướng Thaksin tìm cách loại bỏ nhà vua.

Chủ trương của lãnh đạo phong trào ủng hộ hoàng gia là thay đổi triệt để luật bầu cử, bằng cách giới hạn phạm vi của nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, ngăn chặn đà ảnh hưởng đang lên của tầng lớp nông dân « đỏ » trên trường chính trị. "Nhà lãnh đạo Bangkok" (tức ông Suthep Thaugsuban) đề nghị lập một chính phủ chuyển tiếp trong thời gian vô hạn định, đứng đầu là một thủ tướng do vua bổ nhiệm, chứ không phải do dân cử. Quan điểm này khiến ngay cả một bộ phận những người quân chủ ôn hòa lo ngại, vì sợ rằng nền dân chủ Thái Lan non trẻ sẽ tụt hậu rất xa. Để đánh giá về chủ trương của ông Suthep, Bangkok Post – một tờ báo của tầng lớp thị dân chống Thaksin – chạy tít : « Ảo tưởng ».

Trong những giờ tới, diễn biến tại Bangkok sẽ cho thấy liệu sau thời gian hưu chiến do sinh nhật nhà vua hai phe có chấp nhận đối thoại, dưới sức ép của quân đội (thành trì cuối cùng của nền quân chủ Thái Lan) hay không?

An ninh tại Trung Phi : Tâm điểm của Hội nghị thượng đỉnh Pháp-Châu Phi

Can thiệp quân sự của Pháp để khôi phục an ninh tại nước Cộng hòa Trung Phi là chủ đề chính của hầu hết các nhật báo Pháp hôm nay, sau quyết định bật đèn xanh của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm qua. Báo Le Figaro chạy tựa « Trung Phi : Nước Pháp can thiệp để chấm dứt hỗn loạn ». Libération đăng hình ảnh trên trang nhất một người da đen nằm sõng sượt trên sàn nhà với hàng tít : « Thảm sát ở Bangui trước can thiệp của Pháp ». Hay l’Humanité : « Đèn xanh Liên Hiệp Quốc : các binh sĩ Pháp tiếp tục can thiệp ». « Pháp – Châu Phi, bên kia của tình trạng khẩn cấp » là hàng tựa của La Croix. Le Monde đăng bức hình hai người lính trên vị trí chiến đấu tại sân bay quốc tế Bangui (Trung Phi) với hàng tít « Nước Pháp lên tuyến đầu tại Châu Phi ». Le Monde có bài phân tích tổng hợp « Trung Phi ở tâm điểm của thượng đỉnh Elysée ».

Chiến dịch can thiệp quân sự tại Cộng hòa Trung Phi của nước Pháp phủ bóng lên hội nghị thượng đỉnh Pháp-Châu Phi diễn ra trong hai ngày, hôm nay và ngày mai tại Paris là nhận định của Le Monde. Chương trình nghị sự đã có thay đổi quan trọng với một « tiểu thượng đỉnh không chính thức » đặc biệt về Trung Phi sẽ diễn ra vào ngày mai, với sự tham gia của nguyên thủ hơn 10 nước.

Tiếp theo Mali, một lần nữa nước Pháp phải can thiệp quân sự tại Châu Phi trong vai trò « cảnh sát » để vãn hồi hòa bình. Le Monde nhận định, các can thiệp này diễn ra trong bối cảnh rất tế nhị khi tổng thống Pháp chủ trương đưa quan hệ với Châu Phi chuyển sang một trang mới. Tại Phủ Tổng thống Pháp, người ta tránh dùng từ « Pháp-Phi Châu » và ưu tiên cho việc chuẩn bị sự kiện quan trọng này một cách tập thể.

Các hội nghị thượng đỉnh Pháp-Châu Phi thường có một ý nghĩa đặc biệt với châu lục, theo nhận định của thượng nghị sĩ Jean-Marie Bockel, cựu quốc vụ khanh phụ trách hợp tác. Việc đại diện của hơn 40 quốc gia Châu Phi tham dự hội nghị này cho thấy nước Pháp « vẫn tiếp tục được lắng nghe ». Ông Philippe Hugon – chuyên gia viện quan hệ quốc tế và chiến lược IRIS – nhận định, nếu như hội nghị Pháp-Phi năm 1990 đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình dân chủ hóa tại Châu Phi, thì hội nghị lần này là một bước ngoặt trong vấn đề an ninh đối với Châu Phi. Trên thực tế, cho dù muốn thoát khỏi cường quốc thuộc địa cũ, nhưng hiện tại, nhiều quốc gia Châu Phi chưa bảo đảm được an ninh cho bản thân. « Nước Pháp tiếp tục phải đóng vai trò cứu hỏa », trong khi chờ đợi sự lớn mạnh của lực lượng quân sự Châu Phi.

Cũng về chủ đề này, l’Humanité có cuộc thảo luận bàn tròn « Trung Phi : Vai trò nào cho quân đội Pháp ? ».

Nelson Mandela để lại một dân tộc hòa giải

Lãnh tụ Nam Phi Nelson Mandela qua đời tối qua ở tuổi 95. Le Figaro có bài : « Mandela, lý tưởng của tình ái hữu ». Hai trang lớn của tờ báo dành để thuật lại với độc giả cuộc đời của người anh hùng. « Mandela để lại một dân tộc hòa giải » là hàng tựa của báo Les Echos, với nhận định người anh hùng của cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã để lại « một nền dân chủ đa chủng tộc đã định hình, cho dù các đòi hỏi vẫn còn mạnh mẽ ».

