Vào nội dung chính
THÁI LAN

Phe đối lập Thái Lan gặp quân đội để tìm lối thoát cho khủng hoảng

Hôm nay, 14/12/2013, theo Reuters, phe đối lập Thái Lan gặp các tướng lĩnh để tìm cách thuyết phục quân đội ủng hộ việc thành lập "một hội đồng nhân dân", thay thế cho chính quyền hiện tại, trong bối cảnh phong trào chống chính phủ vẫn tiếp diễn bất chấp việc Thủ tướng Yingluck chấp nhận giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Cuộc gặp này về nguyên tắc diễn ra công khai.

Lãnh đạo đối lập Suthep Thaugsuban muốn thành lập một "hội đồng nhân dân", thay thế cho chính phủ hiện tại - REUTERS /Damir Sagolj
Lãnh đạo đối lập Suthep Thaugsuban muốn thành lập một "hội đồng nhân dân", thay thế cho chính phủ hiện tại - REUTERS /Damir Sagolj
Quảng cáo

Lãnh đạo đối lập Suthep Thaugsuban tuyên bố, trong một diễn đàn được tổ chức hôm nay tại trường Đại học Thammasat ở Bangkok, Thái Lan đang đối mặt với trạng thái « chân không quyền lực », « không có chính phủ, không có quốc hội ». Giới quan sát ghi nhận, quyết định hồi đầu tuần của Thủ tướng Yingluck giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử Quốc hội sớm vào ngày 02/02/2014 không làm phe đối lập hài lòng, cho dù số lượng người tham gia phong trào phản kháng dường như có giảm bớt.

Lãnh đạo đối lập Thái Lan Suthep Thaugsuban biết rằng, nếu tổ chức bầu cử sớm phe ủng hộ chính phủ sẽ lại giành chiến thắng. Lập trường của phe đối lập là kiên quyết gây áp lực để thay thế chính quyền hiện hành bằng một « hội đồng nhân dân », có sứ mạng tiến hành các cải cách để chấm dứt ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin. Ông Thaksin Shinawatra - anh trai của Thủ tướng đương nhiệm, bị quân đội lật đổ năm 2006 và hiện đang sống lưu vong – được cho là vẫn duy trì ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Thái Lan.

Trong một thông điệp đưa ra tối muộn ngày hôm qua 13/12, các lãnh đạo đối lập Thái Lan cho biết sẽ thành lập một chính phủ lâm thời để cải cách luật bầu cử và khung pháp lý liên quan đến các đảng phái chính trị « để chấm dứt nạn mua phiếu bầu và gian lận trong bầu cử ».

Đối lập Thái Lan cũng hứa hẹn sẽ diệt trừ nạn tham nhũng, khởi sự việc phân quyền cho các địa phương và cải cách lĩnh vực công quyền, trong đó có ngành cảnh sát. Lãnh đạo đối lập Suthep Thaugsuban khẳng định, nếu giải pháp thành lập « hội đồng nhân dân » này không được chấp nhận, thì chính « nhân dân » sẽ nắm lấy quyền lực.

Theo nhà chính trị học Boonyakiat Karavekphan, trường Đại học Ramkamhaeng ở Bangkok, thì cuộc gặp gỡ giữa đối lập và quân đội hôm nay sẽ không mang lại kết quả gì đáng kể. Nhà chính trị học Thái Lan giải thích : « Đây là một diễn đàn công khai, điều đó có nghĩa là các cuộc thảo luận (chỉ) là một màn trình diễn. Quân đội hoàn toàn ý thức được rằng họ không thể đứng về phe nào và quân đội sẽ không thể lặp lại những gì trong quá khứ, bởi cộng đồng quốc tế theo dõi nhất cử nhất động của quân đội ».

Trong 80 năm gần đây, tức là kể từ khi nền quân chủ lập hiến Thái Lan ra đời, quân đội nước này đã tiến hành 18 cuộc đảo chính hay âm mưu đảo chính. Từ đầu cuộc khủng hoảng chính trị lần này, quân đội Thái Lan từ chối can dự và chỉ muốn đóng vai trò trung gian.

Theo tin giờ chót của hãng tin AFP, quân đội Thái Lan đã bác bỏ lời kêu gọi của đối lập đòi lật đổ Thủ tướng Yingluck. Quân đội Thái Lan khuyến khích « thương thuyết » và thực hiện bầu cử Quốc hội sớm như dự kiến. Người đứng đầu quân đội Thái Lan, tướng Thanasak Patimaprakon, kêu gọi phe biểu tình tiếp tục đàm phán nhằm đạt được « một đồng thuận ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.