Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - ASEAN

Nhật Bản sẽ viện trợ 14 tỉ euro cho Đông Nam Á

Theo báo chí Nhật Bản hôm nay 13/12/2013, Nhật Bản sẽ đưa ra lời hứa viện trợ 14 tỉ euro cho mười nước Đông Nam Á trong cuộc họp thượng đỉnh tại Tokyo ngày mai, với mục đích củng cố quan hệ nhằm đối phó với một Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự.

Thủ tướng Nhật  Shizo Abe nhan một cuộc phát biểu tại Tokyo,  ngày 13/12/ 2013.
Thủ tướng Nhật Shizo Abe nhan một cuộc phát biểu tại Tokyo, ngày 13/12/ 2013. REUTERS/Toru Hanai
Quảng cáo

Kênh truyền hình quốc gia NHK và nhật báo Nikkei khẳng định, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ loan báo việc Nhật cam kết hỗ trợ 2.000 tỉ yen (14 tỉ euro), gồm cả tín dụng và viện trợ không hoàn lại trong vòng 5 năm.

Số tiền này được phân bố cho mười nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Miến Điện, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore và Brunei. Ngoài ra ông Abe cũng sẽ thông báo bổ sung thêm 10 tỉ yen (70 triệu euro) cho một quỹ khu vực nhằm phát triển kinh tế ở Đông Nam Á.

Cuộc họp thượng đỉnh Nhật Bản – ASEAN diễn ra trong lúc tình hình giữa Nhật và nước láng giềng Trung Quốc đang hết sức căng thẳng. Đôi bên đều tỏ ra cứng rắn về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo quản lý nhưng Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền.

Cuối tháng 11, Bắc Kinh đã dấn thêm một bước mới qua việc tuyên bố « vùng nhận dạng phòng không » bao trùm lên Biển Hoa Đông, chồng lấn lên khu vực của Nhật Bản và nhất là gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trung Quốc đòi hỏi tất cả các phi cơ của những nước khác trước khi bay ngang qua đây phải trình kế hoạch bay cũng như khai báo danh tính, nếu không có thể bị can thiệp quân sự.

Nhân cuộc họp thượng đỉnh với các nước Đông Nam Á, Nhật Bản muốn khuyến khích thành lập một mặt trận chung để đối phó với Trung Quốc, mà bốn quốc gia thành viên ASEAN hiện đang phải đối đầu về tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.

Trước hội nghị, chính quyền Nhật đã ký thêm ba hiệp định song phương về trao đổi ngoại hối (swap) với Indonesia, Philippines và Singapore. Các thỏa thuận này nhằm mục đích hỗ trợ cho các nước Đông Nam Á trong trường hợp gặp khó khăn về tài chính.

Khi cần thiết, nhờ các hiệp định này, Ngân hàng Nhật Bản có thể cung ứng đô la tiền mặt cho các ngân hàng trung ương của các quốc gia liên quan, đổi lấy nội tệ của các nước này theo hối suất đã ấn định trước. Nhờ đó các nước đối tác có thể có được nguồn ngoại tệ với giá phải chăng, khi đồng tiền của mình bị tấn công trên thị trường ngoại hối.

Hôm nay Nhật Bản và Indonesia thông báo đã gần như tăng gấp đôi trần dự kiến qua thỏa thuận swap, lên 22,76 tỉ đô la. Trao đổi ngoại hối giữa Nhật và Philippines cũng tăng gấp đôi, lên 12 tỉ đô la, còn với Singapore thì Tokyo gia hạn thỏa thuận về trao đổi ngoại tệ tối đa 4 tỉ đô la.

Từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối thập niên 90, các quốc gia trong khu vực đã tiến hàng một loạt các sáng kiến loại này để hạn chế tác động nếu có căng thẳng về tài chính. ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã thành lập một quỹ tiền tệ khu vực được gọi là « Sáng kiến Chiang Mai » với 240 tỉ đô la. Mười ba nước liên quan cung ứng tiền mặt cho quỹ này theo khả năng của mình, có thể cầu viện đến quỹ khi gặp khó khăn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.