Theo Les Echos, cho dù các bất bình đẳng vẫn còn đó, những nỗi lo ngại về sự tan vỡ của đất nước không phải là điều đáng lo ngại. Một nhà nghiên cứu Pháp bày tỏ hy vọng « cuộc tang lễ tập thể này sẽ cũng cố tình đoàn kết (vượt qua ranh giới chủng tộc) tại Nam Phi. Tất cả mọi người sẽ tới mặc niệm trước Nelson Mandela ».

Báo Guardian bị thẩm vấn : Gián điệp mạng và nền dân chủ

Về thời sự quốc tế, một chủ đề đáng chú ý khác là câu chuyện gián điệp mạng, sau các tiết lộ của cựu nhân viên NSA Snowden, tiếp tục có thêm một biến cố mới : Tờ báo Anh nổi tiếng The Guardian bị giới dân biểu, chính quyền và tình báo Anh gây áp lực. Ngày thứ ba 03/12, tổng biên tập The Guardian, ông Alan Rusbridger, bị thẩm vấn trong vòng 80 phút trước một ủy ban Quốc hội phụ trách nội vụ.

Bài « NSA/Cơ quan tình báo Mỹ với những con mắt mở to » trên Libération đưa ra một thông tin mới, tình báo Mỹ đã không chỉ theo dõi các cuộc điện thoại, mà còn theo vết các di chuyển của hàng trăm triệu người trên thế giới. Những tài liệu do Snowden phát giác cho thấy cơ quan tình báo Hoa Kỳ thu thập được gần 5 tỷ dữ liệu hàng ngày liên quan đến việc đi lại của các cá nhân. Điều này sở dĩ có được là nhờ các điện thoại di động, dù ở trong trạng thái không hoạt động, cũng có thể cho biết vị trí của những người đang sở hữu chúng. Thông tin mà NSA có được cho phép biết cả về những người có các tiếp xúc với các đối tượng bị tình nghi. Theo Libération, các tiết lộ gây chấn động của Snowden không mang lại một áp lực lớn buộc chính quyền Mỹ phải thay đổi. Theo một điều tra dư luận mới đây của Pew Research Center, chỉ có 34% người Mỹ cho rằng các thông tin Snowden tiết lộ « phục vụ cho lợi ích chung », trong khi đó, 55% cho rằng các thông tin này là « vô nghĩa ».

Cũng nhân dịp này, Le Monde có bài xã luận : « NSA, tờ ‘‘Guardian’’ và tự do thông tin », ủng hộ hành động của tờ The Guardian và đặt ra những câu hỏi về các thách thức tự do báo chí, việc bảo vệ đời sống riêng tư và nền dân chủ nói chung. Le Monde thuật lại diễn biến đầy ấn tượng trong cuộc thẩm vấn tổng biên tập The Guardian tại Quốc hội Anh. Trả lời cho câu hỏi bất ngờ gây sững sờ : « Ông có yêu nước mình không ? », phụ trách tờ The Guardian nói : « Chúng ta đều là người yêu nước, và một trong những điều khiến chúng ta yêu nước là nền dân chủ và tự do báo chí của chúng ta ». Le Monde khẳng định, một cuộc tranh luận thực sự về chủ đề này phải tập trung làm rõ vấn đề khuôn khổ của hoạt động tình báo nhắm vào các công dân, nhân danh chống khủng bố. Hiện tại, các chương trình thu thập tin tức bí mật đã được thiết lập mà không thông qua bất cứ một cuộc thảo luận dân chủ nào trước đó.

Hạ viện Pháp thông qua dự luật chống bóc lột tình dục

Về thời sự nước Pháp, ngày thứ Tư 04/12, Hạ viện bỏ phiếu thông qua dự luật về chống bóc lột tình dục (lutte contre le système protistutionnel). Luật dự kiến phạt đến 1500 euro đối với các khách hàng mua dâm lần đầu, nếu tái phạm phạt 3750 euro, hủy bỏ tội chèo kéo khách hàng và xác lập lộ trình để người bán dâm có thể thoát ra khỏi con đường này. Dự luật được chuyển qua Thượng viện để xem xét.

Nhân dịp này, Le Monde có bài mô tả chân dung một phụ nữ bán dâm, mang tên Laura, một sinh ngành y 26 tuổi, với tựa đề « Các khách hàng của tôi không phải là các cậu con trai xấu ». Bài báo mô tả Laura chỉ thỉnh thoảng làm công việc này để có đủ tiền sống hàng tháng. Quan điểm của Laura là Nhà nước không nên can thiệp vào việc này, ngoài cuộc chiến chống mạng lưới tú bà, tú ông. Cũng liên quan đến chủ đề này, Libération có một mô tả chân dung khác, về một thiếu nữ 15 tuổi, nạn nhân của một đường dây môi giới mãi dâm. Bài viết có tên « Tôi không biết mình đã trở thành người bán dâm ». Theo hiệp hội chống nạn bán dâm trẻ em (ACPE), hiện có khoảng 5.000 thiếu nữ bán dâm tại Pháp.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.